TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS. Nguyễn Tiến Long

01/07/2020

Sáng ngày 01/7/2020, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS. Nguyễn Tiến Long với đề tài “Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường nuôi tôm tập trung tại tỉnh Quảng Ninh”. Mã số 9 44 03 03.

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Thủ trưởng cơ sở đào tạo, PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính và 22 thầy, cô là chuyên gia, nhà khoa học thuộc chuyên ngành môi trường đất và nước.

NCS. Nguyễn Tiến Long được Viện công nhận là NCS khóa 2014, qua quá trình học tập nghiên cứu, NCS đã dự thảo bản luận án tiến sỹ kỹ thuật của mình, Hội thảo này là dịp để NCS trình bày các kết quả nghiên cứu của mình và xin ý kiến các thầy cô để NCS. Nguyễn Tiến Long hoàn thiện luận án.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Thủ trưởng cơ sở đào tạo - Chủ trì buổi Hội thảo đã gửi lời cảm ơn các thầy, cô đến tham dự Hội thảo. GS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho rằng đây là Hội thảo quan trọng đối với NCS. Nguyễn Tiến Long, giúp NCS có thể nhận được nhiều ý kiến góp ý của các thầy, các cô để có thể hoàn thiện hơn nữa luận án của mình. Do vậy, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt đề nghị NCS. Nguyễn Tiến Long trình bày đầy đủ nội dung luận án, nội dung khoa học, kết quả của luận án, đóng góp mới và ghi chép lại những ý kiến của các thầy, cô tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, NCS. Nguyễn Tiến Long cho biết nuôi tôm trên thế giới cũng như ở Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến sản phẩm tôm và coi tôm là sản phẩm chủ lực của Quốc gia. Trong kim ngạch xuất khẩu 2019 đạt 3,36 tỷ USD, dự kiến năm 2025 dự kiến đạt 8,4 tỷ USD.

Theo NCS. Nguyễn Tiến Long, để đạt được mục tiêu đạt được kim ngạch xuất khẩu trên, các địa phương cũng đã tăng năng suất, sản lượng bằng cách mở rộng nhanh các diện tích để nuôi tôm và năm 2019 đã đến 720N hecta (theo thống kê của Tổng cục Thủy sản); chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức tập trung bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh.

Trước vấn đề mở rộng nhanh diện tích để nuôi tôm như vậy đã khiến môi trường bị ảnh hưởng ngược, suy giảm, ô nhiễm môi trường tăng trong nuôi tôm tập trung vào nguồn nước cấp, nước trong ao, nền đất, bùn thải trong ao nuôi tôm; dịch bệnh tăng dẫn đến tôm chết hàng loạt và sản lượng tôm thấp.

NCS. Nguyễn Tiến Long cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có rất nhiều như từ đầu vào, con giống, thức ăn… và một loạt hệ thống khác trong đó có vấn đề liên quan đến hệ thống cảnh báo chưa kịp thời, hiệu quả cũng như vấn đề mô hình để kiểm soát các giải pháp tổng thể cho vấn đề nuôi tôm phát triển bền vững hiện nay còn nhiều bất cập.

Chính vì vậy, NCS đã tiến hành nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường nuôi tôm tập trung tại tỉnh Quảng Ninh.

Mục tiêu nghiên cứu tập trung vào đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nước nuôi tôm tập trung các tỉnh ven biển Việt Nam giai đoạn 2009 - 2018; Bổ sung diễn biến chất lượng môi trường đất, nước trong vùng nuôi tôm tập trung tại P. Tân An, TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; Đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm thông qua thực nghiệm lựa chọn chế phẩm sinh học phù hợp xử lý nước trong ao nuôi tôm.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu trên NCS. Nguyễn Tiến Long đã tiến hành lựa chọn đối tượng, phạm vi, địa điểm, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và triển khai các nội dung nghiên cứu và đã đạt được một số đóng góp mới có thể kể đến đó là (1) Đánh giá có hệ thống môi trường nước nuôi tôm tập trung (từ nước cấp, nước trong ao, nước thải) các tỉnh ven biển Việt Nam trong 10 năm (2009 - 2018) làm cơ sở cho đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường; (2) Lần đầu tiên đã đánh giá được diễn biến chất lượng môi trường nước cấp, nước trong ao, đặc biệt là nền đất (03 tầng khác nhau) sau nhiều năm nuôi liên tục  trên cùng ao nuôi, đối tượng và hình thức nuôi tại Tân An, Quảng Ninh góp phần xác định ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; (3) Lựa chọn, đề xuất được chế phẩm sinh học xử lý nước trong ao nuôi tôm hiệu quả cao, đảm bảo QCVN trước khi xả thải ra ngoài môi trường, khuyến cáo cho cơ quan quản lý và người nuôi tôm.

Ý kiến góp ý: