TextBody
Huy chương 2

Hội thảo Khoa học Công nghệ: Các giải pháp Thủy lợi phục vụ thủy sản vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long

04/02/2015

Ngày 30/1/2015 tại TP. Cần Thơ, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi đã chủ trì tổ chức hội thảo khoa học trao đổi về kết quả thực hiện "Các giải pháp Thủy lợi phục vụ thủy sản vùng ven biển ĐBSCL".

Mục tiêu chủ yếu của nghiên cứu:

1. Mục tiêu chung

Đề xuất được các giải pháp hạ tầng kỹ thuật thủy lợi hệ thống vĩ mô và nội đồng cấp, thoát nước chủ động, xử lý ô nhiễm và suy thoái môi trường nước, tái sử dụng nguồn nước phục vụ nuôi tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2.  Mục tiêu cụ thể

-  Đề xuất được các giải pháp hạ tầng kỹ thuật thủy lợi hệ thống vĩ mô và nội đồng cấp, thoát nước chủ động;

-  Đề xuất được các giải pháp hạ tầng kỹ thuật thủy lợi hệ thống vĩ mô và nội đồng xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường nước;

-  Đưa ra được mô hình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi hệ thống vĩ mô và nội đồng (cấp, thoát và xử lý nước) cho các vùng nuôi tôm ven biển phù hợp với các hình thức sản xuất nuôi tôm ven biển phổ biến hiện nay.

Tham dự hội thảo có trên 30 đại biểu và các nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực Thủy lợi và Thủy sản thuộc các cơ quan: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Kỹ Thuật biển (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) và Đại học Thủy lợi; Viện Đổi mới Công nghệ Thủy lợi Mê Công, Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy lợi tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu,Cà Mau và Kiên Giang.

Lãnh đạo các Doanh nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cty SATRA Thái Sơn, Cty Nuôi tôm công nghiệp Miền Nam.

PGS.TS Đinh Vũ Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phát biểu khai mạc hội thảo.

GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì trao đổi thảo luận và phát biểu bế mạc

Hội thảo đã nghe và thảo luận các báo cáo tham luận:

1)  Tóm tắt kết quả thực hiện công tác điều tra, khảo sát thực địa, đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật, môi trường nước trên kênh rạch và ao nuôi thủy sản vùng ven biển từ Vũng Tàu đến Kiên Giang cập nhật đến tháng 01/2015;

2) Tính toán hệ số cấp nước, đề xuất một số mô hình cấp thoát và xử lý nước tiêu biểu phục vụ nuôi tôm vùng ven biển ĐBSCL;

Các đại biểu dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận, đánh giá cao các nội dung đã đạt được của các đề tài và đóng góp ý kiến cho Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và cơ quan chủ trì thực hiện đề tài, trong đó có một số ý kiến thảo luận đáng quan tâm như sau:

- Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển ĐBSCL diễn ra mạnh mẽ. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Cơ quan Khoa học cố gắng tập trung sớm đưa ra quy hoạch các vùng nuôi và các giải pháp thủy lợi đồng bộ để người dân và các cấp quản lý tại địa phương làm căn cứ thực hiện;

- Các hệ thống hạ tầng thủy lợi hiện nay chỉ có quy mô phục vụ sản xuất lúa, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ thủy sản, vì vậy cần xây dựng nền tảng hạ tầng thủy lợi tương xứng với quy hoạch phát triển thủy sản; việc quản lý vận hành cũng cần thay đổi theo nhu cầu cấp thoát nước của thủy sản;

- Các đề tài cần đưa ra những mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm nguồn nước, tài nguyên đất và khả năng đầu tư của người dân để từ đó khuyến khích nhân rộng mô hình;

- Hiện nay, các doanh nghiệp và người dân đã, đang và sẽ đầu tư kinh phí và nguồn nhân lực rất lớn vào nuôi trồng và chế biến thủy sản ở ĐBSCL, vì vậy rất mong Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ về phần đầu tư xây dựng công trình vĩ mô, nguồn vốn vay ưu đãi; Các cấp chính quyền địa phương là đầu mối chính sách quản lý phù hợp các hệ thống hạ tầng thủy lợi để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sản xuất;

- Đánh giá tác động và hiệu quả của việc bơm hút nước ngầm phục vụ việc nuôi trồng thủy sản, để từ đó đưa ra giải pháp và chính sách quản lý phù hợp;

- Vấn đề hạ tần thủy lợi cho khu vực nuôi trồng gần với khu vực trồng lúa để tránh gây ra rủi ro cho cả hai loại hình sản xuất thủy sản, lúa;

- Đối với khu vực trồng lúa hoặc sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế thấp, cần có đánh giá cụ thể mang tính khoa học và thực tiễn, từ đó khuyến cáo cấp quản lý địa phương và người dân chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản;

- Khi hoàn thiện nghiên cứu, các đơn vị chủ trì thực hiện đề tài phải ấn bản được cuốn sách hướng dẫn cụ thể kỹ thuật nuôi trồng, quy trình vận hành hệ thống hạ tầng thủy lợi để việc khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất được đồng bộ và bền vững.

 Hội thảo đề nghị Ban chủ nhiệm các đề tài cần căn cứ vào nội dung và thời gian thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, làm rõ thêm một số nội dung tính toán và góp ý, đặc biệt là những góp ý rất thiết thực từ các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Thủy lợi các tỉnh, Thành phố vùng ven biển ĐBSCL, đây là các địa phương được thừa hưởng kết quả nghiên cứu sau khi những đề tài KHCN này hoàn thành. Kết quả nghiên cứu, tính toán và đề xuất các giải pháp thủy lợi đồng bộ của đề tài sẽ giúp Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan quản lý địa phương làm cơ sở hoạch định các kế hoạch tái cơ cấu ngành, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, giảm thiểu bất lợi, nâng cao đời sống nhân dân.         

Theo http://www.siwrr.org.vn

Ý kiến góp ý: