TextBody
Huy chương 2

Hội thảo quốc tế và Hội nghị thường niên INWEPF lần thứ 11

07/01/2015

Sáng ngày 5/11/2014, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc Hội thảo Quốc tế và Hội nghị thường niên INWEPF lần thứ 11 với chủ đề "Vai trò đa chức năng của quản lý tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, lồng ghép với quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu". Hội nghị lần này do Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Mạng lưới Quốc tế về nước và hệ sinh thái đồng ruộng (INWEPF) và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đồng tổ chức.

Mạng lưới Quốc tế về Nước và Hệ sinh thái đồng ruộng (INWEPF) được thành lập để đáp ứng những mối quan tâm và lợi ích chung giữa các nước trong khu vực châu Á với ba hoạt động chính là “An ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo”, “Sử dụng nước bền vững” và “Đối tác”.

Mạng lưới Quốc tế về Nước và Hệ sinh thái đồng ruộng (INWEPF) có 17 thành viên thuộc các nước Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ai cập, Ấn độ, Indonexia, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Phillipin, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO); Viện Quản lý nước Quốc tế (IWMI), Ủy hội sông Mê Công (MRC), Ủy ban quản lý tưới tiêu quốc tế (ICID), Tổ chức quốc tế về lúa gạo và kỹ thuật môi trường nước (PAWEES)...

Hội nghị Ban chỉ đạo thường niên lần thứ 11 INWEPF và Hội thảo quốc tế là một diễn đàn cho các đại biểu của các nước thành viên và các tổ chức quốc tế trao đổi các thông tin về nghiên cứu chính sách và hợp tác quốc tế nhằm sản xuất lương thực an toàn và đầy đủ cho người tiêu dùng.

 Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu trong nước có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh; đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi; Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Thủy lợi; các Hội tưới tiêu, Hội đập lớn, Công ty Dairy Việt Nam , Công ty Khang Thịnh, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn SSI, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi II, các tổ chức quốc tế trong nước như BORDA, AFD, JICA, MRC; Văn phòng Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và một số cơ quan thông tấn báo chí trong nước. Về phía đại biểu quốc tế có các đại biểu thuộc thành viên mạng lưới INWEPF thuộc các nước Bangladesh, Campuchia, Ấn độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Srilanka, Thái Lan, các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế Viện nghiên cứu lúa gạo Bangladesh, Bộ Nông lâm ngư nghiệp nhật bản, Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Thủy văn, KRC, Viện Tưới tiêu Nhật Bản (JIID). Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, Q. Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong, Phó Giám đốc Viện - Tổng thư ký INWEPF Việt Nam, đại diện lãnh đạo các đơn vị và các nhà khoa học, nhà khoa học lão thành thuộc Viện.

Trong bài phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Q. Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt nhấn mạnh: các lĩnh vực hoạt động của Viện đã và đang tích cực phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực chính gần với những nội dung của Hội nghị, bao gồm tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn chủ lực, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, an toàn đập, chính sách, thể chế và xã hội trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đang tiếp thu các cách tiếp cận tiên tiến,  áp dụng các giải pháp và công nghệ tiên tiến để phục  vụ các nhiệm vụ của mình. Viện coi thúc đẩy hợp tác quốc tế và hội nhập là một cách trao đổi kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và tạo cơ hội tiếp thu kiến thức khoa học tiên tiến, nâng cao năng lực cho cán bộ của Viện. Bên cạnh đó, Hội thảo được tổ chức sẽ tạo ra một diễn đàn hiệu quả cho các thành viên trong mạng lưới INWEPF, cho các đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học có cơ hội tiếp thu, trao đổi kiến thức trong nghiên cứu về nước và hệ sinh thái trên đồng  ruộng. Q. Giám đốc gửi lời cảm ơn tới tất cả các thành viên Ban Tổ chức, các thành viên mạng lưới INWEPF và các nhà tài trợ về sự đóng góp trong việc chuẩn bị và tổ chức cho Hội thảo. Theo Q. Giám đốc, sự hỗ trợ này là những nhân tố chính góp phần tạo nên sự thành công của Hội thảo.

Thay mặt Tổng Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Tổng Cục trưởng TS. Nguyễn Văn Tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo, đánh giá cao vai trò của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Ban thư ký INWEPF Việt Nam trong việc chuẩn bị và tổ chức Hội thảo INWEPF lần thứ 11. Theo Phó Tổng Cục trưởng, thời gian vừa qua, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành thủy lợi nói riêng được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quan tâm. Các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động tham gia tích cực với các tổ chức quốc tế, trong đó Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là một trong những đơn vị hợp tác quốc tế hiệu quả và là thành viên của nhiều mạng lưới quốc tế, trong đó có mạng lưới quốc tế về nước và hệ sinh thái đồng ruộng (INWEPF). Phó Tổng Cục trưởng mong muốn thông qua Hội thảo này, các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, công nghệ mới để cùng nhau phát triển vì sự phồn vinh của mỗi nước và đồng thời mở ra nhiều hợp tác mới trong lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên nước cho phát triển nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tại Hội nghị đã cùng nhau dự lễ cắt băng khánh thành khai mạc triển lãm giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, các công nghệ mới, tiên tiến của các đơn vị trong và ngoài Viện và đi tham quan các gian hàng trong khuôn viên của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Tiếp theo đó, Hội nghị đã được chia thành 3 tiểu ban để thảo luận 3 chuyên đề chính (1) Vai trò của thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp, (2) Lồng ghép với quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) Quản lý tưới có sự tham gia nhằm nâng cao sản xuất nông nghiệp; tưới tiết kiệm nước-giải pháp quản lý tưới trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đã có tổng số 13 báo cáo của quốc tế và Việt Nam được trình bày tại Hội thảo. Các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế cũng đã quan tâm đến một số báo cáo như sử dụng phần mềm GIS, ảnh viễn thám MODIS và cách tiếp cận mới dự đoán về năng suất lúa gạo; đưa ra cách thức đo lường hiệu quả hệ thống tưới bằng phương pháp Masscote và các ví dụ cụ thể tại hệ thống tưới Phú Ninh, Quảng Nam; xây dựng tường rào giảm sóng và trồng rừng ngập mặn để bảo vệ hệ thống đê biển của đồng bằng sông Cửu Long; vai trò đa chức năng trong quản lý nước tưới cho lúa và khu vực nông thôn; ứng dụng dấu chân nước cho quản lý nước phục vụ nông nghiệp: tập trung vào phân tích dòng chảy theo vùng; ứng dụng công nghệ ra đa để dự báo do lũ lụt gây ra ở Srilanka và Myanmar.Tuy thời gian có hạn nhưng đã có nhiều ý kiến đã được các đại biểu thảo luận tích cực và sôi nổi.

Thay mặt Ban Thư ký INWEPF Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu và hy vọng các báo cáo trình bày tại các tiểu ban đã bao quát được các chuyên đề quan tâm và đúng với chuyên đề của Hội nghị INWEPF lần này. PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong ghi nhận sự làm việc tích cực, hết mình của các thành viên tại các tiểu ban, hầu hết các báo cáo được trình bày đúng thời gian quy định và đặc biệt phần tóm tắt ngắn gọn, súc tích báo cáo kết quả của các chủ tọa các tiểu ban tại phiên họp toàn thể.

Họp phiên toàn thể chiều ngày 5/11/2014

 

Ý kiến góp ý: