Hội thảo khoa học về Giải pháp thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ven biển Đồng bằng sông Cửu Long
13/06/2016Trong khuôn khổ thực hiện cụm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về lĩnh vực thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản (giai đoạn 2013-2016), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Thủy lợi thực hiện 3 đề tài cấp Bộ có liên quan.
Đến nay, các nội dung cơ bản của các đề tài cấp Bộ nói trên đã được các đơn vị chủ trì đề tài hoàn thành. Ngày 11/6/2016 Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường -Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Thủy lợi tổ chức hội thảo khoa học để báo cáo các kết quả nghiên cứu chính đã thực hiện của các đề tài đến thời điểm 6/2016. Hội thảo được tổ chức tại hội trường Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; GS.TS. Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đăng Tính, Phó Giám đốc Cơ sở 2 Trường Đại học Thủy lợi đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có trên 50 đại biểu đến từ: Vụ Khoa học, Công nghệ và môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh ven biển phía Nam (TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau...), lãnh đạo và cán bộ khoa học thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Kỹ thuật Biển, Cơ sở 2 Trường Đại học Thủy lợi, Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Phân Viện Quy hoạch Thủy sản phía Nam, Phân Viện nghiên cứu Thủy sản Minh Hải, Viện Đổi mới Công nghệ Thủy lợi Mekong) và các nhà quản lý, cán bộ khoa học quan tâm khác. PGS.TS. Đinh Vũ Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phát biểu khai mạc hội thảo. Hội thảo đã nghe 5 báo cáo khoa học: - Hiện trạng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ĐBSCL (ThS. Nguyễn Văn Lân, Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM); - Giới thiệu một số công nghệ cấp nước nuôi tôm vùng ven biển từ Sóc Trăng đến Kiên Giang (PGS.TS. Phạm Văn Song, Cơ sở 2 Đại học Thủy lợi); - Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thủy lợi cấp, thoát và xử lý nước phục vụ nuôi tôm ven biển ĐBSCL và một số ví dụ tính toán thiết kế (TS. Nguyễn Phú Quỳnh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam); - Đánh giá chất lượng nước vùng cửa sông ven biển từ Vũng Tàu tới Trà Vinh phục vụ yêu cầu phát triển thủy sản (PGS.TS. Lương Văn Thanh, Viện Kỹ thuật Biển); - Nghiên cứu xây dựng mô hình thử nghiệm xử lý cung cấp nước nuôi tôm công nghiệp tại khu Nam Quốc lộ 1A (Bạc Liêu) (ThS. Cao Văn Chan, Viện Đổi mới công nghệ Thủy lợi Mekong). Các đại biểu dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận những vấn đề trọng tâm: + Công trình cấp, thoát: cần bố trí riêng biệt ở cấp độ nhất định, tính toán cụ thể cấp, thoát theo thời gian; + Quy hoạch các loại hình nuôi trồng thủy sản phù hợp với đặc điểm nguồn nước (mặn, lợ) của các vùng; + Tính toán điều chỉnh độ mặn phù hợp với nuôi trồng cụ thể và các giải pháp công trình kèm theo; + Quan tâm đặc biệt đến sức tải của môi trường trong nuôi trồng thủy sản; + Tỷ lệ nuôi tôm thâm canh (trước đây gọi là nuôi tôm công nghiệp) hợp lý/tổng số diện tích nuôi trồng; + Lượng nước thải ra môi trường của mô hình nuôi tôm thâm canh là khá lớn, cần quan tâm công nghệ xử lý lượng nước thải này; + Ủng hộ ý tưởng chuyển nước ngọt từ vùng Bắc QL1 về Nam QL1 ở Bạc Liêu để phục vụ sản xuất, trong đó có nuôi trồng thủy sản; + Với đối tượng phục vụ là các hộ nông dân nuôi trồng nhỏ, Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật cần được biên soạn dễ hiểu để dễ phổ biến. Theo siwrr.org.vn
Ý kiến góp ý: