Hội thảo khoa học góp ý cho luận án của NCS. Vũ Đình Cương
15/01/2025Sáng ngày 14/1/2025, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án của NCS. Vũ Đình Cương với tên Đề tài “Nghiên cứu xu thế diễn biến hình thái và định hướng giải pháp ổn định cửa sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình”.
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện; Lãnh đạo Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xây dựng công trình thủy.
GS.TS. Trần Đình Hòa - Thầy giáo hướng dẫn cho NCS. Vũ Đình Cương phát biểu tại Hội thảo
Luận án của NCS. Vũ Đình Cương được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng và GS.TS. Trần Đình Hòa
Tại Hội thảo, NCS. Vũ Đình Cương đã trình bày báo cáo dự thảo luận án. Trong đó, Luận án xác định mục tiêu nghiên cứu là làm sáng tỏ được quá trình diễn biến hình thái và sự tác động của các yếu tố động lực đến quá trình diễn biến hình thái khu vực cửa sông Nhật Lệ thông qua đánh giá chi tiết và định lượng tác động của từng yếu tố; Xây dựng được phương pháp luận về hướng tiếp cận nghiên cứu mô phỏng diễn biến hình thái dài hạn áp dụng cho cửa sông Nhật Lệ và xác định được quy luật diễn biến hình thái khu vực cửa sông Nhật Lệ; Nghiên cứu đề xuất định hướng giải pháp công trình ổn định cửa Nhật Lệ trên cơ sở ứng dụng mô hình mô phỏng diễn biến hình thái dài hạn để đánh giá, phân tích định lượng được hiệu quả của các phương án công trình.
Qua quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu, Luận án đã có 02 đóng góp mới và đạt được một số kết quả chính như Luận án đã tổng hợp, hệ thống hóa và phân tích, đánh giá về các công trình nghiên cứu đã thực hiện ở trong nước và quốc tế về lĩnh vực nguyên cứu thủy động lực, diễn biến hình thái và công trình ổn định cửa sông ven biển. Trên cơ sở đó đã tổng kết đánh giá về các kết quả đã đạt được, những giới hạn và tồn tại của các công trình nghiên cứu đã thực hiện; Luận án đã ứng dụng phương pháp, kỹ thuật GIS để phân tích ảnh viễn thám trong thời kỳ dài hạn đã xác định xu thế biến động đường bờ biển khu vực cửa Nhật Lệ; Ứng dụng được các mô hình toán để mô hình hóa đồng bộ được các quá trình thủy văn, thủy lực từ trên lưu vực sông, ra đến vùng cửa sông ven biển; Kết hợp được giữa phương pháp, kỹ thuật thống kê và mô phỏng mô hình toán để nghiên cứu đưa ra được phương pháp luận về mô hình diễn biến hình thái đài hạn (5-10 năm) cho khu vực cửa Nhật Lệ. Trên cơ sở mô hình diễn biến hình thái dài hạn đã xây dựng được, NCS đã nghiên cứu đề xuất định hướng giải pháp công trình ổn định cửa Nhật Lệ. Giải pháp công trình được đánh giá định lượng hiệu quả trên mô hình diễn biến hình thái dài hạn. Bên cạnh các kết quả đã đạt được của Luận án, NCS. Vũ Đình Cương cũng đã đưa ra một số hạn chế, tồn tại trong nghiên cứu và một số định hướng nghiên cứu tiếp theo.
Sau khi nghe các ý kiến đánh giá, góp ý cho Dự thảo báo cáo luận án của NCS. Vũ Đình Cương, Chủ trì Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện cho rằng Luận án “Nghiên cứu xu thế diễn biến hình thái và định hướng giải pháp ổn định cửa sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình” của NCS. Vũ Đình Cương phù hợp với chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy và phù hợp với mã ngành 9 58 02 02; Nội dung của Luận án không trùng lặp với những nghiên cứu đã công bố. Đề tài luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Luận án được trình bày công phu, có khối lượng tài liệu, số liệu, dữ liệu đầy đủ và đảm bảo độ tin cậy, đã ứng dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp, toàn diện đầy đủ từ phân tích số liệu thực đo, giải đoán ảnh viễn thám và các mô hình toán.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng đề nghị NCS. Vũ Đình Cương cần bố cục lại Luận án, chỉnh sửa phần tổng quan, bổ sung thêm phần phân tích số liệu thực đo và phân tích diễn biến từ số liệu thực đo để tăng tính thuyết phục cho luận án; phân tích rõ nguồn gốc, xuất xứ, độ tin cậy, khoảng thời gian của các số liệu; bổ sung thêm diễn biến hình thái cửa sông; tập trung vào 02 đóng góp mới đó là làm rõ được nguyên nhân, cơ chế; sơ đồ bố trí không gian; chỉnh sửa mục tiêu và tên đề tài luận án, lược bỏ một số mô hình toán không cần thiết, chỉnh sửa thuật ngữ, lỗi chính tả.
Cuối cùng, thay mặt cơ sở đào tạo PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện - Chủ trì Hội thảo đã gửi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia Hội thảo và đã có nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, sâu sắc và có giá trị giúp cho NCS và các thầy giáo hướng dẫn có thể chỉnh sửa, hoàn thiện tốt nhất luận án của mình trước khi bảo vệ cấp cơ sở.
Ý kiến góp ý: