Hội thảo phổ biến kết quả thực hiện mô hình thí điểm tại hệ thống thủy lợi Bắc Đuống
29/07/2024Sáng ngày 26/7/2024, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo phổ biến kết quả thực hiện mô hình. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài Độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu tác động của nguồn cấp nước đến ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng và đề xuất các giải pháp khắc phục”. Mã số: ĐTĐL/CN-02/21 do PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường chủ nhiệm.
Tham dự Hội thảo, về phía Đơn vị chủ trì đề tài có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện.
Về phía địa phương có Đại diện Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh, đại diện lãnh đạo và trưởng phòng các Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, Nam Đuống, Hưng Yên, Hải Dương, Nam sông Thương, sông Nhuệ, sông Tích, Liễn Sơn, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Bắc Nam Hà. Ngoài ra còn có các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện Kỹ thuật Tài nguyên nước, Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Khoa học Môi trường.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện cho biết ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường ở các sông nhánh, hệ thống thủy nông, hệ thống thủy lợi là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có rất nhiều nhưng xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp lại chưa được như kỳ vọng. Chính vì vậy, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu tác động của nguồn cấp nước đến ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng và đề xuất các giải pháp khắc phục” và được thực hiện từ năm 2021 đến 2024.
Hội thảo nhằm thông tin về kết quả nghiên cứu của Đề tài và kết quả áp dụng một số biện pháp khoa học công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm nước trong mô hình thí điểm tại hệ thống thủy lợi Bắc Đuống làm tài liệu tham khảo cho các địa phương trong xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi theo quy định tại điều 20 và 46 của Luật Thủy lợi.
GS.TS. Trần Đình Hòa mong muốn Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý của các nhà chuyên gia và các nhà khoa học và đặc biệt từ các Công ty khai thác công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng để Nhóm thực hiện đề tài có thể hoàn thiện kết quả nghiên cứu của mình đảm bảo mục tiêu, tiến độ và chất lượng. Đồng thời qua Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa mong muốn các đại biểu có mặt tại Hội thảo sẽ tiếp tục phối hợp và đồng hành với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam để giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp hơn liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Đề tài PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương trình bày về tình hình ô nhiễm nước và các nguyên nhân gây ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng. Theo đó, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất được PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương đưa ra đó chính là nguồn xả thải vào hệ thống thủy lợi chưa được xử lý; Nguồn cấp nước cho các hệ thống thủy lợi ngày suy giảm, hầu hết mực nước tại các công trình đầu mối đều thấp hơn thiết kế gây nên tình trạng khó khăn cho việc lấy nước vào hệ thống; Do vận hành hệ thống làm gia tăng ô nhiễm nước. Ngoài ra còn có nguyên nhân như các yếu tố về công trình xuống cấp, số lượng làng nghề, số lượng khu công nghiệp có mối tương quan với chất lượng nước ở mức thấp, có tác động đến ô nhiễm nước.
Để có cơ sở dự báo chất lượng nước trong tương lai, Nhóm nghiên cứu Đề tài đã xây dựng các kịch bản ô nhiễm nước và phân vùng chất lượng nước trong các hệ thống thủy lợi vùng nghiên cứu với 04 kịch bản với diễn biến nguồn thải, nguồn cấp nước cho hệ thống thủy lợi của năm 2020 và 2030 không có biến đổi khí hậu và xây dựng 02 kịch bản ô nhiễm nước (năm 2030) có tính đến biến đổi khí hậu.
Từ kết quả đánh giá tình hình ô nhiễm nước, các nguyên nhân gây ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng nghiên cứu, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng nghiên cứu như giải pháp tăng cường cấp nước cho các hệ thống thủy lợi vùng nghiên cứu; Giải pháp kiểm soát tổng tải lượng chất ô nhiễm xả vào hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng; Đề xuất quy trình vận hành hệ thống để giảm thiểu ô nhiễm nước.
PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương cũng đã chia sẻ thông tin về kết quả áp dụng giải pháp khoa học công nghệ phù hợp và quy trình vận hành do đề tài đề xuất để giảm thiểu ô nhiễm nước cho hệ thống thủy lợi Bắc Đuống cho 03 tuyến kênh đó là kênh Nam Trịnh Xá, kênh tiêu Trịnh Xá và kênh tiêu T11 có diện tích tưới khoảng 4.249 ha thuộc địa bàn TP Từ Sơn và huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.
Theo đó, các biện pháp khoa học công nghệ được áp dụng trong mô hình thí điểm đó là biện pháp xử lý nước thải; tăng nguồn cấp nước đạt lưu lượng tối thiểu do đề tài đề xuất; biện pháp trữ nước trên kênh; Công tác tu sửa vệ sinh các tuyến kênh; Biện pháp gạn tháo, thay nước đệm trước khi đưa nước vào mô hình thí điểm. Qua các biện pháp được triển khai áp dụng, mực nước và chất lượng nước trong các tuyến kênh được cải thiện, các thông số chất lượng nước ở hầu hết các vị trí đều nằm trong QCVN08-MT:2015/BTNMT cột B1, đạt yêu cầu nước phục vụ tưới, tiêu thủy lợi. Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương cũng đã nêu những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai mô hình thí điểm và một số đề xuất, kiến nghị.
Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đã đánh giá cao các kết quả được PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương chia sẻ; các số liệu và dữ liệu của Đề tài đưa ra sát với điều kiện thực tiễn của các hệ thống thủy lợi của các địa phương; sản phẩm của đề tài sẽ rất hữu ích với các Công ty khai thác công trình thủy lợi để có thể áp dụng cho việc quản lý và xử lý các nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi. Các đại biểu cũng đã chia sẻ và thông tin thêm những vấn đề liên quan đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi, những khó khăn vướng mắc ở các địa phương đã gặp trong việc quản lý và xử lý ô nhiễm. Đồng thời các đại biểu nhất trí cho rằng việc kiểm soát xả thải là vấn đề rất khó khăn về mặt quản lý, chính sách và kiến nghị với Chủ nhiệm Đề tài xem xét bổ sung nội dung này vào trong các kết luận, kiến nghị về chính sách để cùng góp phần vào việc kiến nghị cho các cơ quan quản lý nhà nước để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp để kiểm soát được ô nhiễm trong các hệ thống thủy lợi tốt hơn và từ đó các Công ty khai thác công trình thủy lợi, các địa phương có thể chủ động hơn trong việc quản lý xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương đến tham dự Hội thảo với nhiều ý kiến góp ý, chia sẻ thông tin rất có giá trị. Nhóm thực hiện Đề tài và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu, xem xét việc bổ sung thêm nội dung về mặt quản lý, chính sách đầy đủ hơn trong báo cáo sản phẩm và các kiến nghị sau này đối với cơ quan quản lý Nhà nước. PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, các Công ty khai thác công trình thủy lợi, các địa phương sẽ tiếp tục chia sẻ và góp ý với Đề tài thông qua đường văn bản để Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện có thể hoàn thiện tốt nhất sản phẩm của mình.
Đề tài Độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu tác động của nguồn cấp nước đến ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng và đề xuất các giải pháp khắc phục”. Mã số: ĐTĐL/CN-02/21 do PGS.TS. Vũ Thị Thanh Hương - Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện từ năm 2021 - 2024 với các mục tiêu: Đánh giá được diễn biến số lượng, chất lượng nguồn cấp nước và tác động đến ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng; Xây dựng được các kịch bản ô nhiễm nước và phân vùng chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Hồng tương ứng với khả năng cấp nước của hệ thống và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nghiên cứu; Đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ và kiến nghị thay đổi quy trình vận hành để giảm thiểu ô nhiễm nước trong các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng. Đối tượng nghiên cứu của Đề tài gồm 07 hệ thống thủy lợi đại diện cho các tỉnh vùng thượng lưu và trung tâm đồng bằng sông Hồng là hệ thống thủy lợi sông Tích, sông Cầu, Liễn Sơn, Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà và sông Nhuệ với tổng diện tích tự nhiên trong vùng nghiên cứu khoảng 7.331.64 km2, chiếm khoảng 82,9 diện tích tự nhiên vùng thượng lưu và trung tâm đồng bằng sông Hồng. Trong đó, hệ thống thủy lợi Bắc Đuống được chọn để áp dụng thử nghiệm một số biện pháp khoa học công nghệ do đề tài đề xuất để giảm thiểu ô nhiễm nước trên các tuyến kênh Nam Trịnh Xá, kênh tiêu Trịnh Xá và kênh tiêu T11. |
Ý kiến góp ý: