TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học góp ý kiến cho luận án tiến sĩ của NCS Dương Quốc Huy

06/03/2017

Ngày 3/3/2017, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học góp ý kiến cho luận án tiến sỹ “Nghiên cứu lũ cực hạn và đề xuất giải pháp quản lý phục vụ công tác quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn” của NCS. Dương Quốc Huy.

Tham dự Hội thảo, về phía đại diện cơ sở đào tạo của Viện có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện - Thầy giáo hướng dẫn NCS, TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; các thầy cô giáo, các nhà khoa học đầu ngành về chuyên ngành thủy văn học của Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trung tâm Thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn... và các nhà khoa học, các chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt cơ sở đào tạo của Viện, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện cho rằng trong quá trình đào tạo tiến sỹ, Hội thảo khoa học góp ý kiến này là quan trọng nhất, qua Hội thảo NCS nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp có giá trị của các thầy cô giáo, các nhà khoa học để NCS có cơ hội hoàn thiện Luận án của mình.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt mong muốn các thầy cô giáo, các nhà khoa học đầu ngành về thủy văn và thiên tai tại Hội thảo sẽ đưa ra nhiều ý kiến nhận xét đối với bản dự thảo luận án của NCS Nguyễn Quốc Huy để NCS cũng như các thầy giáo hướng dẫn có thể chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản dự thảo luận án một cách tốt nhất trước khi bảo vệ cấp cơ sở.

Tiếp theo đó, báo cáo dự thảo luận án tại Hội thảo, NCS. Dương Quốc Huy cho biết, hiện nay nhiều giải pháp công trình và phi công trình đã được đưa ra nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai lũ và đạt được nhiều hiệu quả thiết thực trong giảm thiểu thiệt hại.

Trong các giải pháp công trình, giải pháp chủ động ngăn chặn, giảm thiểu tác động của lũ bằng các hồ chứa thượng nguồn được xem là một giải pháp thực sự hiệu quả. Bằng việc sử dụng dung tích phòng lũ để lưu giữ một phần lưu lượng đỉnh lũ tự nhiên, các hồ chứa đã góp phần giảm nhỏ lưu lượng dòng chảy xuống hạ du, từ đó giảm thiểu mức độ ngân lũ và thiệt hại vùng đồng bằng. Cùng với các giải pháp công trình, các giải pháp phi công trình như trồng rừng đầu nguồn, khơi thông dòng chảy, nâng cao nhận thức của nhân dân và tăng cường chất lượng quản lý các cấp là các giải pháp mềm có hiệu quả và lâu dài, NCS cho biết thêm.

Mặc dù có những tác động hiệu quả như vậy nhưng các hồ chứa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như việc xả lũ đột ngột để đảm bảo an toàn đập đã gây nên ngập lụt nghiêm trọng ở hạ du hay như xảy ra sự cố vỡ đập đã phá hủy và cuốn trôi nhiều công trình, nhà cửa và ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân, thiệt hại gây ra vô cùng to lớn.

Có nhiều nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập, tuy nhiên, NCS cho rằng một trong nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập là do tính toán thủy văn thiết kế với chuỗi quan trắc ngắn lại thiếu lũ lịch sử... Đặc biệt ở khu vực miền núi, nơi địa hình phức tạp, việc quan trắc số liệu khó khăn dẫn tới các giá trị thực đo không phản ánh hết được các đặc trưng mưa, lũ làm căn cứ cho thiết kế. Điều này dẫn tới phải áp dụng một số công thức kinh nghiệm hay mượn giá trị thực đo của một số lưu vực tương tự... để tính toán làm cho các giá trị thiết kế bị sai lệch với điều kiện thực tế gây ra nhiều hệ lụy.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây khi thiết kế, xây dựng các công trình làm việc trực tiếp dưới tác động của dòng chảy lũ việc tính toán với lý thuyết lũ cực hạn của lưu vực đã được áp dụng, đặc biệt đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo NCS, dưới tác động biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, xu thế xuất hiện lũ có quy mô lớn hơn, việc đảm bảo an toàn hồ chứa và phòng tránh ngập lụt hạ du là một yêu cầu cấp bách do vậy NCS đã lựa chọn đề tài “Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn trong tính toán lũ cực hạn và quản lý lũ lớn từ đó đề xuất giải pháp giảm nhẹ, áp dụng cho lưu vực Vu Gia-Thu Bồn” nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro đối với các hồ chứa và phòng chống lụt cho hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Mục tiêu của luận án (1) Phân tích, đánh giá các ưu nhược điểm của các phương pháp tính toán PMP tại Việt Nam hiện nay; (2) Tính toán giá trị PMP phù hợp cho lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, đánh giá mức đô đáp ứng của các giá trị lưu lượng thiết kế hồ đập so với giá trị PMP tại các vị trí tuyến công trình từ đó xác định mối quan hệ giữa những đại lượng này.

Trên quan điểm tiếp cận quản lý lũ tổng hợp cũng như các nhận định mối quan hệ giữa chế độ dòng chảy lũ thượng lưu và ngập lũ vùng hạ du của lưu vực, NCS nhận thấy để quản lý hiệu quả chế độ lũ, ngập lũ trên lưu vực cần có giải pháp tổng thể và đồng bộ ngữa 2 khu vực (i) Giảm thiểu mức độ gia tăng lũ vùng thượng lưu và (ii) tăng cường khả năng chống chịu của vùng hạ du trước hiện tượng ngập lũ.

Tác giả đã phân tích, lựa chọn được phương pháp tính toán PMP và PMF phù hợp cho lưu vực Vu Gia - Thu Bồn; xây dựng được biểu đồ xác định mối quan hệ giữa giá trị lũ thiết kế với giá trị PMF tại vị trí công trình phục vụ cho việc xác định nhanh việc đánh giá, hiệu chỉnh công trình trước lũ PMF; thiết lập thành công mô hình 2 chiều mô phỏng ngập lũ cũng như đánh giá được ảnh hưởng của công trình hạ tầng, phát triển đô thị tới diễn biến dòng chảy lũ và ngập lũ vùng hạ du...

Sau khi nghe NCS trình bày dự thảo luận án của mình, các đại biểu là các thầy cô giáo, các nhà chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quý báu, có giá trị giúp NCS có thể chỉnh sửa lại luận án của mình trước khi bảo vệ cấp cơ sở.

Một số ý kiến có thể kể đến như NCS cần chỉnh sửa tên đề tài để phù hợp hơn với nội dung và kết quả của đề tài; làm nổi bật hơn đóng góp mới của luận án; làm rõ hơn tính đặc thù của lĩnh vực nghiên cứu liên quan đế đề tài, luận án; chỉnh sửa câu từ, thuật ngữ, hình vẽ, bảng biểu, trích dẫn, tài liệu tham khảo và cập nhật số liệu mới; chỉnh sửa bố cục luận án, cấu trúc lại chương mục, cần làm rõ hơn sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp cực hạn để tính PMP; xem xét và làm rõ cách xây dựng DAD trong luận án...

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Ý kiến góp ý: