TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý cho Luận án của NCS Nguyễn Quốc Huy

26/10/2016

Ngày 08/9/2016, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sĩ kỹ thuật của NCS. Nguyễn Quốc Huy “Nghiên cứu một số đặc trưng thủy động lực học của dòng chảy dạng phễu sau bậc thụt”, chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, mã số 62 58 02 02.

Tham dự buổi họp có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy, đại diện cơ sở Đào tạo của Viện và các cán bộ khoa học quan tâm.

Hội thảo do GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa cho rằng đây là Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực cho NCS và mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn và đầy đủ của các nhà khoa học, các nhà chuyên gia kể cả vể hình thức, bố cục, cách trình bày, tính pháp lý cũng như là về nội dung, kết quả nghiên cứu, độ tin cậy.... giúp cho NCS chỉnh sửa, hoàn thiện luận án.

Chủ trì Hội thảo cũng đề nghị NCS trình bày nội dung nghiên cứu ngắn gọn, đủ ý để có thể nhận được nhiều ý kiến góp ý của các các chuyên gia, các nhà khoa học.

Theo NCS. Nguyễn Quốc Huy cho biết, đặc trưng về nối tiếp, tiêu năng ở hạ lưu công trình tháo rất đa dạng, phức tạp. Trong các nghiên cứu về nước nhảy và công trình tiêu năng thì tiêu năng dòng mặt gắn liền với bậc thụt là một khía cạnh rộng lớn, phức tạp nhưng rất có ý nghĩa trong việc phát hiện ra các quy luật dòng chảy sau công trình, nhằm khai thác tối đa lợi ích của các dạng nước nhảy, ứng dụng chúng để tiêu hao năng lượng, ổn định lòng dẫn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về nối tiếp sau bậc thụt mới tập trung vào dạng bật thụt phẳng, góp hất nhỏ với chiều cao bậc thụt đủ lớn; mũi bậc cong, góc hất lớn thì chỉ tập trung nghiên cứu với chiều cao bậc thụt nhỏ và mũi bậc cong góc hất tương đối lớn và chiều cao bậc rất lớn.

Khi kết hợp các ưu điểm của tiêu năng mặt có chiều cao bậc thụt tương đối lớn với kết cấu mũi phun cong - góc hất lớn còn ít được quan tâm. Đó là trạng thái nối tiếp chảy phễu ở sau công trình tháo có bậc thụt.

Hiện nay, có nhiều công trình thủy lợi, thủ điện với đập không cao lắm được bố trí xây dựng tại khu vực sông có mực nước hạ lưu cao, ổn định và nền địa chất tương đối tốt có thể áp dụng tiêu năng dòng phễu như đập Bản Mồng thuộc hồ chứa nước Bản Mồng, đập Khe Bố thuộc thủy điện Khe Bố tỉnh Nghệ An, đập Hồi Xuân thuộc thủy điện Hồi Xuân tỉnh Thanh Hóa...

Chính vì vậy, NCS đã nghiên cứu một số đặc trưng thủy động lực học của dòng chảy dạng phễu sau bậc thụt với mục đích sẽ làm sáng tỏ một số vấn đề như: Sự hình thành và chuyển đổi các trạng thái nối tiếp của dòng phễu ở hạ lưu bậc thụt có chiều cao bậc lớn, mũi hất cong và góc hất lớn; Độ sâu dòng chảy là giới hạn phạm vi xuất hiện dòng phễu ổn định “3 cuộn 1 sóng”; Các đặc trưng hình học của dòng chảy phễu sau bậc thụt gồm giới hạn các khu xoáy theo phương đứng và thương dọc dòng chảy; Các đặc trăng về phần bố vận tốc lớn nhất, vận tốc đáy trong dòng chảy phễu; Các đặc trưng tiêu hao năng lượng của dòng chảy phễu.

Qua quá trình nghiên cứu cũng như là qua thực nghiệm trên mô hình, bằng phương pháp phân tích xử lý số liệu hiện đại, đảm bảo độ tin cậy, Luận án đã có được những đóp góp mới như: Đã xác định được giới hạn xuất hiện trạng thái dòng chảy phễu ổn định (3 cuộn 1 sóng) ở hạ lưu bậc thụt có góc hất lớn; Xác định được đặc trưng hình dạng cơ bản của dòng chảy phễu ổn định; Xác định được đặc trưng nội bộ về phân bố vận tốc lớn nhất, vận tốc đáy lớn nhất trong nội bộ dòng chảy phễu; Xác lập sự ràng buộc giữa tỷ số tương đối của bán kính mũi hất và chiều cao cột nước tràn; Thu được bộ số liệu thực nghiệm chi tiết có độ tin cậy về các trạng thái, đặc trưng hình học, đặc trưng nội bộ của dòng chảy phễu sau bậc thụt là cơ sở để tính toán thiết kế các công trình tiêu năng dòng phễu.

Tại Hội thảo, các đại biểu là các nhà chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xây dựng công trình thủy và các cán bộ quan tâm đều nhận định luận án có hàm lượng khoa học cao. Luận án đã làm sáng tỏ và phong phú hơn về lý luận, nghiên cứu các dạng nước nhảy mà cụ thể là nước nhảy mặt với việc hình thành phễu xoáy sau bậc thụt; Các kết quả nghiên cứu này là tài liệu tham khảo tốt, có thể ứng dụng với các công trình thủy lợi trong thực tế với điều kiện phù hợp. Luận án phù hợp với chuyên ngành và mã số đào tạo, không trùng lặp với các nghiên cứu đã công bố trước đây ở trong và ngoài nước; bố cục luận án chặt chẽ, logic, hợp lý, sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp với nội dung của luận án.

Bên cạnh đó, NCS cần bổ sung phạm vi ứng dụng kết quả nghiên cứu của luận án để có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu của luận án vào thực tế; làm rõ độ ổn định của dòng chảy phễu, mức nhảy phễu; hiệu quả kinh tế kỹ thuật của phương pháp tiêu năng dòng chảy; chỉnh sửa một số lỗi chính tả, viết tắt, ký hiệu trong hình vẽ, bố cục tài liệu tham khảo...

Chủ trì Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa kết luận đồng ý cho NCS bảo vệ cấp cơ sở sau khi sửa chữa theo những ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo.

 

Ý kiến góp ý: