Hội thảo góp ý cho Đề án theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ
10/01/2019Ngày 09/01/2019 tại trụ sở Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức hội thảo góp ý cho Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ chuyển đổi phát triển bền vững tại các tiểu vùng sinh thái” theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.
Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa chương trình hành động theo Quyết định số 816/QĐ-BNN-KH ngày 07/3/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.
Tham dự và chủ trì hội thảo, có Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục: Cục Quản lý công trình thủy lợi, Vụ KHCN và HTQT, Văn phòng Tổng cục… Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT có Ông Vũ Đức Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch; đại diện Vụ Tài chính, đại diện Cục Trồng trọt. Các địa phương ĐBSCL có Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, đại diện các Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang và một số tỉnh khác…
Về phía các cơ quan KHCN có GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; GS.TS Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội KHKT Thủy lợi TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển…
Hội thảo đã nghe 2 báo cáo tham luận về “Hiện trạng hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long-những thành tựu, tồn tại và thách thức” do đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thực hiện; báo cáo dự thảo khung Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ chuyển đổi phát triển bền vững tại các tiểu vùng sinh thái” theo Nghị quyết 120/NQ-CP” do Cục Quản lý công trình thủy lợi – Tổng cục Thủy lợi thực hiện.
Dự thảo Khung đề án đã nêu 7 điểm tồn tại, hạn chế của các hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL là: Nguồn nước mua mưa, mùa khô tự thượng lưu về Đồng bằng có những thay đổi về bản chất gây khó khăn cho vận hành công trình; Chưa kết hợp chặt chẽ thủy lợi với giao thông nội đồng và xây dựng nông thôn mới; Chưa bảo đảm chủ động cấp nước và kiểm soát lũ; Việc quản lý hệ thống chưa thống nhất, còn nhiều bất cập; Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình, ô nhiễm nguồn nước còn phổ biến, việc xử lý vi phạm còn nhiều bất cập; Cơ sở dữ liệu không đầy đủ, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý còn lạc hậu; Việc xã hội hóa đầu tư hiện đại hóa hệ thống còn nhiều rào cản…
Khung đề án đã nêu Mục tiêu tổng quát của Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL nhằm phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái theo hướng đa dạng hóa nguồn lực và phương thức thực hiện, hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý và hạn chế những tác động bất lợi từ thượng nguồn.
Mục tiêu cụ thể: Nâng cao năng lực của hệ thống thủy lợi bảo đảm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững; Hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi bảo đảm thích ứng với điều kiện nguồn nước và các tác động bất lợi từ thượng nguồn, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu mặn, lũ, ngập úng; Xác định lộ trình, phương án đầu tư công cụ và trang thiết bị; Xác định tổ chức quản lý, khai thác hệ thống phù hợp với hệ thống thủy lợi đã được hiện đại hóa; Đề xuất phương án đa dạng hóa nguồn lực đầu tư…;
Khung Đề án cũng đã đề xuất 7 giải pháp cụ thể để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi ĐBSCL bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống thủy lợi; Hoàn thiện tổ chức quản lý khai thác; Hiện đại hóa hệ thống quản lý vận hành; Hoàn thiện hệ thống thủy lợi; Bảo vệ hành lang công trình, chất lượng nước các hệ thống thủy lợi; Tăng cường thể chế, chính sách; Ứng dụng khoa học công nghệ.
Một số ý kiến thảo luận của các đại biểu được ghi nhận tại hội thảo:
Đề nghị đánh giá chi tiết hơn hiện trạng các hệ thống thủy lợi. Gửi đề cương chi tiết hiện đại hóa hệ thống thủy lợi xin ý kiến đóng góp các địa phương, tổ chức hội thảo mở rộng cho toàn vùng ĐBSCL về nội dung này;
Nghiên cứu sâu hơn về nguồn nước ĐBSCL trước nhiều nhân tố ảnh hưởng như hiện nay; đặc biệt là vấn đề hạn chế nguồn nước và nước biển dâng;
Vấn đề tổ chức quản lý các hệ thống thủy lợi và mô hình quản lý phù hợp…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án và đánh giá cao những ý kiến thảo luận xác đáng của các đại biểu. Ông cũng phân công các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung chi tiết (đánh giá hiện trạng hệ thống thủy lợi- thành tựu, tồn tại, thách thức…; đề cương chi tiết đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi) gửi xin ý kiến 13 tỉnh/thành phố thuộc ĐBSCL trước khi tổ chức hội thảo toàn vùng vào đầu quý 1/2019.
Theo www.siwrr.org.vn
Ý kiến góp ý: