TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS. Nguyễn Đức Phong

18/08/2020

Vừa qua, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS Nguyễn Đức Phong với đề tài “Nghiên cứu tác động của các loại nguồn xả thải đến chất lượng nước vùng bán đảo Cà Mau”. Mã số: 9440303.

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Viện - Trưởng cơ sở đào tạo của Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách đào tạo Tiến sỹ của Viện, PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính và các thầy, cô là chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, đất và môi trường.

Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện chủ trì Hội thảo.

PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tại Hội thảo

NCS. Nguyễn Đức Phong là NCS được Viện công nhận là NCS khóa 2014, qua quá trình học tập nghiên cứu, NCS đã dự thảo bản luận án tiến sỹ kỹ thuật của mình, Hội thảo này là dịp để NCS trình bày các kết quả nghiên cứu của mình và xin ý kiến các thầy cô để NCS. Nguyễn Đức Phong hoàn thiện luận án.

PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Chủ trì buổi Hội thảo phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Chủ trì buổi Hội thảo đã gửi lời cảm ơn các thầy, cô đến tham dự Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết Luận án của NCS đã cơ bản hoàn thành các nội dung nghiên cứu, Hội thảo là buổi sinh hoạt học thuật nhằm xin ý kiến các thầy, các cô, các nhà khoa học để NCS có thể chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản dự thảo luận án một cách tốt nhất trước khi bảo vệ cấp cơ sở.

Do vậy, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho rằng đây là Hội thảo rất có ý nghĩa đối với NCS và yêu cầu NCS. Nguyễn Đức Phong trình bày đầy đủ các nội dung khoa học, kết quả luận án và ghi chép lại đầy đủ các ý kiến của các thầy, cô tại Hội thảo.

Tiếp theo đó, báo cáo dự thảo luận án tại Hội thảo, NCS. Nguyễn Đức Phong cho biết, trong những năm gần đây, vùng bán đảo Cà Mau phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, kèm theo đó là sự chuyển đổi sản xuất nhanh, nhất là từ sinh thái ngọt sang sinh thái mặn (trồng lúa sang nuôi tôm) dẫn đến hạ tầng phục vụ không theo kịp, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi. Việc kiểm soát nguồn nước trước đây chủ yếu nhằm sử dụng cho nông nghiệp nay thêm cả thủy sản nên đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Áp lực phát triển kinh tế và dân số mạnh mẽ làm cho nhu cầu sử dụng nước vùng bán đảo Cà Mau ngày càng tăng, đồng thời việc xả thải vào nguồn nước và gây ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng hơn, nguồn nước đang bị suy thoái dần, nhiều vùng đã trở nên trầm trọng, đặc biệt vào các tháng giữ, cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Các vùng chịu sự suy thoái nguồn nước nhất là vùng chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng trọt sang nuôi tôm hay các cụm công nghiệp, dịch vụ. Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng, xây dựng hạ tầng cơ sở liên quan đến nguồn nước vẫn còn đang bộc lộ nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát chất lượng nước mặt trên hệ thống sông kênh trong vùng bán đảo Cà Mau của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và các Sở Tài nguyên môi trường các tỉnh trong vùng nghiên cứu cho thấy ô nhiễm nước trong vùng gia tăng cả về phạm vi và mức độ. Các thông số ô nhiễm phổ biến là DO, BOD5, COD, NH4+…, N02-,…

Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm nước đến sản xuất và đời sống dân cư, mức độ ô nhiễm nước cần phải được dự báo sớm đến cơ quan quản lý và người sử dụng nước. Đối với vùng nghiên cứu, cần có nghiên cứu sâu hơn về chế độ dòng chảy, chế độ thủy văn, thủy lực và tình hình ô nhiễm do xả thải vào nguồn nước cũng như dự báo xu thế chất lượng nước mặt trong vùng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong điều kiện sản xuất đang thay đổi rất nhiều.

Trước thực trạng trên, NCS. Nguyễn Đức Phong cho rằng cần phải có nghiên cứu tác động của các loại nguồn xả thải đến chất lượng nước vùng bán đảo Cà Mau từ đó đánh giá được thực trạng nguồn nước, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế xã hội của vùng.

Với mục tiêu nghiên cứu của luận án là làm rõ tác động của các nguồn xả thải đến chất lượng nước vùng bán đảo Cà Mau từ đó đề xuất các định hướng quản lý các nguồn nước thải nhằm bảo vệ nguồn nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, NCS. Nguyễn Đức Phong đã triển khai các nội dung nghiên cứu và đạt được một số kết quả chính như

Đánh giá được các nguồn xả thải ô nhiễm vào bán đảo Cà Mau (định lượng các loại nguồn thải cho hiện tại và xu thế tương lai bao gồm xác định được 02 loại nguồn thải chính trong vùng nghiên cứu là nguồn thải điểm và nguồn thải phân tán (522 nguồn thải điểm và 1428 nguồn thải phân tán); Tính toán được thải lượng các nguồn xả thải.

Làm rõ cơ chế lan truyền và phạm vi tác động (hướng, phạm vi, tỷ lệ nguồn nước ô nhiễm theo thời gian) các nguồn xả thải và cơ chế gây ô nhiễm của từng loại nguồn, nhóm gây ô nhiễm: mô phỏng chất lượng nước bằng mô hình toán thủy động lực gồm 2 loại chỉ tiêu chất lượng nước và nồng độ thể tích (tỷ lệ nguồn nước) của từng nguồn nước thải); Kết quả mô phỏng lan truyền ô nhiễm đã đánh giá được tổng quát, chi tiết chất lượng nước mặt tròng vùng bán đảo Cà Mau; Nghiên cứu lựa chọn một số vị trí quan trọng cần dự báo chất lượng nước (BOD5) để cảnh báo kịp thời ô nhiễm cho vùng; Đề xuất được mạng lưới quan trắc và dự báo chất lượng nước (67 vị trí) cho vùng ô nhiễm điển hình và vùng nuôi tôm quan trọng của các địa phương trong vùng bán đảo Cà Mau.

Đánh giá được tác động của từng loại nguồn xả thải đến chất lượng và vai trò của các yếu tố khác như triều, dòng chảy, mưa) và cho thấy nguồn nước thải sinh hoạt là nguồn ảnh hưởng chính đến chất lượng nước vùng bán đảo Cà Mau với phạm vi và mức độ ảnh hưởng rộng.

Đưa ra được các phương án, cách thức quản lý nguồn nước trên cơ sở quản lý nguồn xả thải (dựa vào phạm vi tác động của nguồn xả thải).

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng nội dung của đề tài luận án phù hợp với tên đề tài, mã số chuyên ngành đào tạo; Kết quả đề tài không trùng lặp với nghiên cứu đã công bố; Đề tài là cơ sở để cảnh báo ô nhiễm nước mặt trên các sông kênh vùng bán đảo Cà Mau; cơ sở tham khảo cho các cơ quan quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong việc quy hoạch phát triển tài nguyên nước theo hướng bền vững; kết quả đề tài là cơ sở đề xuất các phương án/cách thức quản lý nguồn nước trên cơ sở quản lý nguồn thải cho vùng nghiên cứu bán đảo Cà Mau và các vùng có điều kiện tự nhiên tương tự. Đề tài đã tổng quan được vấn đề chất lượng nước, các nguồn xả thải vào hệ thống sông vùng bán đảo Cà Mau; đã áp dụng các phương pháp mô hình, học máy, điều tra, khảo sát để nghiên cứu tác động nguồn thải đến chất lượng nước vùng bán đảo Cà Mau; Đánh giá được hiện trạng về nguyên nhân gây ô nhiễm vùng bán đảo Cà Mau; thống kê được nguồn thải vùng bán đảo Cà Mau, phục vụ bảo vệ môi trường; Xây dựng được mô hình lan truyền ô nhiễm phục vụ kiểm soát ô nhiễm; Đánh giá được ảnh hưởng của từng loại nguồn thải đến chất lượng nước sông kênh vùng bán đảo Cà Mau.

Bên cạnh các mặt đạt được của Luận án, các đại biểu tham dự tại Hội thảo đề nghị NCS. Nguyễn Đức Phong chỉnh sửa phần tổng quan, phương pháp nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu; Cần có nội dung tổ hợp các loại nguồn xả đến chất lượng nước; Bản đồ lan truyền nên bổ sung thời gian trích lập bản đồ; Kết quả hiệu chỉnh và kiểm định mô hình thủy lực cần phải công bố giá trị các thông số nhám Manning cho các đoạn mặt cắt khác nhau hoặc công bố đại diện các giá trị trên cho các đoạn quan trọng; Công bố cá tài liệu phân tích chất lượng nước của các nguồn xả thải, đo đạc thực địa vào kết quả nghiên cứu từ đó có cơ sở để phân loại nhóm nguồn thải; Kết luận của luận án cần nêu rõ các vị trí lấy mẫu quan trắc, số lượng mẫu đã lấy, thời gian quan trắc, cách thức bảo quản vận chuyển; Làm rõ nghiên cứu thực hiện thống kê kiểm đếm các nguồn xả thải hay tham khảo từ các nguồn tài liệu khác và nếu có tham khảo phải có trích dẫn đầy đù; Bổ sung hình ảnh đi khảo sát kiểm đếm, tên thiết bị, model, nước sản xuất…sử dụng cho nghiên cứu; Chi tiết rõ hơn tiêu chí để lựa chọn hoặc xây dựng các điểm quan trắc chất lượng nước mặt ở khu vực nghiên cứu và có thể áp dụng cho các khu vực khác tương tự…

Các đại biểu nhất trí đồng ý cho NCS. Nguyễn Đức Phong bảo vệ cấp cơ sở sau khi đã sửa chữa theo các ý kiến nhận xét, góp ý.

Ý kiến góp ý: