Hội thảo quản lý tài sản của hệ thống thủy lợi
28/12/2022Sáng 27/12/2022, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các nhà tư vấn phát triển Nông nghiệp Nhật Bản (ADCA) tổ chức Hội thảo “Quản lý tài sản của hệ thống thủy lợi”.
Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao hiệu quả quản lý nước tưới trong hệ thống tưới tự chảy trong khu vực ASEAN”. Dự án đã triển khai lắp đặt thử nghiệm một số hệ thống thiết bị đo lường và quan trắc mực nước từ xa (TM) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tưới cho hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Hồng.
Tham dự Hội thảo có Ông Shozo OHIRA, Ông Eiji Matsubara - ADCA; Ông Nguyễn Xuân Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTL An Hải - Hải Phòng, các cán bộ đến từ Công ty TNHH MTV KTCTL An Hải - Hải Phòng và Công ty TNHH MTV KTCTL Hải Dương.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có đại diện lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế,Trung tâm PIM Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường.
Hội thảo do PGS.TS. Đỗ Hoài Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác Quốc tế và Ông Shozo OHIRA - ADCA đồng chủ trì.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Hoài Nam - Phó Giám đốc TT. ĐT&HTQT cho biết Việt Nam đã xây dựng mạng lưới về hệ thống thủy lợi tương đối đồng bộ, hiện đại, tuy nhiên chúng ta mới đang chủ yếu tập trung đầu tư về số lượng, xây dựng hạ tầng mà chưa quan tâm đầy đủ về vấn đề quản lý vận hành. Chính vì vậy, hiện nay khả năng khai thác của một số công trình không đáp ứng được kỳ vọng. Việc sử dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến để nâng cao công tác quản lý vận hành trong các công trình thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả tưới và nâng cao hiệu suất sử dụng nước là một trong những vấn đề rất quan trọng và đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù Việt Nam có nguồn nước nhiều tuy nhiên có đến 60% nguồn nước đi từ ngoài lãnh thổ vào, trong khi đó việc đô thị hóa đã khiến nguồn nước bị hạn chế do vậy nguồn nước sử dụng cho tưới và các nhu cầu khác ngày càng ít đi do vậy vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước đã và đang được Nhà nước rất quan tâm và chú trọng.
Việc cung cấp đủ nước, đúng thời gian, số lượng, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng nước là mục tiêu hàng đầu của những người cung cấp nguồn nước.Do vậy xây dựng hệ thống quan trắc giúp cho công tác quản lý điều hành được thông suốt, đưa ra những kịch bản để đáp ứng nhu cầu tưới và nhu cầu về cấp nước sinh hoạt trong bất kỳ tình huống nào có ý nghĩa rất thiết thực và quan trọng. Thực hiện thí điểm lắp đặt trạm quan trắc, hệ thống quản lý tài sản ở Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi An Hải - Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Hải Dương với mục đích đánh giá mức độ phù hợp và hoàn thiện của 02 hệ thống quan trắc và quản lý tài sản từ đó đánh giá và nhân rộng ra các Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi trên toàn quốc để triển khai.
Ông Shozo OHIRA - Đại diện Hiệp hội các nhà tư vấn phát triển nông nghiệp Nhật Bản cho biết khái niệm quản lý tài sản bao gồm tất cả những công việc từ việc quan trắc định kỳ, đánh giá hoạt động của công trình dựa trên việc nhìn thấy hoạt động thường ngày của công trình đó. Việc đánh giá dựa trên thang chất lượng, kế hoạch duy tu trì hoạt động của công trình bao gồm cả việc phân bổ ngân sách, dự báo những hư hại có thể xảy ra, xây dựng những kịch bản để khắc phục và ứng phó với những hư hại có thể xảy ra, dự toán về chi phí vòng đời của công trình cũng như thực hiện công việc để sửa chữa và nâng cấp công trình. Trong quá trình, dữ liệu về chất lượng của công trình được thu thập, cập nhật và sẽ góp phần vào công tác quản lý hiệu quả cho các công trình thủy lợi.
Trong lĩnh vực thủy lợi những năm gần đây, các công trình thủy lợi đã xuống cấp nhiều, dẫn đến hiệu quả quản lý nước cũng như là năng suất canh tác nông nghiệp giảm ở khu vực Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam. Trong bối cảnh đó, công nghệ quản lý tài sản đã nhận được nhiều sự quan tâm ở khắp nơi trên thế giới để giải quyết vấn đề công trình bị xuống cấp trầm trọng trong những năm gần đây để đảm bảo được cung cấp nguồn nước tưới ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đem lại lợi ích cho người dân và những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Áp dụng hệ thống quản lý tài sản này sẽ góp phần đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành thủy lợi Việt Nam.
Theo Ông Vũ Hải Nam - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, trong quá khứ khi chưa có máy tính, thiết bị tin học, Việt Nam thực hiện việc quản lý tài sản trong lĩnh vực thủy lợi chủ yếu bằng sổ sách, viết tay.
Từ những năm 2000, Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, trạm, cụm thủy nông sử dụng “Sơ đồ duỗi thẳng” cho mục đích quản lý vận hành hệ thống CTTL. Sơ đồ giúp người thực hiện có cái nhìn trực quan về không gian, phân bố các hệ thống công trình thủy lợi trên hệ thống tuy vậy có nhược điểm là chỉ thể hiện một cách hạn chế một số thông tin cơ bản và hạn chế như vị trí, loại công trình, kích thước cơ bản.
Năm 2006 - 2008, phương pháp sử dụng phần mềm thống kê để quản lý tài sản được sử dụng nhiều hơn tại phòng quản lý nước, bộ phận kỹ thuật của các Công ty khai thác công trình thủy lợi, Phương pháp này thể hiện nhiều thông tin hơn về công trình hơn tuy nhiên mặt hạn chế là người nghiên cứu muốn tìm hiểu về công trình không có khái niệm về không gian trong phương pháp quản lý này.
Đây là 02 phương pháp quản lý hiện nay đang còn rất nhiều Công ty Khai thác Công trình thủy lợi sử dụng. Ông cho rằng cả 2 phương pháp này đều không đánh giá được chất lượng công trình, chỉ nhìn được bằng mắt thường, chủ quan của người thực hiện; muốn bảo trì, nâng cấp, bảo dưỡng cần lên phương án kỹ thuật thiết kế, sửa chữa, dự toán…
Hiện nay nhu cầu về thông tin công trình như thông số về không gian, kết cấu, thủy lực, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi… đang được đơn vị quản lý Nhà nước, đơn vị quản lý khai thác, Ban quản lý dự án quan tâm. Thông tin có thể sử dụng trên nhiều nền tảng, ứng dụng số khác nhau.
Trên cơ sở đó, Ông cho rằng hệ thống quản lý tài sản cần phải định hướng bao gồm Công ty Khai thác Công trình thủy lợi cần phải xác định nhu cầu và mức độ chi tiết quản lý tài sản; tiến hành xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu. Sau khi xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, chủ trì về mặt kỹ thuật của bộ phận kỹ thuật, các cán bộ thủy nông viên ở các trạm thủy nông xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống công trình thủy lợi, sử dụng phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu theo nhu cầu của Công ty và phù hợp với quy định về quản lý công trình thủy lợi ở Việt Nam.
Hội thảo cũng đã được nghe Ông Eiji Matsubara - ADCA hướng dẫn về quản lý tài sản, định hướng tương lai về quản lý tài sản; trình bày về nghiên cứu giai đoạn 3 về TM; Dự án Nâng cao hiệu quả quản lý nước tưới trong hệ thống tự chảy trong khu vực ASEAN (JAIF2)
Ý kiến góp ý: