Hội thảo mô hình quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và phương thức hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi
20/09/2018Nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, đề xuất mô hình quản lý, khai thác và phương thức hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để thực thi Luật Thủy lợi, ngày 19/8 tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo “Mô hình quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và phương thức hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi”.
Tham dự Hội thảo có Ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ông Hoàng Văn Phức - Cục Tài chính Doanh nghiệp - Bộ Tài chính; đại diện các Cục, Vụ thuộc Tổng cục Thủy lợi, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy lợi, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi đại diện cho một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Ban Kế hoạch Tổng hợp; đại diện lãnh đạo và các cán bộ khoa học của Trung tâm Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân. Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện cho rằng Luật Thủy lợi ra đời đã làm thay đổi vị thế của Ngành Thủy lợi và quan trọng hơn nhiều đối với diễn biến có phần cực đoan trong thời gian gần đây của thời tiết. Công tác nghiên cứu của Viện trong những năm gần đây đó là tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn những vấn đề liên quan đế thể chế chính sách, quản lý tưới, luật thủy lợi. Đặc biệt, Viện cùng tham gia với Bộ xây dựng Luật Thủy lợi trong đó có thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và đây là 02 yếu tố quan trọng. Qua các bài trình bày cuả các đề tài, nghiên cứu của Viện; các bài học kinh nghiệm của các địa phương sẽ giúp đơn vị tổ chức Hội thảo có được bức tranh tổng thể những vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức thủy lợi cơ sở; cơ sở để các thủy lợi cơ sở có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước; cơ chế cấp phát thủy lợi phí; mối quan hệ giữa các tổ chức thủy lợi cơ sở với các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị liên quan… PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện mong muốn các đại biểu có mặt tại Hội thảo cùng tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và trên cơ sở đó, Viện sẽ tổng hợp các ý kiến để đề xuất tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính để xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các thủy lợi cơ sở. Báo cáo về thực trạng và đề xuất mô hình, cơ chế hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở, ThS. Trần Việt Dũng - Trung tâm Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân cho biết mặc dù có rất nhiều loại hình với tên gọi khác nhau tham gia quản lý hệ thống thủy lợi nội đồng nhưng xét trên phương thức tham gia đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước cho hệ thống công trình thủy lợi nội đồng bao gồm 02 loại hình chính đó là tổ chức thực hiện quản lý công trình thủy lợi có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước và tổ chức thực hiện quản lý công trình thủy lợi không có nguồn gốc Nhà nước. Theo Ông Trần Việt Dũng, một số điểm mấu chốt về công tác quản lý thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là sự hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò quan trọng, tạo nguồn thu ổn định cho một số tổ chức dùng nước thực hiện quản lý, vận hành công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư và hiệu quả hoạt động của tổ chức dùng nước phụ thuộc vào cách hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, ở những tổ chức không được sự hỗ trợ của Nhà nước, vai trò cấp thôn xóm trong quản lý vận hành, duy tu nạo vét phần nội thôn, mặt ruộng hoặc toàn bộ kênh mương sau cống đầu kênh là rất lớn. Khi người dùng nước sẵn sàng trả chi phí dịch vụ cho đơn vị cung cấp dịch vụ thì tổ chức hoạt động tương đối hiệu quả nhưng ở những tổ chức này vẫn thiếu vai trò của người dân trong giám sát chất lượng dịch vụ, giám sát hoạt động của tổ chức. Các mô hình được đề xuất đáp ứng đầy đủ sự tham gia của người dùng nước. Tuy nhiên, người dùng nước sẽ quyết định đến việc thành lập các tổ chức thủy lợi cơ sở. Do vậy, Ông Trần Việt Dũng cho rằng đối với những vùng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cần bắt buộc toàn bộ hộ sử dụng nước tham gia tổ chức thủy lợi cơ sở và đối với những vùng Nhà nước không hỗ trợ cần tuyên truyền khuyến khích người dân thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở để lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hoặc Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần để khuyến khích phát triển các tổ chức thủy lợi cơ sở. Nói về các vùng phù hợp với các mô hình, Ông Trần Việt Dũng cho biết: Đối với Đồng bằng sông Cửu Long thành lập mới tổ chức thủy lợi cơ sở, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác thuê hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ. Các tỉnh đông nam Bộ, duyên hải miền Trung, tây Nguyên và đồng bằng sông Hồng thành lập lại theo phương thức 100% thành viên hợp tác xã hoặc thành lập mới hợp tác xã dùng nước với 100% người dùng nước là thành viên. Các vùng miền núi phía Bắc cần chuyển đổi thành mô hình tổ hợp tác và khi đủ cơ sở sẽ chuyển thành hợp tác xã hoặc huyện, xã tổ chức đặt hàng, đấu thầu dịch vụ với doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi. Toàn cảnh Hội thảo Chia sẻ bài học kinh nghiệm phát triển tổ chức thủy lợi cơ sở thuộc hệ thống công trình thủy lợi Nam Nghệ An, Đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Nghệ An cho rằng ý thức của người nông dân, người sử dụng nước là yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất để đảm bảo cho thủy lợi cơ sở phát huy được hiệu quả cao. Đặc biệt, từ năm 2010, Trung tâm Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã hỗ trợ Công ty thực hiện thí điểm dự án PIM tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và sau khi thí điểm, ý thức của người dân về việc sử dụng nước tưới tiết kiệm đã nâng cao hơn , người dân đã nhận thức vai trò của việc tiết kiệm cũng như sử dụng nguồn nước hợp lý cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, ý thức của cán bộ công nhân viên trong Công ty, mối quan hệ giữa trạm bơm và các tổ chức hợp tác cơ sở; việc duy tu, sửa chữa các công trình đầu mối, các tuyến kênh chính do Công ty quản lý; công tác phối hợp với các tổ chức thủy lợi ở địa phương như nạo vét cá tuyến kênh tưới bị ách tắc, phát quang cắt cỏ, tổ chức phát động ra quân làm thủy lợi... cũng được Công ty chú trọng. Tham luận về hệ thống thủy lợi nội đồng và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình đã đưa ra một số giải pháp như đối với hệ thống thủy lợi nội đồng, cần xây dựng cơ chế chính sách tuyển dụng cán bộ tập trung vào cán bộ chủ chốt, đào tạo cán bộ phụ trách thủy lợi đối với các HTX nông nghiệp; xây dựng hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, thưc hiện cắm mốc vị trí công trình để nâng cao năng lực và đảm bảo yêu cầu khi công trình được đầu tư xây dựng theo đứng thiết kế; huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp công trình nhằm tăng cường phát huy hiệu quả cho hệ thống đáp ứng yêu cầu tưới tiêu trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Về giá dịch vụ sản phẩm và dịch vụ thuỷ lợi, đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Bình cho rằng cần kết hợp chặt chẽ lợi ích kinh tế với xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ đem lại hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho Nhà nước như ban hành bộ Định mức kinhh tế kỹ thuật trong quản lý khai thác công trình thủy lợi để áp dụng cho các tổ chức hợp tác dùng nước làm cơ sở cho việc giám sát thực hiện; đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT xem xét trình Chính phủ điều chỉnh tăng mức giá hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn nâng cao trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng về việc sử dụng nguồn kinh phí giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi… Báo cáo về thực trạng và đề xuất phương thức cấp phát kinh phí sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, PGS.TS. Đoàn Doãn Tuấn - Trung tâm Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân cho biết mặc dù thủ tục cấp phát thanh toán nguồn thủy lợi phí về cơ bản đã đảm bảo theo quy định của ngành tài chính tuy nhiên thủ tục này chưa phản ánh đầy đủ chất lượng dịch vụ, quá trình phục vụ của bên cung cấp dịch vụ, thiếu vai trò giám sát của các đơn vị liên quan, đặc biệt là vai trò cuản gười sử dụng nước hoặc đại diện hộ sử dụng nước. Do vậy, PGS.TS, Đoàn Doãn Tuấn cho rằng để nâng cao chất lượng dịch vụ cần xây dựng và đưa ra tiêu chí đánh giá đến chất lượng dịch vụ của hợp đồng, phương thức tham gia của người sử dụng nước; cải thiện phương thức cấp phát để phản ánh sự hài lòng của người sử dụng nước đối với chất lượng dịch vụ.
Ý kiến góp ý: