Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sĩ của NCS Phạm Quốc Tuấn
30/12/2015Ngày 29/12/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật “Nghiên cứu ảnh hưởng của sự dị hướng độ bền của đá phân lớp, phân phiến, nứt nẻ đến sự ổn định của công trình ngầm thủy công” của NCS. Phạm Quốc Tuấn - Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1.
Tham dự buổi Hội thảo khoa học có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng ban Tổ chức Hành chính - phụ trách công tác đào tạo; các chuyên gia và các nhà khoa học hàng đầu thuộc chuyên ngành cơ học đất đá, địa chất công trình và các cán bộ khoa học của Viện Thủy công. Chủ trì Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện phát biểu và mong muốn được nghe các ý kiến trao đổi sâu va thẳng thắn của các thầy giáo hướng dẫn, các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm giúp cho cơ sở đào tạo - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và nghiên cứu sinh chỉnh sửa để có được kết quả nghiên cứu có chất lượng, luận án đạt được yêu cầu của Bộ Giáo dục Đào tạo. Chủ trì Hội thảo đề nghị các đại biểu góp ý toàn diện cả về mặt hình thức cũng như nội dung của Luận án trong đó chú trọng đến tên Luận án, mục tiêu, phương pháp tiếp cận, tính khoa học, tính thực tiễn, những đóng góp mới của Luận án, trình tự nội dung luận án. Theo NCS, hiện nay ở Việt Nam, các công trình ngầm đang được thi công nhiều trong các dự án cơ sở hạ tầng như thủy lợi, thủy điện, giao thông, cơ sở hạ tầng... Các đường hầm thường có giá trị đầu tư rất lớn và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị đàu tư của Dự án. Mặc khác tiến độ thi công các công trình ngầm thường kéo dài và trong nhiều trường hợp, có tính chất quyết định đến tiến độ chung của Dự án. Công trình ngầm khi thi công qua vùng đá phiến, phân lớp, nứt nẻ mạnh, thời gian thi công sẽ bị kéo dài, đòi hỏi quá trình khảo sát phải nghiên cứu cẩn thận, mất nhiều thời gian để ra được biện pháp thi công thích hợp. Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của tính dị hướng phân lớp, phân phiến là một vấn đề cần thiết của thực tiễn đặt ra và đưa ra được phương pháp khảo sát đánh giá trạng thái ứng suất-biến dạng của khối đá để công trình được hoạt động bình thường trong thời gian khai thác và nâng cao tuổi thọ công trình là một đòi hỏi cấp thiết và có ý nghĩa cao về kinh tế, xã hội. Luận án này là sự tiếp nối quá trình nghiên cứu của cố PGS.TS. Nghiêm Hữu Hạnh về sự làm việc của nền đá nửa cứng nứt nẻ ở vùng xây dựng công trình thủy công. NCS đã sử dụng đá lấy từ công trình thủy điện Sập Việt - Sơn La để chế tạo mẫu phục vụ cho các thí nghiệm của mình và đã thực hiện khối lượng thí nghiệm đủ lớn 45 mẫu thí nghiệm với 05 tổ hợp góc dị hướng khác nhau, ba cấp ứng suất chính nhỏ nhất khác nhau để thí nghiệm nén ba trục; Đã đề xuất phương pháp xác định thông số sức kháng cắt bằng các kết quả của thí nghiệm nén ba trục và thí nghiệm nén một trục, theo các tổ hợp góc dị hướng không đổi, ứng suất chính nhỏ nhất không đổi và đã chứng minh được giả thiết của cố PGS.TS. Nghiêm Hữu Hạnh. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng số liệu thí nghiệm nén 3 trục và một trục và thí nghiệm hiện trường của mẫu đá phiến của đồng nghiệp tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn KAJIMA (Nhật Bản) để làm số liệu đầu vào cho phương pháp xác định các thông số kháng cắt của mình để chứng minh các kết luận về ảnh hưởng của góc dị hướng và ứng suất chính nhỏ nhất là gần chính xác, mở ra một khả năng áp dụng tiêu chuẩn bền của cố PGS.TS. Nghiêm Hữu Hạnh. Ngoài ra, NCS cũng đã xây dựng được một chương trình tính toán các thông số kháng cắt của khối đá dị hướng ứng với từng góc dị hướng và hệ số khe nứt; đã trình bày trình tự giải bài toán ứng suất-biến dạng của vùng đá dị hướng xung quanh công trình ngầm trong nền đá dị hướng bằng các phương pháp khác nhau; đã trình bày được một lưu đồ tổng quát cho lời giải bài toán ứng suất-biến dạng của vùng đá dị hướng xung quanh đường hầm; sử dụng phần mềm Địa kỹ thuật đã được thương mại háo để xác định phân bố ứng suất-biến dạng của khối đá dị hướng xung quanh công trình ngầm, đề xuất chỉ tiêu độ bền FAAI qua đó xác định được vùng mất ổn định bền, để tính toán gia cố tạm trong khi thi công đường hầm qua vùng đá dị hướng. Các đại biểu tại Hội thảo đã trao đổi, đưa ra những ý kiến thẳng thắn, khách quan và trung thực về những điểm được và cần phải chỉnh sửa hoàn thiện thêm của Luận án đó là Luận án là một công trình nghiên cứu khoa học có khối lượng lớn và có giá trị, đã đưa ra được hơn 40 thí nghiệm có khả năng áp dụng kết quả thí nghiệm tính toán cho công trình ngầm. Tuy nhiên, NCS cần xem xét chỉnh sửa về tên đề tài, mục lục, danh mục chữ viết tắt, trích dẫn tài liệu, phạm vi nghiên cứu; cần bố cục lại Luận án đảm bảo tính kết nối giữa các Chương và tính logic của Luận án; rút gọn các công thức tính toán; chi tiết hơn nữa những điểm mới của Luận án... Chủ trì Hội thảo cũng đã công bố phiếu đánh giá của các thành viên trong Hội đồng tại Hội thảo và kết luận luận án được phép bảo vệ cơ sở tuy nhiên cần phải chỉnh sửa theo ý kiến của các đại biểu, các nhà chuyên gia tại Hội thảo.
Ý kiến góp ý: