TextBody
Huy chương 2

Hội thảo phát triển PIM thông qua mô hình người dân thực hiện thành lập tổ chức hợp tác dùng nước

04/10/2010

Từ nhiều thế kỷ nay, người dân Việt Nam có truyền thống đóng góp công sức cùng với Nhà nước xây dựng CTTL phòng chống hạn hán, lũ lụt để phát triển sản xuất & đời sống. Trong những năm gần dây, với nỗ lực của Nhà nước, các tổ chức quốc tế và các địa phương, một số mô hình "Quản lý CTTL có sự tham gia" (PIM) đang được thử nghiệm, củng cố, trên cả 3 miền của đất nước

Hiện nay Bộ NN&PTNT coi PIM như là một nhân tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của các hệ thống thuỷ lợi. Được sự quan tâm của các cấp, PIM tại Việt Nam ngày càng phát triển với việc thực hiện các dự án PIM do JICA, JIBIC, WB, ADB tài trợ cũng như việc triển khai chương trình phân cấp chuyển giao (IMT) do các địa phương như Thái Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, An Giang, Vĩnh Long,… tiến hành. Tuy nhiên việc thành lập và hoạt động của các tổ chức quản lý theo hướng PIM còn gặp nhiều khó khăn, mô hình quản lý tưới có sự tham gia của người dân ở Việt nam vẫn chưa được phát triển một cách rộng rãi và thiếu bền vững bởi do thiếu nhận thức, năng lực, kinh nghiệm để thực hiện PIM cũng như thiếu nghiên cứu thực tiễn để tổng quát thành lý luận và có cách tiếp cận phù hợp cho Việt Nam.

Với mục tiêu “xác định và xoá bỏ khoảng cách, nếu có, giữa các mục tiêu chính sách của Trung ương và việc thực hiện PIM, chuyển giao quản lý công trình thuỷ lợi tại địa phương (cấp cơ sở)”, năm 2007, Bộ NN&PTNT và cơ quan phát triển Pháp (AFD) ký thoả ước CVN 3016 01E tài trợ dự án “Tăng cường thể chế Trung tâm tư vấn PIM và hỗ trợ triển khai quản lý khai thác công trình thủy lợi có sự tham gia của người dân ở hai tỉnh Ninh Thuận và Sơn La ”. Áp dụng cách tiếp cận “cùng học cùng làm”, dự án đã và đang triển khai tốt các hoạt động nhằm đạt mục tiêu đề ra. Thông qua quá trình “cùng học cùng làm” này, với sự hỗ trợ về phương pháp và thúc đẩy quá trình của chuyên gia tư vấn, người dân địa phương được nâng cao năng lực, được trao quyền để tự thực hiện phát triển PIM. Quá trình phát triển PIM sẽ được tiếp tục thực hiện bởi địa phương sau khi dự án kết thúc.

Ngày 23/9/2010, tại Long Thuận Resort, thành phố Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Hội thảo “Phát triển PIM thông qua mô hình người dân thực hiện xây dựng tổ chức hợp tác dùng nước” được tổ chức để người dân, chính quyền địa phương cùng các đại biểu trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về kết quả thực hiện mô hình “quá trình cùng học cùng làm” PIM tại Ninh Thuận.

Tham dự có GS.TS. Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Alain Henry- Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Hà Nội; lãnh đạo Tổng Cục Thủy lợi, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Tài chính, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và đại biểu các tỉnh Sơn La, An Giang, Long An.

Về phía tỉnh Ninh Thuận có ông Đỗ Hữu Nghị- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, bà Đinh Thị Vân- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Trung tâm khuyến nông; lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước, huyện Ninh Sơn, huyện Bác Ái, công ty KTCTTL Ninh Thuận, UBND xã Phước Trung, Phước Hữu, thành viên tổ chức hợp tác dùng nước tại 2 khu thí điểm,  các thành viên của Tổ công tác PIM Ninh Thuận, Đài truyền hình Ninh Thuận.

Sau một ngày hội thảo, dưới sự chủ trì của GS.TS Đào Xuân Học, các đại biểu đã tham luận và thảo luận sôi nổi về việc nâng cao nhận thức và năng lực về PIM, xác định và thành lập mô hình tổ chức hợp tác dùng nước, hoạt động của Hội đồng xác định cống đầu kênh tổ chức hợp tác dùng nước, phân cấp, chuyển giao quản lý công trình thủy lợi, chia sẻ nguồn cấp bù thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008/CP, cơ chế tài chính đảm bảo tổ chức hợp tác dùng nước hoạt động và phát triển bền vững.

Các đại biểu khẳng định dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cán bộ Sở, Ban, ngành chính quyền địa phương, tổ công tác PIM, người dân trong quản lý công trình thủy lợi có sự tham gia, giúp tỉnh xây dựng và triển khai các chính sách về PIM. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc cho các hoạt động xây dựng mô hình PIM tại hai khu thí điểm tỉnh Ninh thuận, từ đó nhân rộng trên quy mô toàn tỉnh, đảm bảo cho các Tổ chức dùng nước (TCDN) hoạt động hiệu quả, bền vững.

Kết thúc hội thảo, thứ trưởng Đào Xuân Học nhấn mạnh, dự án đã làm được nhiều việc, hiệu quả với tinh thần làm việc có trách nhiệm, nhờ đó đã đẩy nhanh được tiến độ thực hiện của dự án. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 2 thông tư (Thông tư về hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và thông tư về hướng dẫn lập định mức kinh tế kỹ thuật), Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới đây Bộ sẽ ban hành tiếp 2 thông tư mới (Thông tư hướng dẫn cơ chế đặt hàng, nghiệm thu, thanh quyết toán; Thông tư quy định năng lực cho tổ chức, cá nhân làm công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi). Tin rằng đó là những hành lang pháp lý thuận lợi cho PIM phát triển tại Việt Nam.

Về phía AFD, Ông Alain Henry, Giám đốc AFD- Hà nội nhấn mạnh cần phát triển PIM hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ thủy lợi, góp phần đem lại lợi ích cho người dân. Ông đã bày tỏ sự hài lòng đối với các hoạt động đạt được của dự án và hứa sẽ có những hỗ trợ đắc lực để dự án triển khai thuận lợi hơn trong giai đoạn cuối.

Chí Trung

Ý kiến góp ý: