Hội thảo khoa học Đề tài KC.08.15/16-20
19/11/2019Ngày 18/11/2019, tại Hà Nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học - công nghệ khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ phòng chống hạn, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ”, Mã số: KC.08.15/16-20 do GS.TS. Lê Sâm chủ nhiệm.
Hội thảo khoa học này là dịp để Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và nhóm tác giả trình bày một số kết quả chính chủ yếu đạt được của Đề tài trong thời gian vừa qua. Đồng thời là cơ hội để Ban Chủ nhiệm Đề tài lắng nghe những ý kiến góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Viện để từ đó chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài. Tham dự Hội thảo khoa học có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20; GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - NCVCC - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; TS. Nguyễn Anh Tú - Phó Vụ trưởng phụ trách khoa học công nghệ và hợp tác Quốc tế - Tổng cục Thủy lợi, PGS.TS. Đoàn Văn Cánh - Chủ tịch Hội địa chất Việt Nam; TS. Đinh Thanh Mừng - chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Thủy lợi Về phía cơ quan chủ trì Hội thảo có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; các chuyên gia, nhà khoa học của các đơn vị trực thuộc Viện: Ban Kế hoạch Tổng hợp, Ban Tổ chức Hành chính, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Trung tâm Tư vấn PIM. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện cho biết đề tài xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đối với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và đặc biệt hạn hán do hiệu ứng của El Nino giai đoạn từ năm 2014 - 2016 gây nên thiệt hại rất lớn. Một số nhiệm vụ nghiên cứu trước đây của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường và Viện Quy hoạch Thủy lợi chủ trì nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quản lý hạn vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tuy vậy vẫn đang tập trung giới hạn ở mức độ dự báo, xây dựng các công cụ, chỉ số dự báo hạn hán và chưa xây dựng được các giải pháp tổng hợp tài nguyên nước ứng phó với các mức độ hạn hán khác nhau cũng như các kịch bản hạn hán khác nhau. Do vậy, Đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai thực hiện với mục tiêu nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học công nghệ khai thác sử dụng nước hợp lý để ứng phó với hạn hán vùng duyên hải Nam Trung Bộ. “Đề tài không chỉ dừng ở các bộ công cụ hay khung quản lý hạn ở các đề tài trước đây đã phát triển mà sử dụng tổng hợp các công cụ, khung quản lý này để dự báo nguồn nước, đưa ra kế hoạch phân phối sử dụng nước hợp lý cho các vùng duyên hải Nam Trung Bộ và có thể áp dụng cho vùng Tây Nguyên, các vùng khô hạn khác với xu thế hiện nay hạn hán đang có xu hướng chuyển dần ra vùng Bắc Trung Bộ, Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.” Theo PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong, đề tài có ý nghĩa và có tính thực tiễn cao, có khả năng nhân rộng đối với các vùng hiện nay đang phải ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán. PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong gửi lời cảm ơn các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã đến tham dự Hội thảo và mong muốn qua Hội thảo này, Đề tài sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh, hoàn thiện các sản phẩm đã có cũng như bổ sung nội dung cần phải thực hiện trong kết quả của đề tài đặc biệt đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Phát biểu tại Hội thảo, Đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình KC08.16/20, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Chủ nhiệm Chương trình KC08.16/20 - Giám đốc Viện cho rằng đây là đề tài rất có ý nghĩa, chủ trì đề tài là người đã từng viết sách về hạn cho khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có rất nhiều kinh nghiệm đối với khu vực này. Ban Chủ nhiệm mong muốn kết quả của đề tài sẽ được ứng dụng vào thực tế tại vùng, địa điểm cụ thể. Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo khoa học, Chủ nhiệm Đề tài GS.TS. Lê Sâm cho biết: Nam Trung Bộ là vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng về mùa khô. Nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt nguồn nước và hạn hán đó là do đặc thù địa hình, diễn biến bất lợi của khí hậu, thời tiết trong vùng, rừng đầu nguồn đang ngày càng suy giảm, gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh đã làm cho nhu cầu nước ngày càng tăng cao.. .Trong khi đó, việc sử dụng nguồn nước mặt còn nhiều lãng phí; vấn đề khai thác nước ngầm quá mức, không hợp lý; thiếu các giải pháp căn cơ trong việc quản lý, khai thác sử dụng dẫn đến suy giảm số lượng, chất lượng tài nguyên nước. Có thể thấy an ninh nguồn nước trong vùng nghiên cứu đang chịu sức ép rất lớn từ những thách thức mang tính khách quan và chủ quan. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, đảm bảo an ninh nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước theo các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm chủ động ứng phóvới hạn hán đang là một yêu cầu cấp bách đặt ra đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng Nam Trung Bộ nói riêng, Chủ nhiệm Đề tài cho biết thêm. Do vậy, Chủ nhiệm Đề tài cho rằng việc cho thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước“Nghiên cứu đề xuất giải pháp khoa học - công nghệ khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ phòng chống hạn, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ”ở giai đoạn hiện nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu là đúng thời điểm và rất cấp thiết. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Đề tài cũng đã đưa ra các mục tiêu của Đề tài, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Đề tài. Mục tiêu của Đề tài nghiên cứu là đánh giá được hiện trạng tài nguyên nước mặt và nước ngầm, hiện trạng hạn hán vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Đề xuất được hệ thống giám sát, các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý, đảm bảo an ninh nguồn nước ứng phó với hạn hán thường xuyên xảy ra ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Xây dựng được kế hoạch sử dụng nước cho các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tiếp theo đó, các đại biểu đã được nghe các diễn giả của nhóm thực hiện Đề tài đã lần lượt trình bày các nội dung, kết quả chính đã đạt được của Đề tài bao gồm: Giải pháp khoa học công nghệ quản lý hạn hán tổng hợp Vùng Nam Trung Bộ - TS. Nguyễn Đức Phong (Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường) Đánh giá hiện trạng tài nguyên nước và thách thức an ninh nguồn nước liên quan đến phòng chống hạn hán khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ - ThS. Nguyễn Văn Lân (Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam) Xây dựng phương pháp, quy trình và công cụ kiểm kê, quản lý nguồn nước phục vụ hỗ trợ ra quyết dịnh nước phục vụ phòng chống hạn và điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp - TS. Hà Hải Dương (Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường) Một số giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước đảm bảo an ninh nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu vùng duyên hải Nam Trung Bộ - ThS. Trần Minh Tuấn (Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam)
Ý kiến góp ý: