TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học luận án tiến sỹ kỹ thuật

16/12/2015

Ngày 14/12/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học luận án tiến sỹ kỹ thuật “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý, giám sát điều khiển và hỗ trợ điều hành hệ thống tưới theo thời gian thực” của NCS. Nguyễn Quốc Hiệp - Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính - đại diện đơn vị quản lý đào tạo tiến sỹ của cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; các chuyên gia và các nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bơm và thiết bị thủy lợi, công nghệ thông tin, PIM và đại diện một số NCS đang làm tiến sỹ tại Viện.

Chủ trì Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện phát biểu và mong muốn tại Hội thảo các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận đóng góp ý kiến vào ý nghĩa khoa học và thực tiễn; những đóng góp mới của luận án; trình tự nội dung của luận án, kết cấu của luận án.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe NCS. Nguyễn Quốc Hiệp báo cáo tóm tắt về nội dung Luận án Tiến sỹ kỹ thuật và những kết quả đã đạt được

Theo tác giả, hiện nay nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế, xã hội đang tăng nhanh, nhất là nước cho công nghiệp sinh hoạt, nuôi trông thủy sản, chăn nuôi trong khi tài nguyên nước ở Việt Nam có hạn và đang bị suy thoái nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng, mặt khác ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho suy giảm tài nguyên nước, dòng chảy năm giảm, dòng chảy kiệt suy giảm lớn hơn, bốc thoát hơi nước tăng cao khiến nhu cầu sử dụng nước tăng theo. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp là một ngành tiêu thụ tài nguyên nước lớn nhất, tuy nhiên hệ số hiệu ích của hệ thống tưới trung bình chỉ đạt từ 0,5- 0,7; tổn thất nước trên hệ thống kênh chiếm tới từ 50% đến 30% tổng lượng nước yêu cầu. Việc điều phối cũng gặp phải khó khăn do ở trung tâm không nắm bắt được chính xác tình hình thực tế và yêu cầu tưới của từng vị trí diện tích theo thời gian thực; việc điều hành hệ thống luôn bị động do thời tiết và biến động nguồn nước gây lãng phí nước lớn, chi phí vận hành cao, năng suất, thu hoạch không đồng đều, hiệu quả thường có xu hướng thấp.

Vì vậy, vấn đề bức xúc của thực tế đặt ra là làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn nước nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Để giải quyết một phần của vấn đề này, trong thời gian qua, ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu xây dựng, phát triển phần mềm quản lý, điều hành hệ thống tưới nhằm giúp các Công ty KTCTTL có thể cấp nước đủ cho cây trồng cho quá trình sinh trưởng, đạt sản lượng cao, giảm chi phí vận hành, tránh lãng phí nước. Tuy nhiên, các phần mềm đã được nghiên cứu còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng trong thức tế, nên người dùng rất ít khi sử dụng, việc điều hành hệ thống tưới chủ yếu vẫn theo quy trình cũ. Do đó, việc nghiên cứu phát triển một công cụ phục vụ quản lý, điều hành hệ thông tưới đáp ứng được các yêu cầu người sử dụng là rất cần thiết. Chính vì vậy, tác giả đã nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý, giám sát điều khiển và hỗ trợ điều hành hệ thống tưới theo thời gian thực.

 Để đạt được mục tiêu đề ra, tác giả đã thực hiện một loạt các nội dung nghiên cứu cơ sở khoa học để  xây dựng cấu trúc hệ thống quản lý, giám sát, điểu khiển và điều hành hệ thống tưới theo thời gian thực (hệ thống VNIMS)và áp dụng thử nghiệm hệ thống VNIMS cho hệ thống tưới Ấp Bắc - Nam Hồng để kiểm nghiệm hệ thống.

Luận án đã đạt được một số kết quả nổi bật như: (1) Luận án đã xây dựng được cấu trúc, cơ sở lý thuyết và xây dựng được hệ thống VNIMS để giải quyết các vấn đề tổng thể trong công tác quản lý điều hành hệ thống tưới; (2) Đã tính toán  nhu cầu cấp nước của các cống lấy nước mặt ruộng theo tiến độ gieo trồng và theo thời kỳ sinh trưởng của cây trồng cho từng ô thửa của các cống lấy nước; (3) Đã tích hợp phần mềm MIKE 11 vào hệ thống để tính toán xác định đường mực nước trên hệ thống kênh theo chế độ dòng không ổn định, không đều trên kênh hở. Hệ thống cho phép người dùng có thể cập nhật tiến độ gieo trồng trên bản đồ WebGIS trên các thiết bị di động có kết nối internet (máy tính bảng, điện thoại di động, smartphone); (4) Tác giả đã sử dụng phương pháp mô phỏng để kiểm nghiệm hệ thống VNIMS như sử dụng hệ thống tưới Ấp Bắc Nam Hồng, sử dụng trạm thiết bị Sgate, sử dụng trạm quan trắc khí tượng, lượng mưa. Từ kết quả mô phỏng tác giả đã kiểm nghiệm các chức năng cơ bản của hệ thống cho thấy hệ thống VNIMS hoạt động tốt, kết quả tính toán đảm bảo chính xác và như vậy chứng tỏ hệ thống đã được xây dựng đáp ứng mục tiêu đặt ra và đã sẵn sàng áp dụng vào thực tế.

Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đã đánh giá cao luận án tiến sỹ kỹ thuật của NCS Nguyễn Quốc Hiệp. Hầu hết các đại biểu cho rằng, luận án có khối lượng công việc lớn, có số liệu, phần mềm, kết quả tính toán tốt, rộng; vấn đề đặt ra của Luận án và cách giải quyết đúng hướng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp nông nghiệp, tái cơ cấu ngành thủy lợi và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn; phù hợp với thực tế đó là đã đẩy mạnh việc gắn kết giữa quản lý hệ thống tưới và công nghệ thông tin; luận án nghiên cứu có tính tự động hóa cao, tương lai áp dụng rất tốt, cần có định hướng nghiên cứu tiếp theo và sâu hơn.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng yêu cầu NCS cần chỉnh sửa và xem xét lại mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, các khái niệm, tài liệu tham khảo, câu từ và thuật ngữ, sơ đồ khối, bố cục lại phần kết luận; cần trình diễn phần mềm bản demo trước Hội đồng nhằm mang lại tính thuyết phục cao hơn; cần tích hợp thêm một số phần mềm tương tự đã được đánh giá cao trước đây và đã được ráp dụng rộng rãi; cần phân tích sâu hơn nữa để làm rõ cơ sở, phương pháp luận và nguyên lý xây dựng hệ thống VNIMS, nêu bật được tính mới, đóng góp của luận án; bổ sung phần hạn chế trong vấn đề kiểm nghiệm thực tế và khả năng áp dung vào luận án...

Chủ trì Hội thảo - PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng luận án có đủ hàm lượng khoa học, hoàn toàn đáp ứng là một luận án tiến sỹ kỹ thuật, NCS cần nêu bật được tính mới của luận án đó là tính tích hợp các phần mềm phục vụ cho điều hành hệ thống thủy nông và luận án cần có cách tiếp cận tổng thể hơn; NCS cần làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến chuyên môn còn thiếu; xem xét việc sử dụng phần mềm MIKE, câu từ, thuật ngữ... theo như ý kiến của một số nhà khoa học phát biểu tại Hội thảo; kết luận của các chương cần chỉnh sửa lại; sau Hội đồng cơ sở NCS cần đổi lại tên luận án ngắn gọn, phù hợp hơn với mục tiêu và nội dung của luận án.

Cuối cùng, Chủ trì Hội thảo công bố phiếu đánh giá của các thành viên trong Hội đồng tại Hội thảo và kết luận luận án được phép bảo vệ cơ sở tuy nhiên cần phải chỉnh sửa theo ý kiến của các đại biểu, các nhà chuyên gia tại Hội thảo.

 

Ý kiến góp ý: