Hội thảo khởi động đề tài TN3/T30 thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KHCN-TN3/11-15
10/12/2014Ngày 09/12/2014, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khởi động nằm trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển bền vững tài nguyên nước vùng Tây Nguyên" thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KHCN-TN3/11-15 do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện.
Với vai trò, nhiệm vụ chính trong phát triển nông nghiệp, giảm nhẹ thiên tai và cung cấp nhu cầu nước sinh hoạt thiết yếu của người dân, qua nhiều năm các công trình thủy lợi, hồ chứa ở Tây Nguyên đã đáp ứng một phần yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế của vùng và phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân và là cơ sở hạ tẩng quan trọng, không thể thiếu trong các kế hoạch phát triển dài hạn. Tuy nhiên, do tình trạng biến đổi khí hậu, nắng nóng tăng mạnh, độ ẩm không khí đạt thấp và lượng bốc hơi tăng trong khi các trận mưa thưa và lượng mưa không lớn, thời gian nắng dài làm cho mực nước ngầm tụt thấp, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, sự tác động của các công trình trái với quy luật tự nhiên, nạn chặt phá rừng đầu nguồn, cơ chế trong công tác quản lý vận hành còn hạn chế và chưa phù hợp, ý thức sử dụng tiết kiệm nước... khiến cho hiện nay hầu hết các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong vùng chỉ đạt dung tích nhỏ hơn nhiều so với năng lực thiết kế, nhiều hồ nhỏ đã cạn trơ đáy hoặc xuống đến mức nước chết và không còn khả năng tưới dẫn đến nhiều cây trồng bị thiếu nước tưới, nhân dân thiếu nước sinh hoạt. Để chống hạn và hỗ trợ sản xuất, các ngành chức năng và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này nhưng do nhu cầu nước ngày càng tăng, mùa mưa kết thúc sớm và lượng mưa thấp nên nhiều hồ chứa thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ mực nước đã xuống dưới mực nước chết. Do vậy việc nâng cao năng lực các hồ chứa vừa và nhỏ ở Tây Nguyên là một trong những nhiệm vụ quan trọng làm tiền đề cho sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội của vùng Tây Nguyên là một trong những nhiệm vụ mà Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 rất quan tâm.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ, Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, Hội Thủy lợi Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tạp chí Tài nguyên nước. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đại diện lãnh đạo và cán bộ Ban Kế hoạch Tổng hợp, Viện Thủy công, Viện Bơm và Thiết Bị Thủy lợi.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ trì Hội thảo nhấn mạnh: Đây là hội thảo khởi động của Đề tài trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xa hội vùng Tây Nguyên và hội thảo tập trung vào 2 vấn đề chính: đánh giá hiện trạng hồ chứa vừa và nhỏ ở Tây Nguyên cả năng lực cấp nước, kỹ thuật, chất lượng công trình và đề xuất giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, đặc biệt cho mùa khô hạn. Chủ trì Hội thảo mong muốn sẽ được nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học để giúp cho các kết quả của đề tài đóng góp có hiệu quả và thiết thực vào thực tế và mong muốn nhận được sự hợp tác và phối hợp trong hoạt đông nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của các đơn vị ngoài Viện và các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các diễn giả trình bày các báo cáo thành phần của đề tài về nội dung và kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài như (1) Hiện trạng hồ chứa và và nhỏ ở Tây Nguyên, một số hoạt động nghiên cứu của Đề tài; (2) Vấn đề vật liệu đất đắp trong xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, nâng cao năng lực hồ chứa vừa vàn hỏ ở Tây Nguyên; (3) Khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất từ nguồn nước vừa và nhỏ khu vực Tây Nguyên; (4) Báo cáo tham luận hiện trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ tỉnh Đắk Nông.
Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đều cho rằng đây là đề tài lớn, có giá trị. Do đây là hội thảo giới thiệu kết quả bước đầu đạt được của Đề tài nên tuy có rất nhiều giải pháp được các diễn giả đưa ra nhưng kết quả đạt được theo các đại biểu mới chỉ đạt ở mức khiêm tốn, đề tài cần bổ sung thêm một số giải pháp khác hiệu quả hơn, đơn giản hơn và có tính khả thi, các giải pháp cần có đánh giá chi tiết về hiệu quả đầu tư và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt ưu tiên giải pháp về nguồn nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã cùng nhau trao đổi thảo luận và đóng góp rất nhiều ý kiến giúp cho Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện thêm báo cáo của mình như bổ sung báo cáo tổng thể minh họa mục tiêu và nội dung nghiên cứu của Đề tài; bổ sung thêm một số giải pháp như tài chính, phổ biến truyền thông, nâng cao ý thức người dân và cơ chế chính sách; bổ sung các dẫn chứng và số liệu cụ thể về thấm và đo; cập nhật số liệu đầy đủ, chi tiết và thống nhất trong từng báo cáo và trích dẫn nguồn; thu thập các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành am hiểu sâu về hồ chứa và Tây Nguyên.....
Kết luận tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa khẳng định đây là đề tài lớn, là một trong nhiều đề tài quan trọng trong Chương tình Tây Nguyên 3. Đây là cơ sở khoa học giúp cho việc quản lý sử dụng khai thác bền vững tài nguyên nước vùng Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng như các kết quả nghiên cứu tương tự về tài nguyên nước chính là cơ sở khoa học quan trọng cho vấn đề tái cơ cấu ngành, phục vụ cho nông thôn mới và tam nông. Các báo cáo tại Hội thảo đã cung cấp cho các đại biểu chi tiết về thực trạng và tình hình hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ trên các tỉnh Tây Nguyên đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất .Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến quý báu và có giá trị của các đại biểu cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Ban chủ nhiệm đề tài. Chủ trì Hội thảo yêu cầu Ban chủ nhiệm Đề tài bám sát đề cương nghiên cứu; xác định rõ chiến lược của vấn đề nghiên cứu; nêu bật tầm quan trọng và ý nghĩa khoa học cũng như ý nghĩa thực tiễn của đề tài; cần làm rõ hơn nội dung và các giải pháp đưa ra; phân tích hiệu quả cho từng giải pháp và sắp xếp thứ tự ưu tiên làm cơ sở cho lựa chọn các giải pháp hợp lý, áp dụng vào thực tiễn tốt hơn; phân tích đầy đủ và chính xác hơn những nguyên nhân về kỹ thuật, khách quan, chủ quan, cơ chế chính sách để đề tài thực sự đi vào cuộc sống; tham khảo ý kiến khoa học của các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đề tài khác trong Chương trình Tây Nguyên 3 tạo tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề tài nguyên nước cho vùng Tây Nguyên; bổ sung thêm nội dung mang tầm chiến lược cho vùng Tây Nguyên và các giải pháp đưa ra cần có tính khả thi và phục vụ trực tiếp cho sản xuất và bổ sung theo các ý kiến đóng góp của các đại biểu có mặt tại Hội thảo.
Ý kiến góp ý: