Hội thảo khoa học đề tài KC 08.30/11.15
07/07/2015Ngày 5/7/2015, tại hội trường Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học đề tài “Nghiên cứu xác định khả năng chịu tải và dòng chảy tối thiểu của sông Vu Gia - Thu Bồn” thuộc Chương trình KC.08/11-15. Mã số: KC.08.30/11-15 do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì thực hiện.
Tham dự Hội thảo khoa học có PGS.TS. Lê Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” (Chương trình KC.08/11-15); đại diện Vụ Khoa học Tự nhiên và Xã hội - Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có đại diện Ban Kế hoạch Tổng hợp, lãnh đạo và các cán bộ Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường. Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn - Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường chủ trì. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các thành viên trong Ban chủ nhiệm Đề tài đã trình bày một số báo cáo chính và một số báo cáo chuyên đề tập trung vào cách tiếp cận, phương pháp thực hiện, các kết quả chính của Đề tài và đã cùng nhau trao đổi, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cho Ban chủ nhiệm Đề tài về mốc thời gian tính toán, tần suất dòng chảy, điểm khống chế, bổ sung thêm một số trạm khống chế ở đoạn có ảnh hưởng triểu và không có ảnh hưởng triều, vấn đề cân bằng nước; tính toán khả năng chịu tải trong trường hợp không có hồ và có hồ điều tiết thượng lưu; tham khảo kết quả của một số đề tài đã từng nghiên cứu tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; cần có sự đồng thuận với các Bộ, ban ngành liên quan để có sự thống nhất; cần đưa ra kết luận và kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Theo diễn giả PGS.TS. Nguyễn Quang Trung, dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đối tượng sử dụng nước. Dòng chảy tối thiểu trên sông phải được xác định tại một tuyến mặt cắt cụ thể hay nói cách khác dòng chảy tối thiểu được quy định tại một vị trí và được thực hiện trên cả dòng sông hay từng đoạn sông, những vị trí này gọi chung là điểm kiểm soát dòng chảy tối thiểu. Điểm kiểm soát đó phải đại diện về chế độ dòng chảy, môi trường sống của hệ sinh thái thủy sinh, các hoạt động khai thác sử dụng nước trên đoạn sông. PGS.TS. Nguyễn Quang Trung cũng đã đưa ra một số phương pháp nhằm xác định dòng chảy tối thiểu và khẳng định việc xác định ra chế độ dòng chảy tối thiểu trong thực tế thường nảy sinh mâu thuẫn giữa nhu cầu nước cho các mục đích khác nhau và ngay cả trong khai thác, sử dụng nước cho cũng có mâu thuẫn giữa các ngành dùng nước, giữa các công trình thượng lưu và hạ lưu. Do vậy việc đề xuất một chế độ dòng chảy tối thiểu phù hợp, hài hòa giữa các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường và đạt được sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan là rất cần thiết, từ những ý kiến đồng thuận trên sẽ là những căn cứ cuối cùng để đưa ra quyết định cho đề xuất chế độ dòng chảy tối thiểu cần phải duy trì ở điểm kiểm soát, PGS.TS cho biết thêm. Từ các kết quả tính toán thủy lực kiệt, xâm nhập mặn, diễn giả ThS. Nguyễn Xuân Lâm cho rằng tác động của thủy điện đến hạ lưu dòng Vu Gia là rất lớn, làm suy giảm dòng chảy. Đánh giá về phạm vi xâm nhập mặn và mức độ mặn, phía Vu Gia dự kiến phạm vi xâm nhập mặn sẽ tăng, chỉ dừng lại tại vị trí của hệ thống đập dâng và phía Thu Bồn tác động là ngược lại; dự kiến tác động của hồ chứa, nhu cầu nước gia tăng, các hệ thống trạm bơm phía Vu Gia hạ lưu của hệ thống đập dâng gần như hoàn toàn không thể vận hành do độ mặn ở mức quá cao, trong khi phía Thu Bồn có giảm nhưng không đáng kể. Còn theo diễn giả ThS. Nguyễn Thị Kim Dung, việc nghiên cứu xác định nguồn cung và sử dụng nước mặt cũng như tác động của hệ thống công trình cấp nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là đặc biệt cần thiết. Việc xây dựng mô hình cân bằng nước nhằm kiểm toán nguồn nước của lưu vực, xem xét tác động của hệ thống công trình thủy lợi thủy điện đối với nhu cầu của các ngành dùng nước như nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, dân sinh và môi trường. Diễn giả lựa chọn công cụ MIKE BASIN để tính toán cân bằng nước trên lưu vực, xem xét mức độ thừa thiếu nước tại từng vị trí công trình và các khu sử dụng nước với 32 khu sử dụng nước cho nông nghiệp, 18 khu sử dụng nước cho các ngành khác ngoài nông nghiệp, 30 nút công trình hồ chứa, 7 nút công trình thủy điện và sử dụng mô hình NAM để tính toán dòng chảy đến trên toàn lưu vực. Theo kết quả tính toán cân bằng cho thấy các nút sử dụng nước cho nông nghiệp được cấp với mức bảo đảm khá cao, phần lớn các nút được có hơn 80% số tháng được cấp hơn 75% nhu cầu sử dụng; khu vực lấy nước từ các hồ đập nhỏ ven sông Vu Gia có trên 50% số tháng chỉ cấp được dưới 50% nhu cầu; các công trình phần lớn là đập dâng hoặc hồ chứa nhỏ được xây dựng ở vị trí có diện tích lưu vực ít nên nguồn nước đến không đủ cấp cho nhu cầu sử dụng, cần bổ sung lượng nước cấp thiếu bằng việc xây dựng thêm các hồ chứa để tăng dung tích trữ nước. Diễn giả TS. Lê Xuân Quang cho biết khả năng chịu tải của môi trường nước, tiếp nhận các loại chất thải và khả năng tự làm sạch của lưu vực sông là cần thiết để có thể phát triển và bảo vệ môi trường lưu vực sông nhất là đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ở khu vực miền Trung nơi thời tiết khắc nghiệt, chất lượng thảm thực vật bị suy giảm, thiên tai bão lũ luôn xảy ra và có xu hướng ngày càng khốc liệt, gây xói mòn đất, xói lở bờ, úng ngập đối với mùa lũ và khô hạn nặng đối với mùa khô. Tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, nước chuyển nhiều hơn về phía Thu Bồn đã làm cho phía Vu Gia dòng chảy kiệt suy giảm mạnh, mực nước sụt giảm nghiêm trọng, mặn xâm nhập cao, gây hậu quả không nhỏ cho nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, nguy cơ gây ra các ẩn họa về môi trường. Dựa trên kết quả tính toán và phân tích khả năng chịu tải, TS. Lê Xuân Quang nhận định lưu lượng dòng chảy kiệt tần suất 85% trong các trường hợp có hồ và không có hồ trong giai đoạn hiện tại không chênh lệch nhiều, dự báo đến năm 2020 lưu lượng của hầu hết các mặt cắt có xu thế giảm, dự báo ô nhiễm môi trường đến năm 2020 bằng với thời điểm hiện tại, khả năng tiếp nhận trong các trường hợp có hồ và không có hồ điều tiết thượng nguồn không chênh lệch nhiều và có xu thế gia tăng; các đoạn có chỉ số về BOD, COD, NH4+ vượt quá khả năng cho phép do bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, gần khu công nghiệp và qua lượng xả thải chưa qua xử lý của thành phố.
Ý kiến góp ý: