Hội thảo khoa học Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ phòng trừ sinh vật gây hại các công trình di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An“
02/08/2013Ngày 26/7/2013, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã tổ chức Hội thảo khoa học Đề tài độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu công nghệ phòng trừ sinh vật gây hại các công trình di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An" do TS. Nguyễn Quốc Huy - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình làm Chủ nhiệm đề tài.
Tham dự Hội thảo có trên 30 đại biểu đến từ các cơ quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Khoa học Huế, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Bảo tồn Di tích, Khu di tích Chủ tịch HCM tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hoá Hội An, Ban Quản lý di tích và Du lịch Mỹ Sơn, các nhà khoa học và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, bảo quản di sản, di tích lịch sử, văn hóa ...
Đại diện cơ quan chủ trì, thực hiện đề tài có PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, TS. Trịnh Văn Hạnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, đại diện Ban Kế hoạch Tổng hợp và tập thể tác giả thực hiện đề tài, các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình.
Sau khi TS. Trịnh Văn Hạnh, chủ trì Hội thảo và phát biểu khai mạc, Hội thảo đã nghe và thảo luận các báo cáo:
- Sinh vật gây hại di sản, di tích ở Việt Nam, cách đánh giá và nguyên tắc phòng trừ.
- Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ gây hại của sinh vật xâm hại quần thể di tích Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An.
- Kết quả bước đầu đánh giá hiện trạng sinh vật xâm hại quần thể di tích Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An.
- Kết quả nghiên cứu thực vật gây hại quần thể di sản Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An.
- Kết quả nghiên cứu động vật có xương sống gây hại quần thể di sản Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An.
- Kết quả nghiên cứu nấm mốc, nấm mục gây hại quần thể di sản Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An.
- Kết quả nghiên cứu động vật không xương sống gây hại quần thể di sản Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An.
Tại Hội thảo, đề tài đã nhận được nhiều góp ý của các nhà khoa học, đặc biệt là các ý kiến của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản Quốc gia; GS.TSKH Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Viết Tùng, GS.TS Hà Quang Hùng, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; GS.TS. Bùi Công Hiển, PGS.TS Nguyễn Văn Quảng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các chuyên gia của Cục Di sản Văn hóa, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hoá Hội An, Ban Quản lý di tích và Du lịch Mỹ Sơn …
Các đại biểu đã thảo luận và đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được trong 2 năm qua, tập trung vào các nội dung:
- Khẳng định khái niệm mới về Môi trường di sản, di tích.
- Hệ thống hóa các khái niệm về sinh vật gây hại di sản, di tích.
- Phương pháp đánh giá và tiêu chí đánh giá mức độ tổn hại do sinh vật gây ra đối với di sản, di tích.
- Dẫn liệu khoa học về sinh vật hại ở quần thể di tích cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An.
Đây là những kết quả nghiên cứu quan trọng của đề tài làm cơ sở khoa học để tiến hành các nghiên cứu tiếp theo và đưa ra các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại.
Ngô Xuân Nam - Trung tâm sinh thái bảo vệ hồ chứa nước
Ý kiến góp ý: