TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý cho luận án của NCS. Vũ Ngọc Bình

28/03/2017

Ngày 25/3/2017,  Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án “Nghiên cứu ảnh hưởng đặt tính xây dựng của đất loại sét yếu vùng ĐBSCL đến chất lượng gia cố nền bằng xi măng kết hợp với phụ gia trong xây dựng công trình” của NCS. Vũ Ngọc Bình. Mã số: 62 58 02 11

Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại 2 điểm cầu Viện Khoa học  Thủy lợi Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam.

Tham dự Hội thảo Khoa học có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện; gần 20 nhà chuyên gia, nàh khoa học thuộc chuyên ngành địa kỹ thuật xây dựng; đại diện cơ sở đào tạo của Viện và các cán bộ khoa học quan tâm.

Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa chủ trì Hội thảo.

TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính - phụ trách công tác đào tạo phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt cơ sở đào tạo của Viện , GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học, các nhà chuyên gia tại 2 điểm cầu đã đến tham gia và đóng góp ý kiến cho NCS cũng như cho cơ sở đào tạo.

GS.TS. Trần Đình Hòa chia sẻ: Đây là Hội thảo khoa học mở rộng đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luận án Tiến sỹ của NCS do vậy mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu và có giá trị của các nhà chuyên gia, các nhà khoa học một cách toàn diện đối với vấn đề luận án đề cập nghiên cứu.

Hội thảo khoa học mở rộng này có thể tổ chức một lần hoặc nhiều lần; nếu chất lượng, hàm lượng và nội dung luận án đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luận án Tiến sỹ kỹ thuật, cơ sở đào tạo sẽ cho hoàn thiện và tiến hành các bước tiếp theo. Còn nếu chưa đạt, cơ sở đào tạo của Viện sẽ tổ chức các Hội thảo tiếp theo, GS.TS. Trần Đình Hòa  cho biết.

GS.TS. Trần Đình Hòa mong muốn các ý kiến góp ý tại Hội thảo cần tập trung vào một số vấn đề như tên luận án, mục đích nghiên cứu, phương pháp, cách tiếp cận, hàm lượng khoa học, tính mới, tính sáng tạo, bố cục, hình thức trình bày luận án.

Thông qua các ý kiến góp ý này giúp cho NCS và cơ sở đào tạo của Viện có cơ hội để chỉnh sửa, hoàn thiện tốt nhất bản luận án bao gồm hình thức, nội dung và hàm lượng khoa học của luận án, GS.TS chia sẻ thêm.

Tiếp theo đó, NCS. Vũ Ngọc Bình đã trình bày bản Dự thảo Luận án TS của mình. Theo NCS, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của những vấn đề như nước biển dâng, triều cường, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển tại các vùng cửa sông, ven biển…. ; được bao phủ bởi các trầm tích trẻ có tuổi Holocen, có chiều dày lớn (trên dưới 20m), cấu trúc địa chất phức tạp, có thành phần, trạng thái và tính chất đặc biệt, nằm ngay trên mặt đất tự nhiên, có bề dày lớn.

Việc xây dựng các dạng công trình đều phải xử lý nền, giải pháp sử dụng vật liệu tại chỗ ở được ưu tiên vì vùng đồng bằng này không có hoặc phải vận chuyển từ nơi khác đến. Một trong những giải pháp là gia cố, cải tạo nền đất yếu.

Đã có nhiều phương pháp xử lý nền đất yếu được áp dụng tại vùng ĐBSCL như đệm cát, bấc thấm, vải địa kỹ thuật, hút chân không, cọc tiết diện nhỏ, tre, chàm và một trong những phương pháp đã được ứng dụng là cải tạo đất bằng xi măng.

Điển hình, phương pháp này đã được áp dụng tại một số dự án như sân bay Trà Nóc, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, nhà máy Khí điện đạm Cà Mau, dự án Ômôn – Xà No, cống Mương Đường, Sông Cui,…. và đã mang lại hiệu quả về kinh tế, giảm giá thành, sử dụng được vật liệu tại chỗ.

Tuy nhiên, theo NCS tại vùng ĐBSCL chưa có các nghiên cứu các yếu tố hưởng đặc tính xây dựng của đất nền đến chất lượng nền sau gia cố như: đặc điểm về thành phần hạt, hàm lượng hữu cơ, pH môi trường, hàm lượng nhiễm muối, nhiễm phèn trong đất, khả năng hấp phụ và trao đổi của các cation…. Do vậy hiệu quả của phương pháp xử lý nền là chưa cao. Hơn nữa tại ĐBSCL nhóm đất phèn và đất mặn chiếm tới trên 60% diện tích, trong đất thường có lẫn hữu cơ…..

Chính vì vậy NCS cho rằng luận án “Nghiên cứu ảnh hưởng đặc tính xây dựng của đất loại sét yếu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến chất lượng gia cố nền bằng xi măng kết hợp với phụ gia trong xây dựng công trình” mang tính cấp thiết và có tính thời sự.

Theo NCS, nhiệm vụ của luận án đó là: Nghiên cứu các đặc tính xây dựng của đất gia cố, đặc điểm về phạm vi phân bố, chiều dày, cấu trúc, mức độ nhiễm mặn, phèn, HLHC, khả năng trao đổi cation, thành phần khoáng hóa, hóa học, đặc tính cơ lý; Nghiên cứu cải tạo đất bằng xi măng, xi măng với phụ gia nhằm làm sáng tỏ các ảnh hưởng của các đặc điểm thành phần của đất đến chất lượng đất gia cố; Nghiên cứu biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của phương pháp cải tạo bằng xi măng kết hợp với phụ gia đối với đất yếu có tính chất đặc biệt như nhiễm muối, HLHC cao.

Để đạt được mục tiêu của luận án, các nghiên cứu đã được NCS tập trung triển khai nghiên cứu như tổng quan về gia cố nền đất yếu bằng xi măng và xi măng với phụ gia, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đất gia cố; Nghiên cứu đặc điểm phân bố, phạm vi phân bố, đặc điểm thành phần của đất loại sét yếu phân bố phổ biến tại vùng ĐBSCL; Nghiên cứu cải tạo đất loại sét yếu vùng ĐBSCL bằng xi măng, phân tích đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đất gia cố; Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cúa đất giá cố bằng phụ gia với đất chứa muối và đất than bùn hóa.

Một số đóng góp mới của Luận án có thể kể đến đó là Luận án đã nghiên cứu và phân tích làm sáng tỏ ảnh hưởng của đặc điểm thành phần như: hạt, khoáng vật, hóa học, HLHC, muối, phèn đến cường độ đất gia cố, xác định các tương quan giữa các ngày tuổi, mẫu trong phòng - hiện trường; quan hệ giữa mô đun đàn hồi và cường độ kháng nén của đất loại sét yếu phổ biến ở ĐBSCL; Nghiên cứu cải tạo đất với xi măng và phụ gia với hai loại đất yếu đặc biệt tại vùng ĐBSCL là bùn sét nhiễm muối ở mức mặn đến rất mặn ở Cà Mau và đất TBH ở Kiên Giang.

Các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo nhận định: Luận án của NCS phù hợp với chuyên ngành và không trùng lặp với các nghiên cứu đã công bố trước đây; luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Kết quả nghiên cứu của luận án đã góp phần vào việc nghiên cứu ĐCCT khu vực: làm sáng tỏ đặc tính ĐCCT, đặc điểm thành phần của đất loại sét yếu phổ biến vùng ĐBSCL; bổ sung vào những thành tự nghiên cứu cải tạo đất loại sét yếu bằng xi măng và xi măng với phụ gia ở ĐBSCL; là cơ sở khoa học có thể định hướng cho công tác khảo sát thiết kế, xử lý nền đất yếu và biện pháp xử lý khi gặp đất có thành phần và tính chất đặc biệt  như đất có hàm lượng muối, hữu cơ cao (TBH).

Luận án có khối lượng thông tin lớn về đất ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như gia cố nền đất xi măng, tài liệu địa chất phong phú, đã có nhiều bài báo phản ánh đúng nội dung luận án.

Bên cạnh đó, các nhà chuyên gia, các nhà khoa học đề nghị NCS chỉnh sửa lại bố cục, nội dung luận án, kết luận các chương, kết luận chung; lỗi chính tả, tài liệu tham khảo, các ký hiệu trên biểu đồ; nêu rõ phương pháp thi công, nguồn gốc hệ số thấm; cần bổ sung thêm bảng trích lục bảng tài liệu (tài liệu nguồn, tài liệu tham khảo, số liệu của NCS); để luận án mang tính học hàm nhiều hơn nghiên cứu của NCS cần có sự liên hệ kết quả nghiên cứu của mình; chỉnh sửa lại phần hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo trong đó cần giải thích rõ; tham khảo, tiếp thu kết quả  trước đây của các chuyên gia, các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, lực lượng nghiên cứu sinh và cao học ở phía Nam đã nghiên cứu, khảo sát, lấy mẫu ở đồng bằng sông Cửu Long...

Ý kiến góp ý: