TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý cho Luận án của NCS Nguyễn Văn Lợi

26/07/2016

Ngày 26/7/2016, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sĩ kỹ thuật của NCS. Nguyễn Văn Lợi  “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ các hồ chứa nhỏ vùng Bắc Trung Bộ”, chuyên ngành kỹ thuật Tài nguyên nước, mã số 62 58 02 12

Tham dự buổi họp có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phụ trách đào tạo tiến sỹ của Viện; các nhà khoa học, các chuyên gia thuộc chuyên ngành kỹ thuật tài nguyên nước và các cán bộ khoa học quan tâm.

Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phụ trách đào tạo tiến sỹ của Viện chủ trì.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết Hội thảo là buổi sinh hoạt chuyên môn với sự tham gia của các nhà chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Viện.

Thông qua Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong mong muốn các đại biểu sẽ đóng góp nhiều ý kiến để NCS. Nguyễn Văn Lợi và các thầy giáo hướng dẫn có điều kiện chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản dự thảo luận án tốt nhất trước khi bảo vệ.

Tiếp theo đó, tại Hội thảo, NCS. Nguyễn Văn Lợi đã trình bày dự thảo luận án của mình.

Theo NCS. Nguyễn Văn Lợi cho biết, Việt Nam có gần 7000 hồ chứa các loại, trong đó có khoảng 6.600 hồ chứa thủy lợi và số lượng hồ chứa nhỏ chiếm tới 90%. Các hồ chứa này hầu hết đã xây dựng từ lâu với các mức độ và xây dựng ở nhiều quy mô khác nhau.

Theo số liệu thống kê của các địa phương, hàng năm kinh phí Nhà nước chi trả để duy tu, cải tạo, sửa chữa các hồ là rất lớn và nhu cầu cần cải tạo nâng cấp của hồ chứa lại có rất nhiều.

Trong các nguyên nhân gây ra hỏng đập, theo NCS cho biết có một nguyên nhân đó là do lũ lớn làm nước tràn qua đỉnh đập và gây ra mất an toàn hồ chứa và theo thống kê trong một vài năm gần đây, các sự cố của hồ chứa ở nước ta xảy ra ở vùng Bắc Trung Bộ chiếm tỷ lệ lớn.

Xuất phát từ những vấn đề trên, NCS đã nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả phục vụ các hồ chứa nhỏ vùng Bắc Trung Bộ với mong muốn sẽ cung cấp những cơ sở và dẫn liệu khoa học trong xác định các yếu tố dẫn đến nguy cơ sự cố hồ chứa làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước và công trình hồ chứa xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách trong quản lý, khai thác và bảo vệ an toàn cho công trình hồ chứa nước và vùng hạ du công trình phù hợp với tình hình thực tế và hiện trạng hiện nay của các hồ nhằm khai thác hiệu quả, bền vững và đảm bảo an toàn công trình.

Mục tiêu chính của luận án đó là phân cấp mức độ nguy cơ sự cố công trình hồ đập và rủi ro mưa lũ gây ra quá sức chịu tải dòng chảy lũ đến hồ của công trình hồ chứa vừa và nhỏ khu vực Bắc Trung Bộ (dung tích dưới 3 triệu m3).

Để đạt được mục tiêu của luận án, các nghiên cứu đã được NCS tập trung triển khai nghiên cứu và đạt được một số kết quả chính như: Đã đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu những nguy cơ sự cố hồ chứa do mưa lũ gây ra trên thế giới và ở Việt Nam; Đề xuất và luận giải một cách có cơ sở khoa học một số chỉ số thể hiện mức độ nguy cơ sự cố liên quan đến mưa lũ đối với các công trình hồ chứa nước vừa và nhỏ khu vực Bắc Trung Bộ; Xác lập được các đường tần suất lý luận mưa các đợt mưa có thời gian kéo dài khác nhau theo phương pháp phù hợp nhất; Đã nghiên cứu mô hình đánh giá sức chịu tải dòng chảy lũ đến hồ và nhu cầu xả lũ hồ chứa vừa và nhỏ khu vực Bắc Trung Bộ  thông qua áp dụng đối với hồ chứa Khe Nu tại xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An...

Cũng theo NCS, để đưa kết quả của Luận án vào thực tế cũng như ứng dụng cho các hồ chứa ở các khu vực khác cần nghiên cứu thêm đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng đến dòng chảy lũ của các lưu vực hồ chứa và tiếp tục nghiên cứu được tính mưa gây lũ các tỉnh, khu vực (45 tỉnh có hồ chứa) trên phạm vi toàn quốc.

Tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng luận án của NCS phù hợp với chuyên ngành và không trùng lặp với các nghiên cứu đã công bố trước đây; luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Nghiên cứu sinh đã xây dựng được bộ chỉ số phục vụ phân cấp nguy cơ sự cố hồ chứa vừa và nhỏ và phương pháp luận về nguy cơ sự cố hồ chứa; Xây dựng tần suất mưa 1 ngày max ở khu vực Bắc Trung Bộ và phân bố cường độ mưa của các trận mưa một ngày max điển hình; Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng trong công tác thiết kế, quy hoạch, duy tu bảo dưỡng công trình, gia cố nâng cấp công trình; Đã xây dựng được phương pháp phân cấp nguy cơ sự cố do mưa lũ đối với các hồ chứa vừa và nhỏ ở vùng Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, NCS cũng đã xây dựng được phương pháp luận trong phân cấp nguy cơ sự cố và  các chỉ số cơ bản phục vụ phân cấp nguy cơ sự cố của hồ chứa vừa và nhỏ; xác định tần suất mưa một ngày max trong khu vực nghiên cứu và mưa liên tục 24h max, mối tương quan giữa 2 đại lượng; xác định được quy luật phân bố mưa 24h liên tục max tại khu vực nghiên cứu.

Tuy nhiên NCS cần chỉnh sửa lại bố cục, nội dung của luận án để làm nổi bật các kết quả nghiên cứu và đóng góp mới của luận án; bổ sung tổng quan các nghiên cứu về nguy cơ sự cố của hồ chứa do mưa lũ gây ra trên thế giới, chỉ số đánh giá tổng hợp hoặc ma trận tổ hợp để đánh giá tổng hợp nguy cơ sự cố các hồ chứa, nghiên cứu phân bố mưa theo không gian, phân vùng mưa theo thời gian; phân tích và lập luận chặt chẽ hơn cơ sở để xây dựng thang đo cho các chỉ số; phân tích đặc điểm các trận mưa trong quá khứ đã gây ra lũ lớn và sự cố hồ chứa; chỉnh sửa tên luận án,bảng biểu, hình vẽ, câu từ; bổ sung phần hiệu chỉnh, kiểm định mô hình HEC-HMS trước khi tính toán các kết quả hồ chứa.

Ý kiến góp ý: