Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 71 năm, ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam
29/08/2016Sáng 26/8, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức hội thảo khoa học: “Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp”. Hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ; các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trong ngành thủy lợi và lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ và Tổng cục Thủy lợi. Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thắng chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học trình bày 06 báo cáo khoa học chuyên đề: (1) Thuỷ lợi Việt Nam ứng phó với Biến đổi khí hậu, phục vụ Tái cơ cấu nông nghiệp; (2) Công tác PCTT trước thách thức của Biến đổi khí hậu và yêu cầu tái cơ cấu; (3) KHCN thuỷ lợi phục vụ tái cơ cấu ngành và ứng phó với Biến đổi khí hậu; (4) Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu ngành và ứng phó với Biến đổi khí hậu; (5) Hội Thuỷ lợi Việt Nam với tái cơ cấu nông nghiệp và PTNT và (6) Tác động của Biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt của Việt Nam và các giải pháp ứng phó. Tiếp đó, các đồng chí: Vũ Mão (nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Chủ nhiệm VPQH, nguyên Chủ nhiệm UBKHCN của Quốc hội), Lê Huy Ngọ (nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT), Phan Sỹ Kỳ (nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi), Nguyễn Ty Niên (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCLB) và nhiều đồng chí cán bộ lão thành, các nhà khoa học hàng đầu của ngành thuỷ lợi chia sẻ kinh nghiệm quản lý, kết quả ứng dụng KHCN trong công tác thủy lợi, đê điều, PCTT. Các ý kiến đều tập trung cho rằng, đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, ngành thuỷ lợi đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã phục vụ đắc lực cho ngành và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển KTXH của quốc gia; bên cạnh đó, các ý kiến cũng còn nhiều trăn trở và cho rằng tái cơ cấu ngành thuỷ lợi phải đi trước một bước để tạo nền tảng, tạo cơ sở cho nông nghiệp và các ngành nghề khác phát triển; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước và… ngành thuỷ lợi cần sớm chuyển đổi từ cơ chế “phục vụ” sang cơ chế “dịch vụ” để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội... Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Trước thách thức của Biến đổi khí hâu và yêu cầu trong thời gian qua, Tổng cục Thủy lợi; Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng toàn ngành đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện tổ chức bộ máy; hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản trị nước, trong đó quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước, tuân thủ quản lý thống nhất theo lưu vực sông theo hướng phối hợp liên ngành. Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi và tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó từng bước chuyển hoạt động quản lý khai thác, xây dựng cơ sở hạ tầng theo cơ chế thị trường và thúc đẩy sự tham gia của người sử dụng nước và sự tham gia của khu vực tư nhân. Về Phòng chống thiên tai: Tiếp tục đi vào chiều sâu thực hiện thể chế tốt cho PCTT, trong đó lồng ghép PCTT vào hoạt động của các cấp, các ngành, thông qua xây dựng kế hoạch PCTT các cấp, tiếp tục triển khai quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế tiếp cận nhanh nhất tới các tiến bộ KHCN của Thế giới; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; chỉ đạo tập trung giải quyết việc tổ chức lại quản lý tưới cho vùng thường xuyên khô hạn (ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, bao gồm cả vấn đề bảo vệ rừng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại quản lý tưới trong đó có sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ, sử dụng nước ngầm ); tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của phát triển và BĐKH tới vùng đồng bằng; triển khai kế hoạch quản lý lũ tổng hợp cho các lưu vực sông, hợp tác với chuyên gia Nhật Bản; Kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ, bảo vệ bờ biển miền Trung, ĐBSCL; Kế hoạch phòng chống bão lớn, siêu bão và đang trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng kế hoạch phòng chống lũ quét, sạt lở đất cho miền núi,… Giải quyết bài toán phát triển bền vững cho ngành Thủy lợi (Bảo vệ tốt CTTL, giảm nguy cơ gia tăng thiên tai, bền vững về tài chính) cần rất nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, xây dựng nguồn nhân lực, thúc đẩy cơ sở hạ tầng, trong đó Khoa học công nghệ (bao gồm cả khoa học quản lý, kinh tế và kỹ thuật) là vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu tại Hội thảo
Theo tongcucthuyloi.vn
Ý kiến góp ý: