Hội thảo khởi động đề tài
28/02/2014Trong khuôn khổ Đề tài cấp Nhà nước "Đánh giá xói lở, bồi tụ khu vực cửa sông, ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa", sáng ngày 26/2/2014 tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khởi động và đi thực địa từ ngày 26-28/2014.
Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Ban Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Công nghệ Vũ trụ, Cục Viễn Thám Quốc gia, đại diện lãnh đạo và cán bộ phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học Sông Biển, đại diện lãnh đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão của 02 địa phương Hải Phòng và Thanh Hóa và các nhà khoa học đến từ JAXA và Đại học Tokyo - Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam mong muốn với sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản sẽ giúp các nhà khoa học của Viện có thể nhìn nhận vấn đề về xói lở, bồi tụ khu vực cửa sông , ven biển rõ hơn và thông qua Hội thảo này các đại biểu có thể chia sẻ các thông tin về dự án và bàn bạc công việc trong thời gian tới.
Chuyên gia Tomoyuki Nukui - Trung tâm JAXA - Nhật Bản đã mở đầu Hội thảo với những thông tin giới thiệu chung về JAXA và trình bày về APRSAF - diễn đàn về vùng không gian Châu Á - Thái Bình Dương như khung hợp tác vùng một cách cởi mở, hoạt động tự nguyện và hợp tác, hợp tác giải quyết vấn đề từng vùng. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng giới thiệu về SAFE Prototype (SAFE) - chương trình nâng cao năng lực công nghệ viễn thám Thái Bình Dương: thực hiện SAFE, tìm giải pháp khả thi nhằm phát triển những công việc hợp tác trong 02 năm tiếp theo như chương trình SAFE có 03 giá trị chính đó là thông tin dữ liệu về viễn thám; các công nghệ cao, các tin tức khoa học về phát triển công nghệ viễn thám; các hoạt động đào tạo chuyển giao các kết quả về SAFE.
Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trình bày báo cáo tham luận đánh giá xói lở và bồi tụ cửa sông ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa và báo cáo của TS. Yoshimitsu Tajma - Đại học Tokyo về mô hình mẫu khu vực ven biển Bangladesh và Sri Lanka.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các nguyên nhân gây ra xói lở, bồi tụ khu vực cửa sông, ven biển và đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục tình hình sạt lở.
Chi Cục trưởng Chi Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa cho biết: Qua việc theo dõi tình hình sạt lở bờ sông của tỉnh Thanh Hóa cho thấy có 03 nguyên nhân chính diễn ra tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở của tỉnh là do dòng chảy ven bờ, gió mùa và tốc độ sạt lở ngày một diễn ra nhanh. Đại biểu mong muốn trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà khoa học của Viện cũng như Nhật Bản có thể đưa ra dự báo về tốc độ sạt lở, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục và giảm bớt tình trạng sạt lở đang diễn ra tại tỉnh.
Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hải Phòng đánh giá rất cao báo cáo tham luận của các báo cáo viên. Theo Phó Chi Cục trưởng, theo tài liệu thống kê trong khoảng 20-30 năm trở lại đây cho thấy, bờ sông bị xói lở mạnh và đang tiếp tục xói và bồi mạnh, nguyên nhân chính là do bồi, xói theo mùa của năm. Đại biểu mong muốn mục tiêu và kết quả sẽ khẳng định được nguyên nhân bồi, xói và tính ổn định của vùng bãi bồi, đưa ra các giải pháp bảo vệ kè bờ và bảo vệ khu vực phát triển của tỉnh.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Viện ứng dụng 02 tỉnh Thanh Hóa và Hải Phòng vì 02 vùng này có địa hình và đặc thù hình thái khác nhau. Viện là một cơ quan đầu ngành về vấn đề dự báo xói lở và xâm nhập mặn, Viện mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ Viện về vấn đề kỹ thuật trong tương lai và hỗ trợ 02 địa phương trong việc đưa ra giải pháp ngăn ngừa xói lở và bồi tụ. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm của Viện sẽ tiếp thu, sửa lại theo những ý kiến góp ý tại Hội nghị này và tập trung nghiên cứu các vấn đề về hình thái, tài liệu quá khứ, tài liệu hiện tại và tương lai để có thể đưa ra những phân tích, đánh giá nguyên nhân rõ nét hơn và có giải pháp tốt hơn, đạt kết quả chính xác hơn. Cuối cùng, Giám đốc hứa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sẽ cam kết tham gia vào dự án SAFE và sẽ làm việc với các Bộ ngành, địa phương liên quan về việc tham gia vào dự án SAFE.
Ý kiến góp ý: