TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý cho Luận án của NCS. Lê Văn Thìn

22/05/2025

Chiều ngày 21/5/2025, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án của NCS. Lê Văn Thìn với Đề tài luận án “Nghiên cứu xây dựng phương pháp xác định nguy cơ lũ quét cho khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam”.

PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Đình Hòa- Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo - Cán bộ Hướng dẫn cho NCS, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện; Lãnh đạo Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực thủy văn học đến từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Cơ học, Viện Các khoa học Trái đất.

Luận án của NCS. Lê Văn Thìn được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Trần Đình Hòa và TS. Nguyễn Đăng Giáp.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học, thay mặt cơ sở đào tạo Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện - Chủ trì Hội thảo đã gửi lời cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học đã nhận lời mời của Viện tham dự Hội thảo góp ý cho luận án của NCS. PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng cho biết đây là Hội thảo cuối cùng để NCS. Lê Văn Thìn có thể xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để có thể chỉnh sửa, hoàn thiện luận án Tiến sĩ trước khi cơ sở đào tạo xem xét để thực hiện các bước tiếp theo. Do vậy, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến tập trung vào sự phù hợp của đề tài luận án với ngành và mã số đào tạo; sự trùng lặp của đề tài luận án với những nghiên cứu đã công bố; ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án; những đóng góp mới của luận án; hàm lượng khoa học của luận án; phương pháp và cách tiếp cận; vấn đề nghiên cứu sinh cần sửa chữa, kết luận.

Báo cáo dự thảo của Luận án tại Hội thảo, NCS. Lê Văn Thìn cho biết lũ quét đã và đang là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm nhất ở khu vực miền núi, gây ra  những thiệt hại rất lớn cho người dân sinh sống ở khu vực miền núi nước ta. Thiệt hại về người do lũ quét thường do yếu tố bất ngờ, cơn lũ ập đến mà không có sự cảnh báo đã gây ra những thảm họa không lường trước được, đặc biệt là các trận lũ quét thường xảy ra vào ban đêm. Do vậy, cảnh báo sớm được lũ quét sẽ giúp giảm thiểu được các thiệt hại, đặc biệt về người ở các khu vực có nguy cơ.

Theo NCS. Lê Văn Thìn, Hiện nay, một vài hệ thống FFGS (bao gồm SEAFFGS, VNOFFG, MRCFFGS...) đang được sử dụng ở Việt Nam nhằm cảnh báo nguy cơ lũ quét theo thời gian. Đặc điểm của hệ thống này là sử dụng lượng mưa dự báo làm đầu vào trong cảnh báo nguy cơ và nguy cơ được cảnh báo theo tiểu lưu vực (toàn bộ Việt Nam được chia nhỏ thành các tiểu lưu vực). Do xác định nguy cơ theo tiểu lưu vực, các phụ lưu bên trong các tiểu lưu vực không được xác định một cách đầy đủ nên việc cảnh báo của hệ thống chưa thể xác định được đoạn suối nào sẽ có nguy cơ lũ quét và sẽ có khả năng xảy ra vào khi nào. Đây không chỉ là một câu hỏi lớn xuyên suốt chiều dài nghiên cứu về lũ quét, mà còn là một bài toán cần phải xử lý để có thể đưa ra những cảnh báo với mức độ chi tiết hơn, phù hợp với thực tiễn hơn.

Lượng mưa là nguyên nhân chính gây ra lũ quét trong tự nhiên, mưa lớn tạo nên dòng chảy ở các khu vực miền núi khốc liệt hơn và tạo thành lũ quét. Để xác định được nguy cơ lũ quét cho từng vị trí, mỗi vị trí cần tính toán được lưu lượng lớn nhất tạo ra do mưa. Từ kết quả tính toán đó, đối chiếu với ngưỡng cảnh báo nguy cơ lũ quét sẽ giúp xác định được vị trí nào sẽ có nguy cơ lũ quét và thời gian dự kiến để xảy ra lũ quét là thời gian nào, NCS. Lê Văn Thìn cho biết thêm.

Trên cơ sở đó, NCS. Lê Văn Thìn lựa chọn hướng nghiên cứu “Xây dựng phương pháp xác định nguy cơ lũ quét cho khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam” nhằm xây dựng một cơ sở khoa học xác định nguy cơ lũ quét cho từng vị trí theo không gian và thời gian, từ đó góp phần cảnh báo nguy cơ lũ quét hữu hiệu hơn, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tại khu vực miền núi.

Mục tiêu của luận án nhằm giải quyết bài toán cảnh báo nguy cơ lũ quét theo không gian và thời gian. Để đạt được điều này, NCS. Lê Văn Thìn cho biết sẽ giải quyết 2 mục tiêu đó là Xây dựng được chỉ số phân loại nguy cơ lũ quét trên lưu vực dựa trên các đặc trưng thuỷ văn và đặc điểm lưu vực cho khu vực miền núi phía Bắc; Xây dựng bản đồ chỉ số nguy cơ lũ quét dạng điểm theo không gian và thời gian.

Đối tượng và Phạm vi nghiên cứu của luận án là lũ quét do mưa (không xét đến lũ quét bùn đá, nghẽn dòng và các yếu tố trượt lở đi kèm), áp dụng cho lưu vực vừa và nhỏ ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Phạm vi áp dụng thử nghiệm tại lưu vực sông Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Những kết quả đạt được của Luận án sau khi triển khai các nội dung nghiên cứu bao gồm Xây dựng được phương pháp phân loại nguy cơ lũ quét dựa trên vận tốc dòng chảy và năng lượng dòng chảy, phản ánh đúng bản chất của dòng chảy lũ về mức độ nguy hiểm của dòng chảy đồng thời giải thích được các hiện tượng lũ quét không thể xảy ra ở trên các khu vực đỉnh núi hay trên các sông lớn.

Xây dựng được quy trình xác định nguy cơ lũ quét theo nguyên tắc lưu vực ô lưới, sử dụng kết quả mô phỏng mưa - dòng chảy và các đặc điểm lòng dẫn nhằm ước tính được các tham số ở mọi vị trí theo không gian và thời gian, làm cơ sở cảnh báo nguy cơ lũ quét.

Xác định được các tham số hình thái mặt cắt đặc trưng cho khu vực miền núi phía bắc dựa trên phân tích sự tương tự của quan hệ mực nước - diện tích 132 mặt cắt trên các sông suối nhỏ khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, làm cơ sở để ước tính các tham số thủy lực bao gồm vận tốc, mực nước, bề rộng dòng chảy và các kết quả khác trong điều kiện thiếu số liệu.

Xây dựng được mô hình mô phỏng mưa - dòng chảy và nguy cơ lũ quét theo không gian và thời gian cho lưu vực sông Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Qua triển khai các nội dung nghiên cứu, NCS. Lê Văn Thìn có 03 đóng góp mới đó là  Xây dựng được chỉ số phân loại nguy cơ lũ quét cho khu vực miền núi phía Bắc dựa trên năng lượng dòng chảy và vận tốc dòng chảy cùng với các đặc điểm lòng dẫn trên khu vực; Xác định được các tham số hình thái mặt cắt đặc trưng cho khu vực miền núi phía Bắc từ 132 mặt cắt đại diện. Chỉ số hình dạng mặt cắt r= 2,0; tỷ số bề rộng tràn bờ và chiều sâu tràn bờ k = 8,5; Xây dựng được quy trình xác định nguy cơ lũ quét theo không gian và thời gian trong điều kiện thiếu số liệu.

Bên cạnh các kết quả đạt được, NCS. Lê Văn Thìn cũng đã thẳng thắn đưa ra những tồn tại, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện Luận án. Đồng thời đưa ra các hướng nghiên cứu tiếp theo, cụ thể cần triển khai nghiên cứu dự báo mưa hạn cực ngắn để tăng cường thời gian cảnh báo nguy cơ lũ quét nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai thực tế; triển khai nghiên cứu sử dụng kỹ thuật lập trình để mô phỏng trên diện rộng cho toàn bộ khu vực miền núi phía Bắc hoặc cả nước.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến và đa số đều đánh giá cao Luận án và năng lực nghiên cứu của NCS. Lê Văn Thìn. Đề tài luận án “Nghiên cứu xây dựng phương pháp xác định nguy cơ lũ quét cho khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam” phù hợp với chuyên ngành thủy văn học, mã số 9440224 và Luận án là một nghiên cứu mới, không trùng lặp với các nghiên cứu trước. Đề tài luận án có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn khi góp phần hoàn thiện phương pháp cảnh báo lũ quét theo không gian và thời gian (xây dựng được chỉ số phân loại lũ quét, xây dựng được mô hình toán thủy văn); là một tài liệu tham khảo có giá trị cho công tác phòng chống thiên tai do mưa kích hoạt (lũ quét) cho khu vực miền núi phía Bắc nói chung và cho khu vực Nghĩa Đô, tỉnh Lào Cai nói riêng. Luận án đã có đóng góp mới về mặt khoa học.

Tuy nhiên, các chuyên gia, các nhà khoa học yêu cầu NCS. Lê Văn Thìn chỉnh sửa lại bố cục luận án, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, luận điểm, điều kiện áp dụng, kết luận của các chương, kết luận, kiến nghị của Luận án; trinh bày rõ hơn phần hiệu chỉnh và kiểm định mô hình thủy văn; luận giải, chứng minh độ tin cậy của những chỉ số liên quan đến phân cấp lũ; viết lại các đóng góp mới của NCS và thể hiện các đóng góp mới thông qua các công thức, quan hệ, sơ đồ…; một số thông tin và dữ liệu thứ cấp cần được trích nguồn (hình vẽ, bảng biểu); cần làm rõ hơn về cách tích hợp phản ứng thủy văn từ toàn bộ lưu vực vào chỉ số cảnh báo điểm; sử dụng thêm lượng mưa dự báo (mô hình khí tượng) để cảnh báo, đánh giá khả năng sinh lũ quét; bổ sung hướng nghiên cứu tiếp theo cần triển khai nghiên cứu xác định các chỉ số lũ quét trên lưu vực dựa trên các đặc trưng thủy lực (năng lượng và lưu tốc), thủy văn và đặc điểm lưu vực cho khu vực miền núi phía Bắc và cả nước; rà soát và chuẩn hóa các thuật ngữ cho đồng bộ trong luận án; các ký hiệu cần thống nhất và có hệ thống, tránh ký hiệu trùng lặp, gây nhầm lẫn; chỉnh sửa hình vẽ, bảng biểu, lỗi chính tả.

Các chuyên gia và các nhà khoa học tại Hội thảo đồng ý cho NCS. Lê Văn Thìn bảo vệ cấp cơ sở sau khi sửa chữa.

Ý kiến góp ý: