TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS Đoàn Thị Minh Yến

08/06/2017

Vừa qua, cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS Đoàn Thị Minh Yến với đề tài “Nghiên cứu khả năng tháo qua tràn piano khi kể đến ảnh hưởng của mực nước hạ lưu”. Mã số 62-58-02-02.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức  Hành chính phụ trách công tác đào tạo của Viện; các thầy giáo, nhà khoa học, chuyên gia thuộc lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình thủy và các cán bộ khoa học quan tâm.

TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính - phụ trách công tác đào tạo phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt cơ sở đào tạo Viện KHTLVN,Chủ trì Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết Hội thảo này là buổi sinh hoạt học thuật đầu tiên mà NCS trình bày trước Hội đồng do vậy đây là Hội thảo rất có ý nghĩa đối với NCS. Chủ trì Hội thảo mong muốn các thầy, các nhà khoa học và các chuyên gia sẽ đóng góp nhiều ý kiến nhận xét giúp cho NCS có thể hoàn thiện Luận án của mình trước khi bảo vệ cơ sở và Chủ trì Hội nghị cũng đề nghị NCS cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo.

Theo NCS. Đoàn Thị Minh Yến cho biết trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, dòng chảy lũ tăng đột biến, đặt áp lực lớn đối với sự an toàn của các hồ chứa và ngập lụt hạ du. Các công trình xả lũ cần đáp ứng nhu cầu tăng quy mô tháo lũ do tăng dòng chảy tự nhiên hoặc do nâng tần suất nhằm đảm bảo an toàn theo các quy chuẩn trong tình hình mới, nhiều công trình hiện có cần được nâng cấp, tăng khả năng xả. Do vậy, một hình thức công trình có khả năng tháo lớn, nhằm nâng cao năng lực xả cho đầu mối thủy lợi, thủy điện là cần thiết.

Tràn Piano là hình thức công trình tháo ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, áp dụng rộng rãi cho các công trình thủy lợi thủy điện ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay khả năng tháo của tràn vẫn là một trong những miố quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu, ứng dụng; chưa có công thức, đồ thị xác định khả năng tháo cho tràn Piano áp dụng tổng quát, đơn giản, sai số chấp nhận được như của tràn truyền thống. Các kết quả đã có về khả năng tháo chủ yếu áp dụng trong điều kiện cụ thể của mỗi nghiên cứu, ít khả năng nhân rộng cũng như có sai số lớn từ 20-60%, khi tra đồ thị có thể sai số đến 250% và khó áp dụng.

Với tính phức tạp trong cấu tạo, hầu hết các tràn Piano ở Việt Nam ứng dụng theo công trình điển hình lấy nguyên mẫu là đập Vân Phong; các công trình đều được thí nghiệm trên mô hình vật lý và cho thấy sự sai khác đáng kể so với kết quả tính toán khả năng tháo theo công thức của các nghiên cứu trước đó. Ngoài ra, trong điều kiện các công trình ngăn sông vùng đồng bằng ven biển miền Trung, khi có dòng lũ tràn cần kết hợp tràn bên và cống có cửa van hoặc tràn Piano đặt trên dốc nước cũng là những vấn đề thực tiễn cần quan tâm nhưng chưa được các nghiên cứu đề cập đến…

Do đó nghiên cứu về khả năng tháo của tràn Piano khi kể đến ảnh hưởng của điều kiện hạ lưu (đáy kênh và mực nước) là một vấn đề theo NCS là có ý nghĩa thực tiễn và khoa học. Kết quả nghiên cứu có tính thời sự, nhằm thỏa mãn các đòi hỏi cụ thể của thực tiễn trong bối cảnh nâng cao an toàn công trình, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu mới của quy chuẩn thiết kế, cũng như làm giàu hơn sự hiểu biết về dạng công trình tháo mới này.

Mục tiêu nghiên cứu nhằm nghiên cứu đặc trưng thủy động lực học, chế độ của dòng chảy qua tràn Piano nhằm xác định khả năng tháo qua tràn khi kể đến ảnh hưởng của điều kiện hạ lưu.

Các đóng góp mới của luận án có thể kể đến đó là: (1) Đã tiếp cận theo hướng mới về lựa chọn đối tượng nghiên cứu là tràn Piano tiêu chuẩn. Xác định hệ số lưu lượng cho tràn có mặt cắt tiêu chuẩn. Trong các điều kiện cụ thể hệ số lưu lượng được điều chỉnh bằng các hệ số tương ứng; (2) Từ phân tích đặc trưng thuỷ động lực của tràn Piano và các kết quả thí nghiệm đã xác định được các trạng thái ranh giới phân định chế độ chảy của dòng chảy qua tràn Piano; (3) Xây dựng được các công thức xác định khả năng tháo của tràn Piano chảy tự do và chảy ngập.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng nội dung của đề tài luận án phù hợp với tên đề tài, mã số chuyên ngành đào tạo, luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong hoàn cảnh và điều kiện Việt Nam; Dự thảo luận án đã nghiên cứu những điểm còn chưa được hoàn thiện của đập tràn dạng Piano, có thể triển khai trong thực tế nước ta với độ chính xác cao hơn; luận án là một công trình nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh có bố cục hợp lý, trình bày rõ ràng; phương pháp nghiên cứu và phương pháp tiếp cận có độ tin cậy và hợp lý.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị NCS cần chỉnh sửa lại phần tổng quan, phần kết luận, tài liệu tham khảo, các ký hiệu trong luận án lỗi chính tả; nêu chi tiết hơn các đóng góp mới của luận án, phạm vi và điều kiện áp dụng; trình bày và giiả thích rõ thêm về tràn piano “tiêu chuẩn”; thống nhất phần trích dẫn tài liệu; bổ sung bảng thống kê tổng hợp đánh giá sự phù hợp của công thức thực nghiệm trường hợp chảy tự do, chảy ngập…

 

Ý kiến góp ý: