Hội thảo góp ý hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật “Xây dựng mô hình thí điểm cấp thôn, bản về giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam” (đặc thù của vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Miền núi phía Bắc)
11/12/2024Sáng ngày 10/12/2024, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn Xây dựng mô hình cấp thôn, bản về giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam (đặc thù của vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Miền núi phía Bắc) do ThS. Phạm Chí Trung làm chủ nhiệm nhiệm vụ.
Tham dự Hội thảo có Đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện, Đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Trung tâm tư vấn quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (CPIM).
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện cho biết cảnh quan nông thôn luôn luôn gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa dân tộc. Hình ảnh nông thôn phản ánh quá trình phát triển đời sống văn hóa tinh thần. Trong quá trình hình thành và phát triển, việc duy trì cảnh quan nông thôn, bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và lịch sử văn hóa là trách nhiệm của các ngành, các cấp và mỗi người dân. Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TW, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam được giao tham gia một số nhiệm vụ trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trong đó có Xây dựng mô hình thí điểm cấp thôn, bản về giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam (đặc thù của vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Miền núi phía Bắc (2022), Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên(2023)) do ThS Phạm Chí Trung (Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế) làm Chủ nhiệm nhiệm vụ.
Một trong những nội dung hoạt động của các nhiệm vụ là xây dựng Sổ tay hướng dẫn “Xây dựng mô hình cấp thôn, bản về giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam”.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn nhằm xin ý kiến chuyên gia và các nhà khoa học, nhà quản lý và địa phương để hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn.
Các ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu tham dự có ý nghĩa rất quan trọng giúp cho Nhóm thực hiện chỉnh sửa, hoàn thiện cuốn Sổ tay trước khi trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương nghiệm thu, phát hành, chuyển giao cho các địa phương trong việc thực hiện các hoạt động giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam.
Báo cáo tổng quan về nhiệm vụ tại Hội thảo, ThS. Phạm Chí Trung - Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết “Cảnh quan là toàn bộ những gì có thể nhìn thấy của một khu vực, bao gồm cả các yếu tố về tự nhiên, vật lý, con người, được nhìn nhận bằng các giác quan của con người. Đồng thời được cảm nhận qua trình độ nhận thức nhất định mang tính chủ quan và trừu tượng. Cảnh quan nông thôn gắn liền với đời sống người dân khu vực nông thôn, gắn với rừng núi, sông ngòi, ruộng vườn, vừa là môi trường sống vừa là không gian văn hóa…
ThS. Phạm Chí Trung đã chỉ ra các tồn tại về cảnh quan, môi trường nông thôn và đề xuất một số giải pháp chính để giữ gìn và khôi phục cảnh quan nông thôn như: bố trí không gian của thôn bản, hộ gia đình đảm bảo tính phù hợp với sự phát triển KT-XH, văn hóa, nhất là quá trình CNH-HĐH và đô thị hóa nông thôn; Bảo vệ môi trường, giữ gìn, phục hồi, trồng bổ sung cây xanh tại các khu vực có thể, tạo không gian xanh tại trục đường liên thôn, đường bờ kênh thủy lợi…; Phát huy giá trị truyền thống của các thiết chế văn hóa, công trình kiến trúc, không gian thực hành văn hóa cộng đồng, sử dụng hiệu quả nhà văn hóa thôn; Nâng cao nhận thức cộng đồng, huy động sự tham gia, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khôi phục, giữ gìn cảnh quan…
Chủ nhiệm nhiệm vụ và nhóm thực hiện cũng đã xây dựng quy trình thực hiện khôi phục, giữ gìn cảnh quan cấp thôn bản bao gồm 03 bước đó là: Khảo sát, đánh giá hiện trạng, xây dựng giải pháp tổng thể; Tổ chức thực hiện; Kiểm tra, đánh giá nghiệm thu.
Giới thiệu về các cuốn Sổ tay hướng dẫn, ThS. Phạm Chí Trung cho biết mục tiêu của Sổ tay hướng dẫn nhằm góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực thực hành về giữ gìn, khôi phục cảnh quan nông thôn cho chính quyền địa phương, cộng đồng, hộ gia đình và các cá nhân tham gia vào quá trình ra quyết định xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và lựa chọn các hoạt động ưu tiên về đảm bảo tiêu chí môi trường, bảo vệ cảnh quan, không gian sinh sống, sản xuất xanh – sạch – đẹp – an toàn, bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng nhằm góp phần phát triển nông thôn bền vững, xây dựng các điểm du lịch nông thôn, du lịch làng nghề.
Đối tượng và phạm vi sử dụng của Sổ tay hướng dẫn là các xã, thôn bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia thực hiện hoạt động giữ gìn, khôi phục cảnh quan nông thôn trong Xây dựng nông thôn mới.
Các cuốn sổ tay hướng dẫn bao gồm các nội dung như: Thông tin chung; Đặc trưng cảnh quan nông thôn truyền thống Việt Nam; Hiện trạng cảnh quan của thôn bản thực hiện mô hình thí điểm; Giải pháp thực hiện khôi phục, giữ gìn cảnh quan thôn bản; Quy trình, tổ chức thực hiện; Kết quả thực hiện; Bài học kinh nghiệm.
Nội dung các cuốn Sổ tay hướng dẫn phản ánh quy trình khảo sát, đánh giá thực trạng môi trường, cảnh quan của địa phương, xây dựng các đề xuất và hướng dẫn triển khai các giải pháp thí điểm về giữ gìn và khôi phục một số yếu tố cảnh quan tại thôn, bản được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm.
Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đều nhất trí cho rằng cảnh quan là khái niệm rất rộng và trừu tượng, khung pháp lý cho việc quản lý không gian cảnh quan, nhất là cảnh quan nông thôn còn nhiều khoảng trống, còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiệm vụ của ThS. Phạm Chí Trung và nhóm thực hiện là thiết thực và quan trọng để lấp khoảng trống trong việc quản lý cảnh quan.
Các Cuốn sổ tay hướng dẫn được chủ nhiệm nhiệm vụ và nhóm thực hiện xây dựng công phu, các kết quả nghiên cứu khảo sát sát với thực tế. Sổ tay đã chỉ ra những bước căn bản trong quá trình xây dựng mô hình, có định hướng trong việc thực hiện các bước xây dựng mô hình hiệu quả; các dữ liệu trong các cuốn Sổ tay hướng dẫn có độ tin cậy, xác thực, cập nhật các yếu tố số liệu qua kết quả điều tra khảo sát và các mô hình tư liệu khác được sử dụng trong tài liệu; Đối tượng và phạm vi phù hợp với cách tiếp cận. Nội dung cơ bản phù hợp với mục tiêu; Văn phong trong các cuốn Sổ tay khoa học, phù hợp.
Sổ tay nhằm giúp cho Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và các địa phương có thêm tài liệu tham khảo để phổ biến, áp dụng trong quá trình thực hiện các tiêu chí về môi trường, văn hóa, cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Cuốn sổ tay có giá trị thực tiễn, giúp cho chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới tại các địa phương áp dụng thực hiện có hiệu quả, tác động tích cực đến các khía cạnh kinh tế xã hội, góp phần giảm thiểu các bất cập, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam.
Để các cuốn Sổ tay được hoàn thiện hơn, các đại biểu cũng đề nghị Chủ nhiệm nhiệm vụ ThS. Phạm Chí Trung và nhóm thực hiện cần chỉnh sửa cấu trúc, bố cục, hình thức 03 cuốn sổ tay cho thống nhất, phân chia nội dung các đề mục cho phù hợp hơn, chi tiết hơn đặc trưng về cảnh quan sông ngòi, kênh rạch, ao hồ, cảnh quan mặt nước, cảnh quan đồng ruộng, cảnh quan nhân tạo…; bổ sung bước lập kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm làm cơ sở các bước tiếp theo bao gồm mục đích, yêu cầu, nội dung triển khai, nguồn lực thực hiện, tổ chức thực hiện; xem xét bổ sung thêm cảnh quan về không gian sản xuất liên quan đến hoạt động sản xuất; chỉnh sửa tài liệu tham khảo, viện dẫn…
Nhiệm vụ Xây dựng mô hình thí điểm cấp thôn, bản về giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm Đề xuất được các giải pháp giữ gìn và khôi phục một số yếu tố cảnh quan truyền thống của nông thôn phù hợp với đặc thù của vùng; Xây dựng được mô hình thí điểm cấp thôn, bản về giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống; Trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng các mô hình đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình; Sổ tay hướng dẫn xây dựng mô hình về giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam (đặc thù của vùng). Kết quả thực hiện nhiệm vụ là xây dựng được quy trình thực hiện nhiệm vụ khôi phục, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp phù hợp vơi địa phương nhằm triển khai hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, xây dựng thôn bản sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; Thí điểm một số giải pháp nhằm huy động các nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ, khôi phục, giữ gìn cảnh quan khu vực công cộng (đường làng, nhà văn hóa, khu dân cư), xây dựng các điểm hộ gia đình thực hiện mô hình ngôi nhà xanh, sạch… |
Ý kiến góp ý: