TextBody
Huy chương 2

Hội thảo khởi động Dự án NEWS thí điểm tại tỉnh Ninh Thuận

25/01/2018

Ngày 23/1/2018, tại Hà Nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường và Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Tăng cường hệ thống thông tin khí hậu nông nghiệp nhăm phát triển hệ thống giám sát và cảnh báo sớm hạn nông nghiệp tại Việt Nam (NEWS), thí điểm tại Ninh Thuận (TCP/VIE/3603) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đại diện Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Tổng Cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Cục Trồng trọt, Vụ Hợp tác Quốc tế, Ban CPO Thủy lợi, Ban CPO Nông nghiệp; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện tỉnh Ninh Thuận; đại diện các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Tổ chức Quốc tế.

Về phía nhà tài trợ FAO có Ông Pawin Padungtod - Đại diện FAO tại Việt Nam và các chuyên gia của FAO.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện; đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch Tổng hợp; đại diện lãnh đạo và các cán bộ kỹ thuật của Dự án thuộc Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt đã gửi lời cảm ơn đến Tổ chức FAO đã tài trợ, hỗ trợ Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện Dự án.

Giám đốc Viện đã đề cập đến những thiệt hại to lớn do hạn hán gây ra từ năm 2014 đến giữa năm 2016 ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Miền Nam Việt Nam và cho rằng ngành nông nghiệp là ngành dễ tổn thương nhất bởi hạn hán.

Đã có nhiều biện pháp ứng phó với hạn hán đã được thực hiện ở cấp quốc gia và các địa phương tuy nhiên việc thiếu các công cụ giám sát hạn hán thích hợp và cơ chế cảnh báo sớm cũng như hạn chế về năng lực trong dự báo hạn ngắn và hạn dài dẫn đến Chính phủ không thể phân bổ hiệu quả các nguồn lực vật chất và tính chính đến nơi cần thiết. Thay đổi từ cách tiếp cận ứng phó và quản lý khủng hoảng sang chủ động tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro cho công tác quản lý hạn hán đòi hỏi phải áp dụng các chính sách quản lý rủi ro và sắp xếp thể chế phù hợp phát triển năng lực lập kế hoạch và quản lý, Giám đốc Viện biết thêm.

Trước bối cảnh đó FAO và Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã hợp tác để xác định các chỉ số hạn hán có thể được áp dụng nhằm giám sát và cảnh báo sớm hạn hán ở Việt Nam. Hệ thống chỉ số căng thẳng nông nghiệp phát triển bởi FAO đã được chọn là cơ sở cho việc phát triển ASIS ở cấp độ Quốc gia tại Việt Nam. Việc phát triển này đã được hiện thực hóa bằng dự án “Tăng cường hệ thống thông tin khí hậu nông nghiệp nhăm phát triển hệ thống giám sát và cảnh báo sớm hạn nông nghiệp tại Việt Nam (NEWS), thí điểm tại Ninh Thuận (TCP/VIE/3603)” do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyêt.

“Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường và Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo khởi động dự án với mục đích chia sẻ các thông tin của Dự án và trao đổi thảo luận về các kết quả dự kiến cũng như kế hoạch thực hiện Dự án trong thời gian tới”, Giám đốc Viện nói.

Với thời gian thực hiện 18 tháng, Dự án NEWS, thí điểm tại Ninh Thuận dưới sự tài trợ và hỗ trợ của FAO đặt ra mục tiêu đó là xây dựng hệ thống giám sát hạn nông nghiệp dựa trên số liệu viễn thám; Dự báo diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn với các cấp độ có thể xảy ra và năng suất ước tính trong khoảng thời gian 1 đến 2 tháng trước khi thu hoạch; Nghiên cứu phát hiện hạn sớm dựa trên mối quan hệ giữa El Nino và mực nước hồ chứa, các chỉ số thảm thực vật; Tích hợp hệ thống ASIS vào việc vận hành hệ thống thủy lợi tại địa phương; So sánh việc vận hành hệ thống với số liệu METOP và MODIS trên nền ASIS; Xây dựng kế hoạch quản lý hạn cấp tỉnh với các chiến dịch hành động giảm thiểu hạn hán; Đề xuất kỹ thuật, hướng dẫn và các bài học thực tiễn rút ra từ mô hình hệ thống thí điểm, nâng cấp hệ thống lên cấp độ quốc gia; Bổ sung cho các hệ thống thông tin hạn hiện có tại Việt Nam.

Dự kiến các kết quả đạt được của dự án bao gồm đánh giá tổng quan đặc tính hạn hán và bối cảnh kinh tế xã hội tại cấp huyện ở tỉnh Ninh Thuận; Hiệu chỉnh và triển khai sử dụng công cụ web GIS cho module ASIS độc lập cho tỉnh Ninh Thuận; Chiến lược nâng cấp hệ thống thử nghiệm lên cấp quốc gia.

Tại Hội thảo khởi động Dự án, các đại biểu đã được nghe các diễn giả đến từ Tổng cục Thủy lợi; Viện Nước, Tưới tiêu Môi trường và nhóm kỹ thuật Dự án trình bày về thực trạng hạn hán ở Việt Nam và các vấn đề cần quan tâm giải quyết; Giới thiệu Dự án NEWS thí điểm tại Ninh Thuận; những phát hiện từ báo cáo khởi đầu…

TS. Nguyễn Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng Công trình - Tổng cục Thủy lợi điều hành Hội thảo

Đại diện Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường giới thiệu Dự án NEWS, thí điểm tại Ninh Thuận 

Ý kiến góp ý: