Hội thảo tham vấn nghiên cứu xói lở bờ sông lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
24/08/2012Ngày 20/8/2012, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo tham vấn các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về vấn đề nghiên cứu xói lở bờ sông lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do Viện Khoa học Thủy lợi Miền trung và Tây Nguyên thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì thực hiện. Tham dự Hội thảo có đại diện Ngân hàng thế giới (WB) các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi I (HEC I), Trung tâm Phòng tránh thiên tai.
Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai như bão, lũ, lốc xoáy, hạn hán, v,v.. những năm gần đây ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các hoạt động kinh tế, an sinh xã hội của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam như: gây xói lở bờ sông, sụt lún, phá huỷ công trình, nhà cửa, ngập lụt vào mùa mưa, cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô, phá huỷ môi trường sinh thái, v,v…
Khu vực Miền Trung Việt Nam là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các hiện tượng thiên tai (hàng năm có khoảng 60% các cơn bão đổ bộ vào Miền Trung), tuy đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phòng chống, song vì nhiều lý do hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự như mong muốn của chính quyền và nhân dân địa phương.
Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên đã chọn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn - một lưu vực sông lớn thuộc địa bàn miền Trung với địa hình dốc, địa chất phức tạp (đặc trưng của khu vực miền Trung) để nghiên cứu đánh giá ổn định lòng dẫn, xác định nguyên nhân cơ chế sạt lở bờ sông và đề xuất các giải pháp chỉnh trị bờ sông phục vụ phát triển bền vững cho toàn lưu vực.
Tại Hội thảo tham vấn, nhóm nghiên cứu đã trình bày khái quát các mục tiêu, nội dung chính, các tiêu chí lựa chọn vùng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, phối hợp triển khai thực hiện đề tài và tham vấn hội nghị về các vấn đề: Lựa chọn vùng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu; Tiêu chí phân loại, phân vùng xói lở; Phân loại khu vực xói lở trọng điểm theo thứ tự ưu tiên; Xây dựng bản đồ xói lở (dạng atlas); Quy hoạch chỉnh trị; Quan trắc, giám sát xói lở; Đơn vị quản lý nào sẽ tiếp nhận sản phẩm của đề tài.
Các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia có mặt tại Hội thảo đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị về các vấn đề như: mục tiêu nghiên cứu; vấn đề khảo sát địa chất bổ sung; xác định rõ các đơn vị liên quan bao gồm đơn vị phối hợp và đơn vị chuyển giao kết quả; vấn đề nguồn và tính chính xác của các tài liệu thu thập phục vụ tính toán để có kết quả tin cậy, v,v… Những góp ý của đại biểu tham gia hội thảo đã được nhóm thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa trong đề cương thực hiện đề tài và được đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao.
Thanh Bằng
Ý kiến góp ý: