TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học chào mừng 60 năm thành lập Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và đón nhận huân chương Hồ Chí Minh

05/12/2019

Sáng 2/12/2019, tại Hà Nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học. Đây là một trong chuỗi các sự kiện quan trọng hướng tới lễ kỷ niệm chào mừng 60 năm thành lập Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và đón nhận huân chương Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội thảo khoa học, có đại diện các cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng; đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra còn có đại diện các Chương trình Khoa học công nghệ; các Hội Khoa học kỹ thuật; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bình Định; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt đến dự Hội thảo còn có các nhà khoa học lão thành trong và ngoài Viện.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện; GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Tô Văn Thanh - Phó Giám đốc Viện; lãnh đạo các đơn vị, các phòng, trung tâm chuyên môn, bộ phận phụ trách khoa học của các đơn vị trực thuộc; các cán bộ khoa học và các nghiên cứu sinh đã và đang làm luận án tại Viện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện cho biết đây là Hội thảo Khoa học thường niên kết hợp với Hội thảo hướng tới ngày lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện. Mục đích của Hội thảo nhằm báo cáo các kết quả nghiên cứu, những thành tựu khoa học công nghệ nổi bật của Viện trong 05 năm vừa qua tới các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy; các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu hợp tác trong chuyển giao ứng dung trên phạm vi cả nước; Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng các sản phẩm khoa học và khả năng ứng dụng công nghệ của Viện tại các địa phương và doanh nghiệp.

Nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm Viện đã có những công tác chuẩn bị và những sự kiện hướng tới lễ kỷ niệm như dựng tượng Cụ Trần Đăng Khoa; sách lịch sử về Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam ghi lại những câu chuyện từ các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học đi trước của Viện trong suốt chiều dài lịch sử 60 năm phát triển của Viện; cuốn phim chiếu trong chương trình chính thức của Lễ kỷ niệm; 01 Hội thảo vùng, 01 Hội thảo quốc tế và Hội thảo này là Hội thảo toàn quốc nằm trong chuỗi các sự kiện của Viện.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt mong muốn sẽ được nghe nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi cũng như thảo luận của các nhà khoa học đến từ các cơ quan quản lý, từ khắp nơi trong cả nước và PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt chúc Hội thảo thành công.

Toàn cảnh Hội thảo

Tiếp theo đó, các đại biểu tham dự tại Hội thảo đã được nghe các diễn giả trình bày 08 báo cáo như giải pháp tổng thể công trình ứng phó với tình trạng hạ thấp mực nước đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng; Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam với nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; Giải pháp cảnh báo lũ quét theo công nghệ của Viện Quản lý Thiên tai Hàn Quốc; Nghiên cứu chỉnh trị sông đáp ứng các mục tiêu tổng hợp; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành các công trình thủy lợi; Định hướng các chính sách nhằm thực thi Luật Thủy lợi và các chính sách liên quan; Một số giải pháp khoa học công nghệ thủy lợi phục vụ quy hoạch và thiết kế cho vùng nuôi tôm ven biển đồng bằng sông Cửu Long; Định hướng các giải pháp khắc phục ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng.

GS.TS. Trương Đình Dụ cho rằng những báo cáo được trình bày Hội thảo là những vấn đề mang tầm chiến lược của Viện đã và đang giải quyết những vấn đề bức thiết của đất nước đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, theo GS.TS. Trương Đình Dụ, thời gian tới Viện cần tập trung giải quyết hai vấn đề cấp bách đó là biển lấn, chống hạn và tập trung giải quyết vấn đề kiểm soát nguồn nước ngọt, ngăn mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về vùng đồng bằng sông Hồng, GS.TS. Trương Đình Dụ mong muốn Viện nghiên cứu để làm thế nào Hà nội trở thành thành phố ven sông. 

Theo GS.TS. Lê Mạnh Hùng - Phụ trách Hội khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh - nguyên lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi và nguyên Giám đốc Viện cho biết hiện nay nguồn nước đang bị thất thoát, ô nhiễm trầm trọng vì vậy nhiệm vụ của Viện ngày càng khó khăn. GS.TS. Lê Mạnh Hùng cho rằng, Viện cần thiết lập mối quan hệ tốt với các cơ quan khí tượng thủy văn, bộ, ngành để giải quyết vấn đề này và dự báo tương cai cần phải giải quyết. GS.TS. Lê Mạnh Hùng mong muốn những đề tài, dự án của Viện cần đưa ra kết quả cụ thể, chính xác hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống hiện nay. Đặc biệt, về vấn đề chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh và vấn đề đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS. Lê Mạnh Hùng mong muốn Viện cần phải vào cuộc để giải quyết vấn đề chống ngập này và tổ chức Hội nghị để đưa ra các biện pháp bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long.

Theo GS. Hoàng Xuân Hồng - Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, những báo cáo mang tầm chiến lược được giới thiệu tại Hội thảo này cần được chuyển đến cấp cao hơn để thấy được sự thay đổi cơ bản của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng từ đó đưa ra những chương trình hành động và giải pháp để ứng phó. 

Ông Đặng Duy Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Bắc Hưng Hải mong muốn Viện hỗ trợ, đưa ra ý tưởng để có quy mô kết cấu công trình phù hợp đối với trạm bơm ở Cống Xuân Quan 2 và hỗ trợ trong vấn đề điều hành hệ thống thủy nông qua mạng…

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới, nguyên Giám đốc Viện nhất trí với một số hướng nghiên cứu trọng tâm của Viện qua các báo cáo và đánh giá cao sự chuẩn bị của Viện, đặc biệt đã xuất bản Tuyển tập Khoa học Công nghệ về tất cả vấn đề khoa học của ngành thủy lợi với gần 1000 trang. GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, đây là những công trình khoa học đang giải quyết những vấn đề chiến lược cho phát triển kinh tế đặc biệt là phát triển kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Các báo cáo tại Hội thảo đưa ra nhiều thông tin quan trọng, nhiều vấn đề liên quan đế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Viện tóm tắt và đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng để mọi tầng lớp trong xã hội thấy được Viện đã đề xuất, đưa ra các biện pháp để giải quyết những vấn đề cho đất nước thông qua các kết quả nghiên cứu của mình. 

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều ý kiến góp ý quan trọng, gợi mở định hướng cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu như ý kiến của GS.TSKH. Nguyễn Ân Niên về những vấn đề nghiên cứu ở phía Bắc và phía Nam; hay những góp ý quan trọng cung cấp thông tin trao đổi và mang tính chất phản biện cho các đề tài nghiên cứu như ý kiến của GS. Đoàn Văn Cánh - Chủ tịch Hiệp Hội địa chất Việt Nam.

 

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, các ý kiến đã giúp hoàn thiện, nâng cao chất lượng cho các kết quả nghiên cứu khoa học trình bày trong Hội thảo; đã giúp gợi mở, định hướng cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất một cách hiệu quả và thực chất hơn.

Các kết quả nghiên cứu của Viện nói riêng và của các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi nói chung đã đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước những thách thức từ việc sử dụng nguồn nước, sự phát triển nội tại, các tác động của biến đổi khí hậu đang đặt ra cho khoa học công nghệ thủy lợi nhiều vấn đề trong thời gian tới. Do vậy, GS.TS. Trần Đình Hòa mong muốn sự chung tay của các thế hệ các nhà khoa học của ngành thủy lợi để giải quyết các vấn đề trên và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương để các sản phẩm nghiên cứu của Viện ngày càng chất lượng và sớm được đưa vào thực tế sản xuất; tiếp tục nhận được sự tham gia, góp ý và đặc biệt đào tạo cho cán bộ của Viện từ các nhà khoa học lão thành, cơ quan quản lý để giúp cho công tác nghiên cứu khoa học của Viện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ý kiến góp ý: