Hội thảo khoa học góp ý cho luận án TSKT của NCS. Nguyễn Đăng Hà
22/11/2021Sáng ngày 20/11, Cơ sở Đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức trực tuyến Hội thảo khoa học góp ý cho luận án TSKT của NCS. Nguyễn Đăng Hà với Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ tưới đến phát thải Đinitơ-oxit (N2O) ở đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa ở tỉnh Hưng Yên”.
Tham dự Hội thảo khoa học có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo; GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ - Chủ trì Hội thảo; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính và bộ phận quản lý đào tạo của Viện.
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học về chuyên ngành kỹ thuật tài nguyên nước đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Trường Đại học Thủy lợi, Hội Thủy lợi…
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính cho biết NCS. Nguyễn Đăng Hà là NCS của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam từ năm 2014 và được sự hướng dẫn của PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và PGS.TSKH. Nguyễn Xuân Hải - Tổng cục Môi trường. Hiện tại, NCS. Nguyễn Đăng Hà đã hoàn thiện dự thảo luận án của mình do vậy Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo khoa học để xin ý kiến góp ý giúp NCS. Nguyễn Đăng Hà hoàn thiện luận án của mình.
Thay mặt cơ sở đào tạo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo cho rằng đề tài luận án NCS. Nguyễn Đăng Hà lựa chọn là một vấn đề mới về mặt khoa học và ứng dụng vào thực tế sản xuất và vấn đề này đang được xã hội rất quan tâm. Do vậy, Cơ sở đào tạo mong muốn các thầy, cô đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan như nội dung, phương pháp luận, tính học thuật, đóng góp mới, hình thức, văn phong, cách trình bày giúp NCS có định hướng về việc hoàn thiện luận án và đảm bảo yêu cầu của luận án TSKT.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phụ trách nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ - Chủ trì Hội thảo đã gửi lời cảm ơn các thầy cô, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tham dự Hội thảo.
GS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho biết đây là Đề tài luận án rất có ý nghĩa kể cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn, đặc biệt qua Hội nghị COP26 vừa qua Việt Nam đã tham gia tích cực và cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Hội thảo là buổi sinh hoạt học thuật nhằm xin ý kiến các thầy, các cô, các nhà khoa học để NCS và tập thể thầy giáo hướng dẫn có thể chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản dự thảo luận án một cách tốt nhất trước khi bảo vệ cấp cơ sở. Do vậy, đây là Hội thảo rất có ý nghĩa đối với NCS và yêu cầu NCS. Nguyễn Đăng Hà trình bày đầy đủ, ngắn gọn tập trung vào các nội dung chính của luận án và ghi chép lại đầy đủ các ý kiến của các thầy, cô tại Hội thảo.
Báo cáo Dự thảo luận án, NCS. Nguyễn Đăng Hà cho biết ngành nông nghiệp là ngành sử dụng nước nhiều nhất khoảng 80% và xu thế thời gian tới khoảng 75%. Để đảm bảo an ninh nước, Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến 2030 70% cây trồng cạn được tưới tiết kiệm nước, 60% diện tích lúa áp dụng tưới tiết kiệm nước. Trồng lúa nước là một nguồn phát thải vào khí quyển CH4 và N2O. Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam phát thải khí nhà kính ra môi trường chiếm 35,8% tổng lượng phát thải, trong đó từ lúa nước là 50,5%.
Gần đây, nhiều nghiên cứu cho rằng trồng lúa nước là một nguồn phát thải vào khí quyển CH4 và N2O. N2O ở ruộng lúa nước chưa thật rõ ràng trên bình diện quốc tế và đặc biệt còn chưa được khảo sát ở điều kiện trồng lúa nước của Việt Nam. Bên cạnh đó, lượng phát thải khí nhà kính CH4 và N2O thì phát thải CH4 tương ứng 25 lần và N2O tương ứng 298 lần so với khả năng CO2 sinh ra. Việt Nam có khoảng 7,72 triệu ha đất lúa được gieo trồng hàng năm, lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường là không nhỏ.
Tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu 1/11-12/11/2021 vừa qua tại Glassgow, Anh quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050.
Xuất phát từ những vấn đề cấp thiết như nguồn nước tưới ngày càng khan hiếm cần phải tiết kiệm, tìm giải pháp giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính khi trồng lúa nước, đặc biệt phát thải khí N2O còn ít được nghiên cứu và hầu như chưa được khảo sát thực tế ở điều kiện Việt Nam. NCS. Nguyễn Đăng Hà khẳng định Đề tài luận án “Nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ tưới đến phát thải Đinitơ-oxit (N2O) ở đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa ở tỉnh Hưng Yên” được đặt ra trong điều kiện này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.
Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định cơ sở khoa học, cơ chế hình thành và phát thải khí N2O trên ruộng lúa nước ứng với các chế độ nước khác nhau; Xác định ảnh hưởng của chế độ tưới trên nền đất phù sa sông Hồng đến sự phát thải khí N2O để đề xuất chế độ tưới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nước và đảm bảo năng suất lúa; Lựa chọn chế độ tưới hợp lý cho lúa trên nền đất phù sa sông Hồng.
Tiếp theo đó NCS đã triển khai thực hiện 03 nội dung nghiên cứu bao gồm: (1) Nghiên cứu ảnh hưởng của chế độ tưới đến tính chất của môi trường đất (Eh và pH) của đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa của tỉnh Hưng Yên; (2). Nghiên cứu xác định quan hệ giữa Eh và pH ở đất nghiên cứu có chế độ nước khác nhau ảnh hưởng đến sự hình thành và phát thải khí N2O trên đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa của tỉnh Hưng Yên; (3) Xác định chế độ nước hợp lý, giảm thiểu phát thải khí N2O, tiết kiệm nước và đảm bảo năng suất lúa trên đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa của tỉnh Hưng Yên.
Qua kết quả nghiên cứu, luận án đã đạt được đóng góp mới đó là xác định được đất phù sa sông Hồng không được bồi hàng năm trồng lúa của tỉnh Hưng Yên ở các chế độ tưới khác nhau đều có tính khử mạnh (Eh < -100mV), pH trung tính là môi trường không thuận lợi cho hình thành NO3- nhưng thuận lợi cho sự hình thành và phát thải khí N2O và phát thải lớn nhất trong khoảng giá trị Eh từ -100 mv ÷ -200mv và pH từ 6÷8.
Luận án đã xác định được lượng phát thải khí N2O đối với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa trên nền đất phù sa sông Hồng, trong đó giai đoạn sinh trưởng từ cấy đến kết thúc đẻ nhánh có lượng N2O phát thải lớn nhất. Lượng phát thải của các chế độ tưới theo công thức tưới truyền thống, khô vừa và khô kiệt đều rất thấp, dao động trong khoảng 0,3 đến 0,4 ppm. Chế độ nước mặt ruộng nghiên cứu không ảnh hưởng đến lượng phát thải khí N2O.
Sau khi nghe gần 20 ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có mặt tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Chủ trì Hội thảo đã kết luận và đánh giá cao nỗ lực của NCS, các nội dung nghiên cứu và kết quả luận án đã đạt được.
GS.TS. Nguyễn Tùng Phong yêu cầu NCS. Nguyễn Đăng Hà điều chỉnh tên luận án; chỉnh sửa phần tổng quan, bổ sung các yếu tố ảnh hưởng đến N2O; tính kết nối, logic của các chương; xem xét bổ sung sơ đồ nghiên cứu; lược bớt những nội dung không liên quan đến luận án trong Chương II; làm nổi bật kết quả nghiên cứu và tính mới của luận án; làm rõ những đóng góp mới của NCS vì trong luận án có kế thừa nhiều nội dung và kết quả nghiên cứu của Dự án Nghị định thư hợp tác với Nhật; bổ sung cách xác định tưới mặt ruộng; chỉnh sửa ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn, phần kết luận, kiến nghị, phụ lục, thuật ngữ, bảng biểu.
Hội thảo nhất trí Luận án của NCS. Nguyễn Đăng Hà đủ điều kiện bảo vệ cấp cơ sở sau khi chỉnh sửa theo các ý kiến góp ý tại Hội thảo.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong đã gửi lời cảm ơn, tri ân đến các thầy cô, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học có mặt tại Hội thảo đã phối hợp, hợp tác với Viện; đào tạo được cho Viện nhiều cán bộ khoa học chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành.
Ý kiến góp ý: