Hội thảo Lồng ghép thích ứng với thiên tai vào trong thiết kế các công trình thủy lợi
06/05/2013Ngày 03/5/2013, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế đã tổ chức Hội thảo cuối kỳ nằm trong khuôn khổ dự án "Lồng ghép thích ứng với thiên tai vào trong thiết kế các công trình thủy lợi" thực hiện từ tháng 08/2012 đến 04/2013. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đại diện ngân hàng thế giới (WB), đại diện Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam và các nhà khoa học và chuyên gia trong việc cập nhật sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Việt Nam là quốc gia thường xuyên phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai. Nông nghiệp là ngành quan trọng của Việt Nam nhưng nó lại chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khó đoán trước. Thiệt hại trong ngành nông nghiệp chiếm 8,0% tổng thiệt hại trong các đợt lũ. Do đó, việc tăng khả năng chống chịu của công trình thủy lợi được Chính phủ quan tâm. Với mục đích đánh giá các loại và mức độ thiệt hại của công trình thủy lợi, xác định các giải pháp tăng khả năng chống chịu của công trình, đưa ra khuyến nghị sửa đổi tiêu chuẩn thiết kế, nhóm thực hiện đã tiến hành nghiên cứu thí điểm một số tỉnh như Thái Nguyên, Quảng Nam, An Giang. Sau khi tiến hành đi thực địa để đánh giá thiệt hại và đề xuất giải pháp, nhóm nghiên cứu đã rút ra kết luận như: Loại hình và mức độ thiệt hại của công trình phụ thuộc vào các điều kiện cơ lý tổng thể tại khu vực công trình; các công trình khác nhau chịu phá hủy khác nhau tùy vào bản chất và mức độ tải trọng tác động lên; tính toán chính xác tất cả các loại tải trọng là một việc quan trọng để tăng tính chống chịu của công trình, tuy nhiên việc này lại không dễ dàng; cũng cần đánh giá khả năng chống chịu của công trình để tránh các thiếu sót trong thiết kế. Thường xuyên theo dõi và đánh giá cũng như bảo dưỡng công trình để duy trì hiện trạng công trình và tránh những thiệt hại không lường trước. Thêm vào đó, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện địa lý tương tự với Việt Nam; từ Dự án VWRAP và NDRMP do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ; kinh nghiệm thực tiễn từ cán bộ địa phương, các hội thảo tham vấn, trao đổi học thuật, nhóm nghiên cứu cũng đã rà soát các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cũ và mới ban hành và đã đưa ra một số kiến nghị sửa đổi một số tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn QCVN04-05:2012; TCVN4118:2012; QP.TL.C-6-77 như: - Đối với QCVN04-05 nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị: Phân biệt hệ thống tưới, tiêu vì chúng có mức độ tổn thương khác nhau; đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các chỉ số theo diện tích và kích cỡ; đơn giản hóa các tiêu chuẩn bằng các loại bỏ các yếu tố sẽ ước tính; tăng cấp chi phí thiệt hại cho loại công trình quan trọng hơn. - Đối với TCVN4118:2012, nhóm đưa ra khuyến nghị đó là thiết lập càng nhiều quy định mang tính định hình càng tốt, từ việc phân khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai đến việc xác định các hạng mục dễ bị tổn thương; tăng cấp các công trình/hạng mục dễ bị tổn thương. - Đối với quy phạm QP.TL.C-6.77: Phát triển các mô hình thống kê để dự báo các biến cố cực đoan nhằm giảm thiểu các yếu tố bất định trong tính toán không lường trước được; thay thế mô hình với các thông số dựa theo địa lý bằng mô hình có các thông số dựa trên đặc tính vật lý để hỗ trợ cho việc hiệu chỉnh và mở rộng khả năng ứng dụng mô hình. Ngoài việc khuyến nghị sửa đổi tiêu chuẩn, nhóm thực hiện còn dựa trên thực trạng theo dõi số liệu cũng như sử dụng thông tin để đưa ra một số khuyến nghị: Thiết lập cơ sở dữ liệu toàn diện để theo dõi; Thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực để đảm bảo chất lượng số liệu được theo dõi; Ban hành các chính sách có liên quan tới quy định về nhân lực, tài chính, pháp lý... để theo dõi số liệu; Thực hiện việc cải cách thể chế về quản lý dữ liệu theo sơ đồ mà nhóm thực hiện đã miêu tả kèm theo báo cáo. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các ý kiến khác nhau xoay quanh các sự cố gây thiệt hại như nguyên nhân, cơ chế, loại, mức độ; đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình cho các loại thiệt hại; đề xuất các kế hoạch hành động và hoàn thiện tiêu chuẩn thiết kế cần sửa đổi.
Ý kiến góp ý: