TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học (lần 2) đề tài Nghiên cứu đánh giá tác động của các bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công

26/06/2014

Ngày 20/6/2014 tại Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã tổ chức hội thảo khoa học (lần 2) trao đổi về kết quả thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước thuộc Chương trình KC08/11-15 Nghiên cứu đánh giá tác động của các bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công đến dòng chảy, môi trường, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất giải pháp giảm thiểu bất lợi, mã số KC08-13/11-15

Mục tiêu chủ yếu của đề tài:

1-Đánh giá tác động của tổ hợp các đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công, đặc biệt là công trình khởi đầu Xayabury đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các giải pháp giảm thiểu;

2-Xây dựng  được cơ sở khoa học tin cậy để cung cấp cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sử dụng làm căn cứ thảo luận với các nước thượng lưu về khai thác tài nguyên nước trên sông Mê Công vì quyền lợi chung của các nước trong lưu vực.

Tham dự hội thảo có trên 40 đại biểu và các Nhà khoa học đầu ngành về Thủy lợi và Môi trường thuộc các cơ quan: Chương trình KC08/11-15; Tổng cục Thủy lợi; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2; Phân Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam; Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ; Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Nam; đại diện  lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, lãnh đạo và cán bộ khoa học thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển….

TS. Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thay mặt cơ quan chủ trì đề tài đã phát biểu khai mạc và bế mạc hội thảo.

Hội thảo đã nghe và thảo luận các báo cáo:

+ Báo cáo đề dẫn: Tóm tắt kết quả thực hiện đề tài đến tháng 6/2014;

+ Các công trình thủy điện trên dòng chính và đặc trưng dòng chảy;

+ Đánh giá thay đổi thủy văn dòng chảy, thời gian lan truyền do tác động của các bậc thang thủy điện dòng chính về Kratie;

+ Phân tích và đánh giá sơ bộ về thay đổi lũ và xâm nhập mặn trên đồng bằng;

+ Đánh giá vấn đề chất lượng nước xuyên biên giới;

Hội thảo đã trao đổi, thảo luận, đánh giá cao các nội dung KHCN đạt được của đề tài và đóng góp ý kiến cho các nghiên cứu tiếp theo. Hội thảo đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài cần căn cứ vào nội dung và thời gian thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, làm rõ thêm một số nội dung khoa học liên quan đến lĩnh vực này để hoàn thiện kết quả nghiên cứu nhằm cung cấp cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sử dụng làm căn cứ thảo luận với các nước thượng lưu về khai thác tài nguyên nước trên sông Mê Công vì quyền lợi chung của các nước trong lưu vực. Đối với khu vực ĐBSCL, kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài sẽ giúp các cơ quan quản lý địa phương làm cơ sở hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, giảm thiểu bất lợi, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo http://www.siwrr.org.vn 

Ý kiến góp ý: