TextBody
Huy chương 2

Hội thảo huy động vốn xã hội cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

02/02/2015

Ngày 31/1/2015, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo huy động vốn xã hội cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu các giải pháp huy động vốn xã hội cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới" do ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ nhiệm.

Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Chủ nhiệm đề tài.

Đến dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ xây dựng nông thôn mới; đại diện Viện Chính sách chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Về phía địa phương có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Quảng Nam, Cần Thơ. Hội thảo cũng đã quy tụ được các nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức khoa học và công nghệ khác có liên quan. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện.

Vốn xã hội là một nguồn lực giúp cho con người xây dựng và phát triển kinh tế xã hội bên cạnh những nguồn vốn quan trọng khác như: vốn vật chất (bao gồm: cơ sở hạ tầng, đất đai, tài nguyên thiên nhiên sẵn có...), vốn tài chính (tiền, vàng...), vốn con người (trình độ học vấn, tay nghề...), vốn văn hóa (phong tục tập quán, thói quen, tri thức bản địa...). Vốn xã hội có nhiều đóng góp cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp nông thôn như giúp người lao đông/hộ gia đình huy động các nguồn lực cho phát triển sản xuất; giúp liên kết, tập hợp những cơ sở sản xuất nhỏ thành một lực lượng lớn; giúp người lao động, các cơ sở sản xuất chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của nhà nước, tư nhân, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất; giúp chuyển đổi công việc và giúp người lao động nâng cao kiến thức, chuyên môn, hiểu biết về phát triển kinh tế phi nông nghiệp.

Các bài trình bày gồm:

- "Vốn xã hội trong phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn: những phát hiện chính" do ThS.Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chủ nhiệm đề tài trình bày

- "Các giải pháp huy động vốn xã hội cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn" do PGS.TS Nguyễn Tùng Phong, thành viên đề tài trình bày

- "Sổ tay hỏi-đáp về Vốn xã hội trong phát triển ngành nghề phi nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới" do ThS. Nguyễn Văn Chiến, thành viên đề tài trình bày.

Các bình luận của các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và những ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu có mặt tại Hội thảo đã làm sâu sắc và rõ hơn yếu tố vốn xã hội cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Trong bài bình luận của mình, PGS.TS Mai Quỳnh Nam - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng nhóm nghiên cứu đã chọn phương pháp tiếp cận hợp lý, đi từ khái niệm, các đặc trưng của vốn xã hội và đưa ra các chỉ báo đo lường cụ thể, phù hợp và đáng tin cậy, đồng thời nhấn mạnh giải pháp về "thể chế/chính sách" như là khâu đột phá để thay đổi nhận thức về vốn xã hội cũng như vận dụng vốn xã hội trong phát triển nông thôn nói chung và ngành nghề phi nông nghiệp nói riêng. PGS.TS Mai Quỳnh Nam cũng cho rằng, nhiều quan niệm đã không còn phù hợp với xu thế phát triển, hợp tác hiện nay cần phải xóa bỏ. Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, các giải pháp của nhóm nghiên cứu đưa ra rất phù hợp và có mối liên hệ chặt chẽ với các kết quả, phát hiện của đề tài và đây là một nghiên cứu nghiêm túc, công phu. PGS.TS Hoàng Bá Thịnh cũng cho rằng cần phân tích sâu sắc hơn nhóm yếu tố nhận thức đối với việc thúc đẩy vốn xã hội ở nông thôn bởi yếu tố nhận thức rất rộng nhưng lại rất quan trọng, thể hiện tính hai mặt rất rõ ràng của vốn xã hội là "co cụm" hay "mở rộng". Bên cạnh đó, GS.TS Tô Duy Hợp khẳng định đây là nghiên cứu tốt, có nhiều đóng góp quan trọng, song vẫn cần làm rõ hơn nữa về mặt cơ sở lý luận trong nghiên cứu về vốn xã hội để khẳng định kết quả có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn. Đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tham dự Hội thảo khẳng định nghiên cứu đóng góp quan trọng cho hoạt động thực tiễn xây dựng nông thôn mới bởi những giá trị vốn có và tiềm năng của nguồn vốn xã hội trong cộng đồng là rất lớn, đồng thời cũng lưu ý đến những giải pháp đặc thù cho các vùng, miền.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết Chương trình Nông thôn mới là một chương trình "lòng dân", "do dân" và "vì dân", phương châm của Chương trình là khích lệ nhân dân đứng lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn bằng chính sự năng động, sáng tạo của mình, Đảng và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần để khích lệ sức mạnh của nhân dân nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới cần chú trọng hơn nữa, dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho các nghiên cứu liên quan đến thể chế, chính sách và các vấn đề xã hội. Theo Bộ trưởng, nghiên cứu về xã hội giúp điểu chỉnh cơ chế chính sách, Bộ trưởng mong muốn các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học xã hội tích cực tham gia đóng góp nhiều hơn cho Chương trình.

Cũng tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu giới thiệu kết quả bước đầu nội dung cuốn Sổ tay Hỏi - Đáp về VỐN XÃ HỘI. Sổ tay dùng cho các cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ phát triển cộng đồng thuộc các cấp, ban, ngành ở địa phương, cán bộ làm công tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao trong lĩnh vực phát triển nông thôn và cộng đồng những người lao động, doanh nhân... ở nông thôn có quan tâm. Nhóm thực hiện đề tài mong muốn Sổ tay sẽ giúp cho người đọc có thể nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của vốn xã hội, từ đó biết khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả vốn xã hội cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm Đề tài ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu có mặt tại Hội thảo nhằm hoàn thiện hơn quá trình xây dựng các sản phẩm của đề tài cũng như tiếp tục phân tích sâu hơn một số yếu tố, mức độ tác động để đưa ra các giải pháp dựa trên các phát hiện của đề tài. 

Ý kiến góp ý: