Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và thu hút học viên
11/02/2015Ngày 05/2/2015, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và thu hút học viên.
Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản lý nhà nước có đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có: PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt- Giám đốc Viện, GS.TS Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong -Phó Giám đốc Viện; Hội đồng đào tạo cấp Viện của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện; các nhà khoa học trong và ngoài Viện là các GS, PGS, TS đã và đang cộng tác với Viện với vai trò cán bộ hướng dẫn, giảng viên khóa đào tạo thạc sĩ liên kết với Đức của Viện; các nhà khoa học thuộc Viện; đại diện các nghiên cứu sinh và học viên cao học đang được đào tạo tại Viện.
Thay mặt lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt phát biểu: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có chức năng đào tạo sau đại học từ năm 1979. Về lĩnh vực đào tạo sau đại học có đào tạo tiến sỹ và đào tạo Thạc sỹ liên kết với CHLB Đức từ năm 2009.Từ năm 2012, Viện được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho phép đào tạo trình độ tiến sỹ theo Đề án 911 với 5 chuyên ngành đào tạo.Trong thời gian qua, Viện luôn đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu và đã cung cấp nhiều các cán bộ có chất lượng cao cho Bộ, ngành và Viện. ĐượcBộ, ngành đánh giá cao.
Trong bối cảnh hiện nay, đào tạo là lĩnh vực mang tính cạnh tranh rất lớn cả trong và ngoài nước. Giám đốc Viện mong muốn Hội thảo lần này được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của các đại biểu, rút kinh nghiệm một số vấn đề trong quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút người học để đào tạo được nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành phục vụ yêu cầu thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành và Xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế TS. Phạm Hồng Cường đã báo cáo kết quả đào tạo sau đại học của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo kết quả về đào tạo tiến sỹ, từ năm 2010-2014, Viện đã tuyển sinh được 69 nghiên cứu sinh.Đã có 30 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công và đã được cấp bằng tiến sỹ. Việc quản lý và tổ chức đào tạo đáp ứng yêu cầu theo quy định, 100% số hồ sơ NCS được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định đạt yêu cầu. Ngoài giảng viên kiêm nhiệm cơ hữu của Viện thực hiện giảng dạy và hướng dẫn NCS, Viện đã mời các giảng viên thuộc các cơ sở đào tạo, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hướng dẫn NCS. Hiện nay có 73 cán bộ tham gia hướng dẫn NCS tại Viện, trong đó có 42 cán bộ hướng dẫn được mời từ các Trường đại học và Viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ chất lượng cao cho ngành, từ năm 2009, Viện đã chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài để liên kết đào tạo Thạc sỹ dưới sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Viện đã liên kết với Trường Đại học Khoa học ứng dụng Cologne tổ chức chương trình đào tạo thạc sỹ khoa học thuộc lĩnh vực Quản lý công nghệ và tài nguyên, tập trung vào chuyên ngành quản lý tài nguyên nước với 120 tín chỉ. Chương trình này được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và đã được cấp phép, triển khai thành công tại Đức, đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu. Học viên của Chương trình sau khi tốt nghiệp được Trường Đại học Khoa học ứng dụng Cologne cấp bằng Thạc sỹ Khoa học. Đến nay, Viện đã tuyển sinh được 6 khóa, với 89 học viên, đã đào tạo thành công 46 thạc sỹ. Ngoài các học viên đến từ các cơ quan, đơn vị trong nước, còn có học viên đến từ Anh, Myanmar và Philippin. Tại thời điểm hiện tại có 31 học viên đang theo học tại Viện, 22 giảng viên tham gia giảng dạy trong đó có 09 giảng viên Đức, Anh, Indonesia.
Viện cũng đã và đang liên kết với Đại học Khoa học ứng dụng Cologne, CHLB Đức và Đại học Sodernton, Thụy Điển trong việc trao đổi giảng viên và học viên, tổ chức các chuyến đi thực địa ở nước ngoài từ các dự án đang thực hiện ở Viện. Trong 5 năm trở lại, mỗi năm tổng giá trị học bổng Viện tìm kiếm để trao cho học viên và NCS khoảng 1,5 tỷ đồng. Các học bổng này được tài trợ từ DAAD, Văn phòng chương trình 165 và các dự án hợp tác có đào tạo của Viện.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu về đào tạo cán bộ địa phương và người dân, Viện đã tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn cho các cán bộ khoa học, các cán bộ làm công tác quản lý địa phương, các cán bộ vận hành và quản lý hệ thống công trình thủy lợi và người dân thông qua các chương trình, đề tài, dự án trong nước và hợp tác nước ngoài.Đã có hàng ngàn người được đào tạo, nâng cao trình độ từ các lớp do Viện tổ chức như các khóa đào tạo về PIM, hiện đại hóa hệ thống tưới, đánh giá nhanh các hệ thống thủy lợi, mô hình quản lý dòng chảy...
Tại Hội thảo các đại biểu với các vai trò khác nhau như: giáo viên hướng dẫn NCS, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn đang quản lý NCS, đơn vị sử dụng NCS và học viên cao học đã được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ, các giảng viên TERMA, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, đại diện NCS… đã đưa ra các nhận xét đánh giá về công tác đào tạo sau đại học của Viện và đề xuất nhiều giải pháp hữu ích nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và thu hút học viên cũng như cần có chính sách và chiến lược đào tạo cụ thể. Một số nhận xét và giải pháp được đưa ra đối với các vấn đề về: thay đổi, cải cách, đổi mới nhiệm vụ đào tạo sau đại học; thay đổi và nâng cao ý thức, trách nhiệm của NCS/học viên trong việc hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu/học tập của mình;nâng cao trách nhiệm của cán bộ hướng dẫn và các đơn vị chuyên môn trong Viện; thay đổi tư duy của các giảng viên trong việc bổ sung kiến thức, phương pháp giảng dạy, kỹ năng truyền đạt cho học viên;vấn đề quản lý NCS tại các đơn vị trong Viện; gắn NCS với nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài dự án; việc sử dụng các cơ sở vật chất của Viện cho các nghiên cứu của NCS; tiêu chuẩn và quyền lợi của NCS; cần có sự hỗ trợ cụ thể từ phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; vấn đề ngoại ngữ của các NCS; Vấn đề xã hội hóa công tác đào tạo và quảng cáo chương trình đào tạo tại Viện...
Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, phụ trách Đào tạo đã phân tích các lợi thế đã có của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam như bề dày thành tích của Viện trong công tác đào tạo, lực lượng các nhà khoa học đông đảo, mối quan hệ tốt với các giảng viên trong và ngoài Viện, các lĩnh vực đào tạo của Viện có liên quan đến các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong yêu cầu cần thay đổi tư duy, suy nghĩ, cần có hành động và giải pháp cụ thể, đồng bộ; cần tạo ra sự khác biệt ở cơ quan nghiên cứu kết hợp với đào tạo dựa trên sức mạnh đã có nhằm xây dựng thương hiệu đào tạo cho Viện; cần tính toán cân bằng giữa số lượng và chất lượng đào tạo;cần nghiên cứu trong việc tổ chức các khóa đào tạo ngoại ngữ cho học viên; đưa vào các điều kiện bắt buộc, các quy định cụ thể về chất lượng của giảng viên; xem xét chế độ đãi ngộ cho giảng viên và học viên;chế độ thưởng phạt; Gắn đào tạovào quy chế bổ nhiệm cán bộ; cần xác định nhóm đối tượng tuyển sinh từ đó có phương pháp tiếp cận cụ thể; cần có giải pháp cụ thể hơn trong yêu cầu và phản hồi của NCS/học viên; cần có giải pháp phối hợp với tài chính, khoa học công nghệ trong đào tạo; chuyên nghiệp hóa bộ phận đào tạo.... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại trong thời gian tới.
Hội thảo được đánh giá đã thành công với sự tham gia nhiệt tình và tâm huyết của các đại biểu tham dự. Các ý kiến trong Hội thảo sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trong thời gian tới.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế TS. Phạm Hồng Cường đã báo cáo kết quả đào tạo sau đại học của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt phát biểu tại buổi Hội thảo
Phó Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong phát biểu tại Hội thảo
Ý kiến góp ý: