Hội thảo mô hình quản lý lũ sông Hương
09/09/2014Ngày 8/9/2014, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo mô hình quản lý lũ sông Hương. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng đã đến dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Tổng Cục Thủy lợi, Cục Quản lý Đê điều, Vụ Quản lý Nguồn nước, Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, Trung tâm thiên tai DMC, Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 1 (HEC1); về phía Nhật Bản có các chuyên gia đến từ Cục Quản lý Tài nguyên nước Nhật Bản, tổ chức JICA, Công ty FRICS, HALEX. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có Q. Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Viện GS.TS. Trần Đình Hòa và đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị trực thuộc Viện.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia đến từ Nhật Bản giới thiệu 03 báo cáo: (1) Hệ thống thông tin ngập lụt lưu vực sông Hương (đề xuất thử nghiệm) như dựa trên số liệu trong quá khứ và hiện tại, điểm quan trắc trên lưu vực sông Hương, trạm quan trắc nhân dân, phần mềm RRI đưa ra hệ thống thử nghiệm về dự báo về lũ, lưu lượng nước, diện tích ngập, mức độ ngập nước, cung cấp thông tin kịp thời gây mất an toàn đập và giảm thiệt hại do lũ cho Ban Quản lý Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên Huế; Ban Quản lý Phòng chống lụt bão Trung ương để đưa ra biện pháp nhanh chóng và hiệu quả, và cung cấp cho người dân thông tin, đề phòng rủi ro; (2) Vận hành tổng hợp hồ đập ở Nhật Bản cho việc tiêu thoát lũ, áp dụng cho 5 hồ đập trên lưu vực sông lớn tại Nhật Bản có điều kiện tương tự, đưa ra những điểm quan trắc, sử dụng công nghệ ra đa đưa ra các dự báo cụ thể như lượng mưa, phân tích dòng chảy; (3) GPV (Grid Point Value) cho thông tin về thời tiết như thông tin về áp suất khí quyển, nhiệt độ, hướng gió, tốc độ gió....
Các chuyên gia của Nhật Bản cũng đã trả lời những câu hỏi của các nhà khoa học phía Việt Nam và đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vấn đề về việc áp dụng các hệ thống, mô hình và phần mềm mô phỏng quản lý lũ của Nhật Bản vào Việt Nam.
Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Q. Giám đốc Viện, trong thời gian vừa qua, Viện đã làm việc và phối hợp với các chuyên gia của Công ty FRICS và HALEX. Viện cũng đã thành lập nhóm các nhà khoa học của Viện để thực hiện các Dự án thử nghiệm này. Viện mong muốn có cơ chế phối hợp cụ thể để có thể hỗ trợ cho các Công ty của Nhật Bản một cách tối đa và hiệu quả nhất.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã đánh giá cao các báo cáo của các chuyên gia đến từ các Tổ chức, Công ty của Nhật Bản tại Hội thảo và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Đất đai - Cơ sở hạ tầng - Giao thông của Nhật Bản trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng phát biểu: Việc đặt ra vấn đề dự báo lũ là rất cấp thiết đối với Việt Nam, trong một vài năm gần đây, một vài đập mặc dù vận hành đúng quy trình tuy nhiên mức độ rủi ro cao do xuất hiện nhiều trận mưa có lưu lượng lớn như một số hồ Vực Mấu - Nghệ An, Hòa Bình - Sơn La... Để giải quyết các vấn đề trên, phía Việt Nam đã đề xuất với Tổ chức JICA liên quan đến nâng cao năng lực dự báo lũ trên sông Hương và nâng cao năng lực thể chế. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng để đạt được mục tiêu đề ra của 02 dự án là rất quan trọng, tuy nhiên không thể giải quyết trong thời gian ngắn 5 năm (2015-2020) nhưng các hồ đập ở vùng hạ du cần phải có hành động cụ thể. Việt Nam có hơn 500 hồ đập lớn, 10 lưu vực sông lớn có nguy cơ đối với vấn đề an đập rất cao, Thứ trưởng mong muốn ngoài việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ về mặt thể chế, hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật và có thể nhân rộng ra các hồ đập và lưu vực sông khác của Việt Nam.
Qua Hội thảo, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan khoa học của Viện, Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi I... hình thành tổ chức có tính chất chuyên nghiệp để làm nhiệm vụ hỗ trợ cho phía Bạn, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đảm nhiệm công tác tham vấn, lấy ý kiến của các Bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương) và ban ngành liên quan (Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, Ban Quản lý lưu vực sông...) và phối hợp với các địa phương về xây dựng và nâng cao chất lượng thể chế.
Ý kiến góp ý: