Hội thảo khoa học góp ý cho Luận án của NCS. Nguyễn Minh Việt
26/10/2016Ngày 28/9/2016, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho Luận án tiến sỹ của NCS. Nguyễn Minh Việt “Nghiên cứu giải pháp giảm ứng suất nhiệt của bê tông đầm lăn trong xây dựng công trình thủy lợi thủy điện tại Việt Nam”. Chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã số: 62.58.02.02.
Tham dự Hội thảo Khoa học có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; các thầy giáo, cá nhà khoa học và các chuyên gia thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy; đại diện cơ sở đào tạo của Viện và các cán bộ khoa học quan tâm.
Thay mặt cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Chủ trì Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo và cho biết Hội thảo này là buổi sinh hoạt học thuật đầu tiên mà NCS trình bày trước Hội đồng do vậy đây là Hội thảo rất có ý nghĩa đối với NCS. Chủ trì Hội thảo mong muốn các thầy, các nhà khoa học và các chuyên gia sẽ đóng góp nhiều ý kiến nhận xét giúp NCS có thể hoàn thiện Luận án của mình trước khi bảo vệ cơ sở và Chủ trì Hội nghị cũng đề nghị NCS cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo.
Tiếp theo đó, Hội thảo đã được nghe NCS. Nguyễn Minh Việt trình bày tóm tắt bản luận án của mình. Theo NCS. Nguyễn Minh Việt cho biết với ưu điểm thi công nhanh, giá thành hạ, giảm chi phí cho các kết cấu phụ trợ, cho biện pháp thi công, bê tông đầm lăn đã được ứng dụng tương đối phổ biến trong xây dựng các đập trọng lực công trình thủy lợi thủy điện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, các đặc trưng cơ lý, nhiệt của bê tông đầm lăn đều lấy theo kinh nghiệm của nước ngoài vì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn riêng. Nhiều công trình sử dụng bê tông đầm lăn đã xảy ra nứt và có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này nhưng đa phần vẫn là nứt do nhiệt trong quá trình nhiệt thủy hóa vật liệu kết dính của bê tông đầm lăn.
Các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới và các tài liệu hướng dẫn, tiêu chuẩn thiết kế cũng chủ yếu tập trung vào việc khống chế ứng suất do nhiệt. Tuy nhiên, việc khống chế này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ môi trường, cung ứng vật liệu, công nghệ thi công, tính chất đặc thù của địa phương... vì vậy theo NCS, việc khó có một đáp án chung cho tất cả các đập bê tông đầm lăn nên việc ứng dụng các nghiên cứu trên thế giới nhưng đập vẫn nứt là điều dễ hiểu.
Do vậy, NCS đã tiến hành nghiên cứu giải pháp giảm ứng suất nhiệt của bê tông đầm lăn trong xây dựng công trình thủy lợi thủy điện tại Việt Nam nhằm đưa ra giải pháp cụ thể để giảm ứng suất nhiệt trong thân đập và giảm các nguy cơ gây nứt các công trình đập dâng bằng bê tông đầm lăn tại Việt Nam.
Mục đích nghiên cứu của luận án nhằm Kiểm soát cơ chế hình thành và quá trình phát riển của trường nhiệt độ, trường ứng suất nhiệt trong khối đổ bê tông dựa trên những điều kiện ban đầu và điều kiện biên; Đề xuất việc lựa chọn cấp phối và loại vật liệu đặc biệt là vật liệu kết dính và đề ra các giải pháp giảm nhiệt để khống chế các vết nứt do ứng suất nhiệt trong quá trình thi công đập bê tông đầm lăn phù hợp với từng vùng miền của Việt Nam.
Sau thời gian tiến hành triển khai nghiên cứu, Luận án đã có một số đóng góp mới như: (1) Từ nhiệt thủy hóa của một số loại xi măng phổ biến tại Việt Nam và thành phần khoáng vật, tác giả đã thêm hệ số điều chỉnh kc vào phương trình cơ bản nhiệt thủy hóa bê tông đầm lăn theo thời gian của Trung Quốc để xét đến ảnh hưởng của thành phần gây nhiệt thủy hóa chủ yếu C3A + C3S của xi măng đến ứng suất nhiệt đập bê tông đầm lăn; (2) Xây dựng chương trình chuyên dụng RCCD_TEMP_STRESS tính toán nhiệt và ứng suất nhiệt đập bê tông đầm lăn dựa trên chương trình đã có và cập nhật công thức tính toán nhiệt thủy hóa bê tông đầm lăn đã được hiệu chỉnh; (3) Sử dụng chương trình RCCD_TEMP_STRESS chạy trên phần mềm ANSYS xác định được các ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào của môi trường, vật liệu và thi công đến nhiệt và ứng suất nhiệt đập bê tông đầm lăn từ đó kiến nghị giải pháp tổng hợp của các yếu tố cho từng khu vực đạc thù của Việt Nam; (4) Đã tiến hành kiểm nghiệm cho đập bê tông đầm lăn Tung Sơn và có kiến nghị cụ thể để giảm ứng suất nhiệt.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các thầy, các nhà chuyên gia, các nhà khoa học, Chủ trì Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt kết luận: Luận án phù hợp với chuyên ngành và mã số đào tạo, không trùng lặp với những nghiên cứu đã công bố trong và ngoài nước, kết quả của luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, tác giả đã đưa ra giải pháp mang tính tổng hợp, có cơ sở khoa học và đã được ứng dụng thử nghiệm.
Chủ trì Hội thảo đề nghị NCS chỉnh sửa lại bố cục, nội dung của luận án, thuật ngữ, trích dẫn tài liệu tham khảo; chỉnh sửa phần tổng quan, tập trung vào phân tích các nghiên cứu và kết quả nghiên cứu tương tự của các tác giả khác; cần kiểm nghiệm độ tin cậy giữa công thức cũ và công thức mới; lược giản các nội dung lý thuyết trong luận án; phân tích phạm vi áp dụng và các yếu tố thành phần của công thức do Trung Quốc xây dựng và cơ sở khoa học xây dựng chỉ số Kc; nêu chi tiết từng module của phần mềm ANSYS tác giả sử dụng.
Chủ trì Hội thảo đồng ý cho NCS bảo vệ cấp cơ sở sau khi sửa chữa theo những ý kiến góp ý, nhận xét của các thầy, các nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo.
Ý kiến góp ý: