TextBody
Huy chương 2

Hội thảo Quốc tế Khoa học công nghệ Thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu

06/11/2019

Sáng ngày 5/11/2019, tại Hà Nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quốc tế Khoa học công nghệ Thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là một trong những hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện.

Tham dự Hội thảo Quốc tế có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Ông Shozo OHIRA - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn phát triển Nông nghiệp Nhật Bản (ADCA); Bà Katrin Bromme – ĐH Bochum – Đại học KH ứng dụng TH Koln (Đức), Ông Peeranan Towashiraporn – Giám đốc Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á, Đại diện JICA, GIZ, BORDA, Ủy ban song Mekong, Nippon Steel, Kitai Sekkei và các thành viên trong cộng đồng ASEAN.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn có Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai; đại diện Tổng cục Thủy lợi, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường…

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện, các Phó Giám đốc Viện: GS.TS. Trần Đình Hòa, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong, PGS.TS. Tô Văn Thanh; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện.

Ngoài ra còn có GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Công nghệ Phục vụ xây dựng nông thôn mới; Các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường, phòng chống thiên tai…. và đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí trong nước đã đến và đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự Hội thảo và cho biết nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập Viện, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Hiệp hội Tư vấn phát triển Nông nghiệp Nhật Bản (ADCA) và các đối tác quốc tế tổ chức Hội thảo Quốc tế Khoa học công nghệ Thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Hội thảo này là cơ hội để các nhà khoa học và nhà quản lý Việt Nam và quốc tế thảo luận, chia sẻ những thành tựu, kết quả khoa học của các dự án tiêu biểu trong các lĩnh vực quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn nước; giải pháp công trình và phi công trình trong phòng chống thiên tai; xây dựng, quản lý và vận hành các công trình thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu “Bảo tồn nước - Cải thiện chất lượng dịch vụ - Nâng cao năng lực thích ứng và khả năng phục hồi”.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt mong muốn Hội thảo này sẽ thúc đẩy thảo luận và tạo nền tảng thông tin có ý nghĩa cho việc trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước về các hoạt động nghiên cứu trong tương lai phục vụ nhu cầu của ngành, xã hội để đạt được các mục tiêu phát triển của Việt Nam nói chung.

Nhân dịp này, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt cũng gửi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức, Ban kỹ thuật và các nước thành viên ASEAN, ADCA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Nhật Bản và Việt Nam vì sự hỗ trợ và đóng góp quý báu và đánh giá cao sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ của nhiều cơ quan trong nước và quốc tế.

Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện chúc Hội thảo thành công.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết cộng đồng các nước ASEAN đang có nhiều thời cơ nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức đối với yêu cầu phát triển. Với dân số hơn 642 triệu người và diện tích hơn 1,7 triệu km2, ASEAN là một thị trường nhiều tiềm năng với dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng đặt chúng ta đứng trước những thách thức về khủng hoảng nguồn nước do sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước, trong khi nhu cầu sử dugnj nước tăng nhanh một cách đáng kể. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan làm cho thiên tai ngày càng khó dự báo với những diễn biến bất thường, thậm chí chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng điều này đòi hỏi mỗi quốc gia và cộng đồng ASEAN cùng với các đối tác hỗ trợ như Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Liên Hiệp Quốc… cùng nhau xây dựng chiến lược chung để bảo tồn và phát triển nguồn nước, nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng nước, bền vững về môi trường, đồng thời nâng cao năng lực và khả năng chống chịu trước thiên tai vì mục tiêu phát triển bền vững. trong đó, người dân phải được đặt vào trung tâm trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các quyền lợi của người dân cần được thúc đẩy thông qua hoạt động hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững…

Với gần 63% của 840 tỷ m3 tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào. Việt Nam là một quốc gia đã, đang và sẽ phải chịu nhiều thách thức về an ninh nguồn nước đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, do sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua, tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước do nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng. Tình trạng suy thoái cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước càng trở nên phổ biến hơn. Cạnh tranh khai thác, sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp có xu hướng ngày càng gay gắt hơn, nhất là trong mùa khô. Suy giảm rừng đầu nguồn, sử dụng nước lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp dẫn đến chưa bảo đảm việc sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu ở nhiều khu vực, lưu vực sông. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng phải hứng chịu nhiều loại thiên tai cực đoan và bất thường trong những năm gần đây, thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm tới 1-1,5%GDP của Việt Nam.

Qua Hội thảo,Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp mong muốn các bên sẽ cùng nhau chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và định hướng phát triển, hợp tác về khoa học công nghệ, nâng cao hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ, chủ động thích ứng trước những thời cơ và thách thức mới, đặc biệt từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư để bảo tồn nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, qua đó truyền thông điệp về một Cộng đồng ASEAN năng động, phát triển bền vững, hướng tới người dân và gắn kết với Cộng đồng các quốc gia toàn cầu.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ông Ousmane Dione cho hay nước là vấn đề rất đặc thù. Các dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường, ngập lụt và nước tưới tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân bình thường. Cải thiện năng suất sử dụng nước (đặc biệt trong nông nghiệp), giảm ô nhiễm nước (đặc biệt là nước thải đô thị) và thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu là những vấn đề nổi bật và quan trọng đối với Việt Nam. Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây của chúng tôi kết luận rằng các mối đe dọa liên quan đến nước tăng có thể làm giảm GDP khoảng 6% mỗi năm.

“Chiến lược tham gia của chúng tôi đáp ứng các vấn đề như vậy và tập trung vào ba trụ cột chính là duy trì nguồn nước; cung cấp dịch vụ tốt hơn và xây dựng khả năng phục hồi. Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên và hỗ trợ các hoạt động cải thiện cuộc sống và cơ hội phát triển cho người dân Việt Nam. Nhưng cá nhân tôi tin rằng thành công chung của chúng tôi trong lĩnh vực này cuối cùng sẽ đòi hỏi một sự thay đổi trong tư duy để những vấn đề về nước và hệ sinh thái tự nhiên là mối quan tâm của tất cả mọi người. Chúng ta xem nước là nguồn tài nguyên quý giá duy trì sự sống, thúc đẩy sự thịnh vượng cho ngày nay và cho các thế hệ tương lai”

“Mục tiêu chương trình nghị sự là rất lớn và đòi hỏi quyết tâm cao. Nhưng chúng ta có thể thấy được triển vọng hiệu quả và tính bền vững - và việc này rất cần thiết để hỗ trợ cho giai đoạn tăng trưởng vượt trội của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức và tất cả các bạn đều có vai trò quan trọng. Chúng tôi, Ngân hàng Thế giới đã sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các bạn trong những nỗ lực đó”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ông Ousmane Dione chia sẻ tại Hội thảo.

Theo Ông Shozo OHIRA - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn phát triển Nông nghiệp Nhật Bản (ADCA) cho biết: Chúng ta đang phải đối mặt với các vấn đề mới nổi lên hiện nay như suy thoái nguồn nước, khan hiếm nước và cường độ mưa lớn, biến đổi khí hậu, công trình thủy lợi xuống cấp, tăng chi phí quản lý, ngân sách hạn chế, yêu cầu hiện đại hóa từ các lĩnh vực khác và luật thủy lợi mới có hiệu lực ở Việt Nam.

Để xử lý các vấn đề trên, Ông Shozo OHIRA cho rằng cần theo dõi dữ liệu kịp thời và phản hồi nhanh giúp quản lý tưới kịp thời và hiệu quả. Trước đây, cần rất nhiều thời gian để theo dõi số liệu đánh giá quản lý tưới tiêu trong dự án CDPIM của JICA thực hiện tại Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam. Ngày nay công nghệ thông tin phát triển cho phép giám sát tưới tiêu với chi phí thấp, nhanh chóng và liên tục.

Ông Shozo OHIRA cũng đã chia sẻ một số bài học về giám sát thủy lợi ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar và cho biết những dữ liệu về mực nước và lượng mưa đã được truyền đi trong hơn 02 năm và không bị gián đoạn; có thể tích lũy dữ liệu và chia sẻ chúng giữa các bên liên quan để quản lý hiệu quả ngành thủy lợi và phát triển nông thôn tốt hơn.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết trong những thập kỷ gần đây, khoa học và công nghệ đã cải tiến đáng kể quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển đa ngành tại Việt Nam. Những tiến bộ trong quản lý tài nguyên nước và thủy lợi đã đưa ngành nông nghiệp và Việt Nam ra khỏi quốc gia không an toàn thực phẩm để trở thành một trong những nhà xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Đây là một trong những thành tựu lớn có đóng góp của các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực này.

Trong kỷ nguyên mới của công nghệ tiên tiến, công nghệ 4.0 đã lan tỏa đến mọi tầng lớp và thay đổi nhiều tập quán truyền thống. Quản lý tài nguyên nước và thủy lợi ở Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều cơ hội tiếp cận tiến bộ công nghệ nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức chủ yếu từ biến đổi khí hậu, sự biến đổi trong quá trình tự nhiên và lớn nhất là áp lực phát triển kinh tế xã hội.

Hội nghị quốc tế do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức tập hợp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách từ các nước ASEAN, từ các tổ chức quốc tế, đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam. Hội thảo cũng đóng góp cho đối thoại quốc tế và quốc gia về công nghệ mới, mở ra sự phát triển trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, giảm thiểu rủi ro thiên tai cho mục tiêu phát triển bền vững, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chia sẻ.


 

Xem Bản tin về Hội thảo tại đây:

- Hội thảo Quốc tế Khoa học công nghệ Thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu (VTV1)

- Hội thảo Quốc tế Khoa học công nghệ Thủy lợi gắn với an ninh nguồn nước giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu (Bản tin trưa VTV1)

Ý kiến góp ý: