Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sĩ của NCS Nguyễn Thành Lệ
07/04/2016Ngày 06/4, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật “Nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết đến các tính chất cơ lý của bê tông đầm lăn sử dụng cho đập trọng lực” mã số 62.52.02.02 của NCS. Nguyễn Thành Lệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tham dự buổi Hội thảo khoa học có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính - Đại diện cơ sở đào tạo của Viện và TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính phụ trách công tác đào tạo của Viện; các chuyên gia và các nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực xây dựng công trình và các cán bộ khoa học quan tâm. Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Chủ trì Hội thảo - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh đây là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng và quyết định đối với quá trình thực hiện Luận án của NCS và thông qua Hội thảo này mong muốn giáo viên hướng dẫn, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ đóng góp nhiều ý kiến về chuyên môn, học thuật, trao đổi thẳng thắn về bố cục, nội dung, mục tiêu, phương pháp tiếp cận, tính khoa học, tính thực tiễn, kết quả và những đóng góp mới của Luận án với NCS giúp cho NCS qua đó chỉnh sửa luận án của mình. Tiếp theo đó, các đại biểu tại Hội thảo đã được nghe NCS Nguyễn Thành Lệ trình bày dự thảo luận án tiến sỹ kỹ thuật của mình. Theo NCS cho biết mặc dù ở Việt Nam đã có rất nhiều công trình đập thủy điện, thủy lợi đã ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn nhưng hiện tại vẫn chưa có tiêu chuẩn quốc gia về hướng dẫn lựa chọn vật liệu và thiết kế thành phần bê tông đầm lăn, đặc biệt là phân loại và lựa chọn phụ gia hóa học dẻo chậm đông kết, một thành phần quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng bê tông đầm lăn trong thi công. Bên cạnh đó, nhiều đập bê tông đầm lăn sau khi tích nước đã thấy xuất hiện thấm nước, chủ yếu tại vị trí giữa các lớp bê tông đầm lăn, việc này đối với đập bê tông trọng lực là rất lo ngại, vì vậy cần phải xử lý tốt liên kết giữa các lớp bê tông đầm lăn và giảm bớt các khe lạnh giữa các lớp bê tông đầm lăm bằng thi công liên tục. NCS cũng cho rằng, đối với bê tông đầm lăn tốc độ thi công liên tục là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên ưu thế thi công nhanh, giảm giá thành công trình tuy nhiên đòi hỏi hỗn hợp bê tông đầm lăn phải duy trì tính công tác và thời gian đông kết kéo dài, đảm bảo chất lượng, giảm thiểu thấm nước cho công trình. Do đó ngoài việc lựa chọn cấp phối bê tông đầm lăn hợp lý còn phải kể đến thành phần không thể thiếu là phụ gia hóa học, vừa duy trì tính công tác vừa kéo dài thời gian đông kết cho bê tông đầm lăn đảm bảo chất lượng bê tông đầm lăn trong thi công. Như vậy, việc sử dụng phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết cho phép duy trì tính công tác, kéo dài thời gian đông kết bê tông đầm lăn để thi công liên tục giúp giảm thiểu các khe lạnh, tăng tốc độ thi công, nâng cao chất lượng và khả năng chống thấm đập bê tông đầm lăn. Xuất phát từ đó, tác giả đã nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết đến các tính chất cơ lý của bê tông đầm lăn sử dụng đập trọng lực. Mục đích của nghiên cứu của tác giả nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết (HK) đến các tính chất cơ lý của bê tông đầm lăn và đề xuất cấp phối bê tông đầm lăn sử dụng phụ gia hóa dẻo kéo dài thời gian đông kết M20 (20 Mpa) có độ chống chấm đến W10 (10 atm). Tiếp theo đó, các đại biểu tại Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận và đưa ra rất nhiều ý kiến thiết thực về những mặt được và chưa được của Luận án cả về bố cục, nội dung, hình thức của Luận án cũng như về mặt chuyên môn, học thuật giúp cho NCS nhìn nhận tổng quát về luận án của mình và chỉnh sửa theo đúng yêu cầu. Chủ trì Hội thảo cũng đã công bố phiếu đánh giá của các thành viên trong Hội đồng tại Hội thảo và kết luận luận án được phép bảo vệ cơ sở tuy nhiên NCS cần chỉnh sửa theo ý kiến của các đại biểu, các nhà chuyên gia tại Hội thảo.
Ý kiến góp ý: