Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS. Trần Minh Chính
02/11/2020Sáng ngày 30/10/2020, Cơ sở đào tạo của Viện đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS Trần Minh Chính với đề tài “Nghiên cứu xác định mô hình định lượng xói mòn đất thích hợp cho hệ thống canh tác nông nghiệp điển hình trên đất dốc”. Mã số: 9 58 02 12.
Tham dự Hội thảo khoa học có PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - phụ trách đào tạo Tiến sỹ của Viện, PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính, PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính và 19 thành viên là các thầy, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực kỹ thuật tài nguyên nước.
Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện chủ trì.
PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu
PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách đào tạo Tiến sỹ của Viện phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo khoa học, thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Cơ sở đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn các thầy, chuyên gia, nhà khoa học đã đến tham dự Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết Hội thảo là buổi sinh hoạt học thuật và mong muốn các thầy, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo góp ý một cách cởi mở, thẳng thắn, trao đổi những vấn đề luận án còn thiếu sót, gợi ý hướng giải quyết, đi từ cơ sở lý thuyết đến thực nghiệm để NCS. Trần Minh Chính có thể chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản dự thảo luận án của mình.
Về phía NCS, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong khẳng định đây là Hội thảo rất có ý nghĩa đối với NCS do vậy NCS cần tập trung vào những vấn đề chính, nội dung quan trọng, tính mới của luận án và ghi chép lại đầy đủ các ý kiến của các thầy, chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo.
Tiếp theo đó, tại Hội thảo Khoa học, NCS. Trần Minh Chính đã trình bày sơ lược dự thảo luận án của mình. Về lý do lựa chọn đề tài NCS. Trần Minh Chính cho biết: Có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân gây ra xói mòn đất như tác động của mưa, dòng chảy, chiều dài sườn dốc, độ dốc sườn dốc, thảm phủ thực vật… Tuy nhiên, mới dừng ở quy mô thí nghiệm, thực nghiệm hay khảo nghiệm các mô hình canh tác trên đất dốc. Do đó, việc tính toán dự báo xói vẫn còn hạn chế. Mặt khác xây dựng các mô hình thí nghiệm cần công sức và chi phí lớn về tài chính, thời gian, không gian trong khi đã có rất nhiều mô hình được triển khai đo đạc số liệu chính xác. Vì vậy, việc sử dụng mô hình đã có để kiểm định là bài toán tối ưu và hiệu quả nhất vẫn mang lại kết quả mong muốn.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài đó là nghiên cứu đặc trưng của hệ thống canh tác, phân bổ độ che phủ mặt đất bởi cây trồng và phân bổ lượng mưa để hiệu chỉnh hệ số xói mòn do cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác trên vùng đồi núi phía Bắc Việt Nam; Đánh giá và đề xuất mô hình dự báo xói mòn đất thích hợp cho các mô hình sản xuất nông nghiệp phổ biến trên đất dốc vùng đồi núi phía Bắc Việt Nam.
Nội dung nghiên cứu của Luận án bao gồm: Nghiên cứu tổng quan về xói mòn đất, mô hình định lượng xói mòn đất; Đánh giá lựa chọn hệ số xói mòn, trong đó tập trung vào hệ số xói mòn do cây trồng phù hợp trong điều kiện canh tác nông nghiệp vùng đồi núi phía Bắc Việt Nam; Kiểm định hệ số xói mòn do thực vật hiệu chỉnh bằng các số liệu đo đạc và kế thừa từ các ô quan trắc xói mòn tại miền núi phía Bắc Việt Nam bằng cách tính toán định lượng đất mất theo lý thuyết so với đo đạc lượng đất mất tại mô hình thí nghiệm thực tế; Trên cơ sở kiểm định đề xuất mô hình thích hợp áp dụng trong định lượng xói món đất của hệ thống canh tác nông nghiệp điển hình trên đất dốc miền núi phía Bắc Việt Nam.
Những đóng góp mới của luận án có thể kể đến đó là (1) Hiệu chỉnh hệ số xói mòn do cây trồng dựa trên phân bố độ che phủ cây trồng, lượng mưa và kỹ thuật tác động vào đất phù hợp với điều kiện canh tác khu vực đồi núi phía Bắc Việt Nam; (2) Kiểm định các mô hình dự báo xói mòn và hệ số xói mòn do cây trồng thông thường và hiệu chỉnh, dựa vào kết quả kiểm định đã đưa ra mô hình dự báo xói mòn đất phù hợp cho vùng đồi núi phía Bắc Việt Nam.
Sau khi nghe NCS. Trần Minh Chính trình bày báo cáo dự thảo luận án, các thầy, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực tài nguyên nước đã trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị giúp cho NCS có thể chỉnh sửa dự thảo báo cáo của mình. Một số góp ý có thể kể đến là: Đề tài luận án phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu và mã số đào tạo; các nội dung của đề tài phù hợp với chuyên ngành kỹ thuật tài nguyên nước. Các số liệu công bố và kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án là những nghiên cứu của tác giả và không trùng lặp với những nghiên cứu khoa học của các tác giả khác đã công bố.
Đề tài nghiên cứu có ý nghĩa khoa học trong việc nghiên cứu các mô hình định lượng xói mòn trên đất dốc trong nước và trên thế giới để đề xuất các phương pháp tính toán cụ thể để áp dụng mô hình dự báo xói mòn đất thích hợp cho các hệ thống canh tác nông nghiệp trên đất dốc ở Việt Nam. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu còn có ý nghĩa thực tiễn cao trong việc đưa ra phương pháp hiệu chỉnh hệ số xói mòn do cây trồng để dự báo chính xác hơn lượng đất mất đi do xói mòn trong sản xuất, làm cơ sở đề xuất các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên đất dốc ở Việt Nam. NCS đã có đóng góp mới trong việc đưa ra hệ số hiệu chỉnh thông số C trong phương trình mất đất phổ dụng, thuận tiện và chính xác hơn trong việc xác định lượng mất đất vùng đất dốc
Về vấn đề NCS cần sửa chữa, các thầy, chuyên gia, nhà khoa học yêu cầu NCS. Trần Minh Chính cần bổ sung tổng quan về hệ thống đất canh tác để thấy rõ hệ thống canh tác điển hình trên đất dốc, giới hạn phạm vi nghiên cứu, làm rõ phương pháp nghiên cứu của đề tài; các lý do lựa chọn địa điểm nghiên cứu; mô tả chi tiết hơn các khu thực nghiệm hiện trường; rà soát lại một số phần cho phù hợp và logic; đưa ra tiêu chí và tiến hành phân loại các mô hình lý thuyết, thực nghiệm, bán thực nghiệm; cần đưa ra nhận xét chung về khả năng áp dụng của các mô hình vào điều kiện miền núi phía Bắc Việt Nam; cần bổ sung tổng hợp độ che phủ cho từng loại cây trồng (lúa, ngô, khoai, sắn, lạc, đậu đỗ…) theo thời kỳ sinh trưởng (làm đất, phát triển, chuẩn bị thu hoạch, sau thu hoạch…) để làm cơ sở khuyến cáo áp dụng tính toán xói mòn đất; phần kiến nghị cần nêu những tồn tại của luận án và vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu; chỉnh sửa hình thức trình bày, bảng biểu, thuật ngữ; xem xét lại các nguồn số liệu trích dẫn, tài liệu tham khảo….
Tại Hội thảo, các đai biểu là các thầy, chuyên gia, nhà khoa học đã nhất trí đồng ý cho NCS. Trần Minh Chính bảo vệ cấp cơ sở sau khi đã sửa chữa dự thảo báo cáo luận án theo các ý kiến trao đổi tại Hội thảo.
Ý kiến góp ý: