TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khoa học: Ý tưởng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công

13/12/2010

Thực hiện Chiến lược phát triển Thuỷ lợi đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9 tháng 10 năm 2009, sáng qua 9/10/2010, Hội Thuỷ lợi Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam và Trường Đại học Thuỷ lợi đã tổ chức Hội thảo khoa học về ý tưởng Dự án tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công tai Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam.

Đến dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý thuỷ lợi, các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư  và đông đảo cán bộ khoa học thuỷ lợi đang hoạt động ở nhiều cơ quan nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực thuỷ lợi.  GS. TS. Đào Xuân Học - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chủ trì hội thảo.

 

Các báo cáo tại hội nghị đã nêu rõ: Khu vực thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng Tháp Mười thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ và hệ thống sông Đồng Nai nói chung là vùng đất trũng thấp, khó tiêu thoát nước. Đặc biệt, khu vực thành phố Hồ Chí Minh nằm ở vùng cửa nhiều con sông lớn, sát với biển nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những biến động dòng chảy trên sông và dòng triều trên biển. Vùng Đồng Tháp Mười đang có xu hướng ngập lũ trong nội đồng ngày càng gia tăng; mặt khác, do tác động của nước biển dâng và sự gia tăng của động năng dòng triều nên việc tiêu thoát ra hướng sông Vàm Cỏ ngày càng khó khăn…Bởi vậy, phương án xây dựng tuyến đê biển Vũng Tàu – Gò Công đang được coi  là một ý tưởng tích cực, táo bạo.Với mục tiêu của dự án mà các chuyên gia đề xuất là: Chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phòng chống thiên tai và các tác động từ biển; phát triển giao thông, du lịch, mở rộng các khu đô thị mới.v.v.nội dung của dự án là: Xây dựng tuyến đê biển từ Vũng Tàu đến Gò Công dài 32 km mặt cắt đê 50m và một số công trình kiểm soát triều, thoát lũ, phục vụ giao thông thuỷ…Sau khi xây dựng tuyến đê sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000 héc-ta chưa kể diện tích bán ngập, dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m3 nước, hình thành trục giao thông thuận lợi nối Vũng Tàu với miền Tây…

 

Tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu tỏ rõ chính kiến của mình, chỉ rõ những tác động tích cực của dự án như: Tác dụng chống lũ, chống ngập lụt, kiểm soát mặn, tạo ra trục giao thông thuận lợi kết nối các vùng trong khu vực, sử dụng năng lượng thuỷ triều, giảm kinh phí đầu tư xây hệ thống đê và các cống lớn trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trong vùng.v.v.Chính vì những tác động tích cực của dự án nên hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều hoan nghênh, đồng tình ủng hộ ý tưởng dự án và mong muốn ý tưởng dự án sớm được triển khai, nghiên cứu kịp thời.Tuy nhiên, một số nhà khoa học, chuyên gia cũng đưa ra những vấn đề cần xem xét kỹ trong quá trình  lập dự án như: vấn đề bảo vệ môi trường, giao thông thuỷ, tác động đến dân sinh kinh tế…đặc biệt là đánh giá môi trường chiến lược, nghiên cứu lựa chọn bước đi thích hợp.

Theo Hà Quang - Hội Thủy lợi

Ý kiến góp ý: