TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS. Nguyễn Xuân Lâm

08/05/2017

Ngày 06/5/2017, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức  Hội thảo khoa học góp ý cho luận án của NCS. Nguyễn Xuân Lâm “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất giải pháp vận hành tối ưu hệ thống hồ chứa sông Hồng trong mùa kiệt ”, mã số: 62 58 02 12.

Tham dự Hội thảo khoa học có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện- Chủ trì Hội thảo,  PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện, TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính - phụ trách công tác đào tạo; các thầy cô giáo, các nhà khoa học đầu ngành về kỹ thuật tài nguyên nước  và các cán bộ khoa học quan tâm.

TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính - phụ trách công tác đào tạo tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thay mặt cơ sở đào tạo, Chủ trì Hội thảo GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện cho biết hội thảo được tổ chức nhằm mục đích nghe NCS trình bày kết quả nghiên cứu chính của Dự thảo luận án và xin ý kiến của các nhà khoa học.

Do vậy, Chủ trì Hội thảo mong muốn, tại Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, các nhà khoa học  giúp cho NCS cũng như tập thể thầy cô giáo hướng dẫn có cơ hội hoàn thiện luận án của mình một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, GS.TS. Trần Đình Hòa cũng mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học góp ý toàn diện cho luận án cả về mặt hình thức, bố cục, nội dung, phương pháp luận, những vấn đề kỹ thuật phù hợp với các kết quả nghiên cứu, các đóng góp mới của luận án, ý nghĩa khoa học và thực tiễn để sau Hội thảo NCS có thể tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện luận án.

Theo Dự thảo Luận án của NCS Nguyễn Xuân Lâm, tình trạng cạn kiệt dòng chảy trên hệ thống sông Hồng đang diễn biến ngày một trầm trọng. Các nguyên nhân đã bước đầu đã được các nhà khoa học chỉ ra như do khai thác dòng chảy phía thượng nguồn, tác động của biến đổi khí hậu, phân lưu sông đuống, hạ thấp lòng dẫn, khai thác cát, tích trữ bùn cát ở lòng hồ. Chính bởi vậy mà từ năm 2007 đến năm 2015, việc xả nước Đông Xuân đã tăng lên gấp đôi từ 2,78 - 5,77 tỷ m3.

Trong khi đó, ở góc độ vận hành hệ thống, mặc dù Chính phủ đã ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện hệ thống sông Hồng tuy nhiên theo NCS, quy trình mới chỉ là các ràng buộc tĩnh cho vận hành và chưa được xây dựng với cách tiếp cận tối ưu vận hành hệ thống đa mục tiêu; sự phối hợp vận hành của các hồ chứa chưa chỉ ra được trong các tình huống thực tế. Các ràng buộc cho hệ thống mặc dù đã được nghiên cứu chi tiết và tham vấn đầy đủ nhưng thực tế vẫn còn mang tính chủ quan.

Nguyên nhân ở đây, theo NCS cho rằng đó là do các mục tiêu vận hành về bản chất luôn mâu thuẫn nhau như điện lượng, cấp nước hạ du chưa được tối đa hóa và sự trao đổi lợi ích giữa chúng chưa được phân tích rõ ràng.

Vì vậy, cần phải có các nghiên cứu về giải pháp vận hành tối ưu hệ thống hồ chứa thủy điện sông Hồng trong mùa kiệt theo hướng tối đa hóa cùng lúc nhiều mục tiêu. Từ đây, có thể phân tích được sự trao đổi giữa các mục tiêu nhằm phục vụ cho đàm phán giữa các bên và đưa ra được các hàm vận hành thời gian thực dựa trên chính sách vận hành đã được lựa chọn.

Mục tiêu của luận án đó là xây dựng cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp vận hành hệ thống hồ chứa trong mùa kiệt nhằm tối ưu hóa phát điện và cấp nước cho vùng hạ du lưu vực sông Hồng.

Sau thời gian triển khai nghiên cứu, Luận án đã có một số đóng góp mới đó là đã đề xuất được tập hàm vận hành theo thời gian thực mang tính khoa học và thực tiễn; Đề xuất và thiết lập được khung tính toán tối ưu vận hành, kết nối các mô hình và thuật toán BORG MOEA và quy trình tính toán của khung theo phương pháp tham số hóa - mô phỏng - tối ưu (PSO) đảm bảo tính tin cậy tốt trong hội tụ tìm nghiệm; Xây dựng được một hệ thống mô hình hồ chứa và hạ lưu cũng như các công cụ tính toán, phân tích và kết nối với mã nguồn riêng, tạo thuận lợi cho phát triển nghiên cứu và ứng dụng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng đề tài luận án phù hợp với chuyên ngành và mã số đào tạo, nghiên cứu và kết quả của đề tài không trùng lặp với những nghiên cứu đã công bố trước đây, luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có đóng góp mới, phương pháp nghiên cứu phù hợp, kết quả nghiên cứu của luận án có thể dùng làm tham khảo để điều chỉnh quy trình điều tiết liên hồ chứa mùa kiệt cho lưu vực sông Hồng, đảm bảo tối ưu đa mục tiêu...

Ngoài ra, NCS cần chỉnh sửa luận án của mình như chỉnh sửa phần tổng quan, kết luận các chương, kết luận chung, tài liệu tham khảo, hình vẽ, bảng biểu, đồ thị, lỗi chính tả; bổ sung kết quả phân tích diễn biến lòng dẫn sông Hồng, sông Đuống, biểu đồ nhu cầu sử dụng nước, các định nghĩa về tham số (K, M, N) về điều kiện tối ưu theo thứ tự ưu tiên, các mặt cắt sông cho mô hình thủy lực MIKE11; bổ sung vào phụ lục luận án về mã nguồn, chương trình tính toán; đưa thêm điều kiện ràng buộc về ảnh hưởng của thủy triều và mặn.

 

Ý kiến góp ý: