TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học mở rộng “Báo cáo kết quả thực hiện, thống nhất địa bàn và cam kết của địa phương về triển khai thí điểm mô hình bảo vệ môi trường tại làng nghề truyền thống dân tộc Chăm tại tỉnh Ninh Thuận và tỉnh An Giang”

17/06/2022

Ngày 10/06/2022 tại Thành phố Phan Rang Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận và ngày 14/06/2022 tại Thị xã Tân Châu tỉnh An Giang, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận và Ban dân tộc tỉnh An Giang tổ chức 02 Hội thảo khoa học mở rộng với tiêu đề “Báo cáo kết quả thực hiện, thống nhất địa bàn và cam kết của địa phương về triển khai thí điểm mô hình bảo vệ môi trường tại làng nghề truyền thống dân tộc Chăm”.

Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án BVMT/ĐTCB “Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm” do Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam chủ trì thực hiện, đây là dự án nằm trong Chương trình Bảo vệ Môi trường, điều tra cơ bản của Uỷ Ban dân tộc thực hiện giai đoạn 2020-2022.

Tham dự Hội thảo có trên 60 đại biểu đến từ Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận và An Giang; Lãnh đạo Thị xã Tân Châu, huyện Phước Dân; Phòng Dân tộc các huyện, thị xã trên địa bàn nghiên cứu; Đại diện dự án Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; chính quyền các xã, thị trấn, các Hợp tác xã, khu dân cư, cộng đồng làng nghề và một số cơ quan báo chí, truyền thông của 02 tỉnh.

ThS. Phạm Chí Trung – Chủ nhiệm Dự án trình bày Báo cáo kết quả thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận

Tại Hội thảo, ThS. Phạm Chí Trung - Chủ nhiệm dự án đã báo cáo đánh giá các kết quả nghiên cứu, phân tích hiện trạng môi trường tại các làng nghề, nội dung đề xuất các mô hình thí điểm.

 Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm” được thực hiện gồm các nội dung bao gồm thu thập thông tin về các đề tài, nghiên cứu trước đây có liên quan đến nội dung dự án và thực trạng môi trường tại các làng nghề đồng bào dân tộc Chăm.

Đề xuất giải pháp nhằm cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề đồng bào dân tộc Chăm và mô hình thí điểm phù hợp; tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người dân tộc Chăm về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làng nghề và triển khai xây dựng mô hình thí điểm

Tổ chức hội thảo kết quả của dự án và tổng kết, nghiệm thu dự án.

ThS. Phạm Chí Trung – Chủ nhiệm Dự án trình bày Báo cáo kết quả thực hiện tại tỉnh An Giang

Trên cơ sở các kết quả đánh giá về hiện trạng sản xuất, hiện trạng môi trường, thói quen sinh sống, sản xuất, tập quán văn hoá… đặc điểm của các làng nghề, Dự án đã đề xuất một số giải pháp mô hình thí điểm như: (1) Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất sach hơn tại làng nghề dệt Mỹ Nghiệp, tập trung vào xây dựng giải pháp quản lý nội vi trong sản xuất sạch hơn đối với cơ sở sản xuất và hộ gia đình; (2) Mô hình xử lý tái chế phế thải gốm Bàu Trúc bằng giải pháp đóng gạch Block không nung để giảm bớt khối lượng CTR chôn lấp nhằm tăng cường tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải. (3) Xây dựng mô hình xử lý xử lý rác thực phẩm tại hộ gia đình bằng biện pháp ủ phân vi sinh tại hộ gia đình, phương pháp sử dụng thùng ủ và chế phẩm EM tại làng nghề Chăm Châu Giang.

Hội thảo đã nhận được ý kiến tham luận của đại biểu đến từ Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Văn hoá Thể thao và du lịch, đại diện các tổ chức đang thực hiện thug om, xử lý rác trên địa bàn, đại diện chính quyền các xã, thị trấn, đại diện cộng đồng làng nghề.

Các đại biểu tham dự đã góp ý kiến để gìn giữ, bảo tồn, duy trì làng nghề truyền thống, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, chất thải từ sản xuất, sinh hoạt của làng nghề, giải pháp xây dựng không gian làng nghề, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, đóng góp về các thuận lợi, khó khăn khi triển khai mô hình và cam kết tham gia, phối hợp thực hiện.

Các địa phương cam kết tiếp nhận kết quả đánh giá hiện trạng môi trường làng nghề, tiếp nhận và phối hợp thực hiện các mô hình, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng để và thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nhằm bảo vệ môi trường làng nghề, cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ sức khoẻ người dân và phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch xanh nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập và đời sống các cộng đồng dân tộc Chăm.

Đại diện Ban dân tộc tỉnh An Giang và tỉnh Ninh Thuận đều đánh giá cao ý nghĩa của dự án với cộng đồng người Chăm nói riêng và cả địa phương nói chung. Đồng thời gửi lời cảm ơn đơn vị chủ trì dự án là Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường làng nghề truyền thống đồng bào Chăm.

Ban Dân tộc tỉnh và địa phương cam kết ủng hộ, đồng hành, bố trí nhân lực, hỗ trợ giám sát và theo dõi, đánh giá các mô hình. Từ kết quả trong khuôn khổ dự án, địa phương sẵn sàng nhân rộng và phổ biến tới các cộng đồng khác, góp phần nâng cao chất lượng sống, giá trị văn hoá, tinh hoa làng nghề và xây dựng môi trường bền vững, an toàn, xây dựng cuộc sống xanh trên địa bàn.

ThS Phạm Chí Trung - Chủ nhiệm Dự án đã cảm ơn sự tham gia, góp ý kiến của các đại biểu tham dự và khẳng định sự thành công của Hội thảo. Bên cạnh kết quả các bên thống nhất địa bàn và cam kết triển khai các mô hình, Hội thảo cũng đưa ra một số đánh giá và đề xuất quan trọng đó là:

Chất lượng môi trường nền của các làng nghề vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn theo các tiểu chuẩn, quy chuẩn cho phép;

Các giải pháp thu gom, phân loại và xử lý rác tại địa phương cần có những khu sản xuất tập trung, thu gom, xử lý tập trung mới có thể phát huy hiệu quả;

Giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống phải được coi trọng ngay trong chính môi trường làng nghề.

Phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn gìn giữ và phát huy những nét tinh hoa trong kỹ thuật sản xuất của làng nghề;

Môi trường sống làng nghề cần được cải thiện phục vụ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn nghề truyền thống;

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức, thay đổi thói quen trong sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường bằng những hình thức và cách thực hiện phù hợp với tập quán sinh hoạt và văn hoá của đồng bào;

Bên cạnh hỗ trợ vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, đồng hành với cộng đồng thực hiện các mô hình thí điểm, dự án cần kiến nghị các đề xuất để hoàn thiện chính sách đối với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển các cộng đồng dân tộc thiểu số và bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Men Pholly – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang phát biểu tại Hội thảo

Ông Bá Bình Yên – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận phát biểu Tổng kết Hội thảo

Bà Phạm Thị Thanh Hường– Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL tỉnh Ninh Thuận phát biểu

Ông Gio Sa Ly – Phó trưởng ban ĐD cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang phát biểu

Bà Đàng Sinh Ái Chi- Phó Chủ tịch UBND TT Phước Dân, huyện Ninh Phước phát biểu

Ông Nguyễn Văn To– Phó CT UBND xã Châu Phong TX Tân Châu phát biểu tại Hội thảo

Đại biểu làng nghề phát biểu tại Hội thảo

Đại biểu dự Hội thảo tại An Giang

Đại biểu dự Hội thảo tại Ninh Thuận

P.C.T

Ý kiến góp ý: