TextBody
Huy chương 2

Hội thảo tham vấn về giải pháp thiết kế dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An”

06/01/2021

Vừa qua, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội thảo Tham vấn về giải pháp thiết kế dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An”  

Về dự Hội thảo có hơn 40 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường); Bộ Văn hóa thể thao và du lịch; Bộ Tài nguyên và môi trường; các Viện nghiên cứu (Viện Địa lý, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản), các trường Đại học (Đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông vận tải, Đại học công nghệ Giao thông vận tải…), các công ty tư vấn (Tổng công ty TVTKGTVT); các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực biển; tỉnh Quảng Nam  (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT,UBND thành phố Hội An); đại diện các tổ chức Quốc tế (ADB, AFD); đại diện các chủ khách sạn, nghỉ dưỡng tại Hội An.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc; đại diện lãnh đạo các Ban chức năng; lãnh đạo và các cán bộ khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển. 

Khu vực bờ biển Hội An đang có diễn biến sạt lở rất phức tạp, thời gian qua Chính phủ và các Bộ ngàng đã quan tâm đầu tư. Ngày 15/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1028/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam sử dụng vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Đây là dự án lớn, có tính chất phức tạp cần có sự quan tâm của các Bộ, ngành, chuyên gia, để có giải pháp đảm bảo an toàn ổn định cho khu vực.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng giải pháp công trình tổng thể nhằm chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về ổn định chỗ ở và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư khu vực dự án (bảo vệ đất đai, nhà cửa, tài sản và tính mạng của người dân, cũng như các cơ sở hạ tầng về du lịch, nghỉ dưỡng cho toàn bộ khoảng 3,2km2 diện tích đất và 1.300 hộ dân phường Cửa Đại và khu vực lân cận, nhất là khu vực ven biển; Tạo điều kiện để ổn định dân sinh, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặt biệt là ngành du lịch), phù hợp với quy hoạch và kế hoạch chiến lược phát triển của thành phố Hội An nói riêng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực ven biển của tỉnh Quảng Nam nói chung.

Sau hơn 3 tháng thực hiện nghiên cứu, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đưa ra giải pháp chỉnh trị tổng thể cho đoạn bờ biển dài khoảng 4km từ đầu cửa sông Vu Gia Thu Bồn lên phía Bắc kết thúc tại điểm cuối của khách sạn Victoria (tiếp giáp với đoạn đê ngầm 200m của dự án Chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam kết hợp nạo vét Cửa Đại). Với nhiều phương án đề xuất, phương án đề xuất chọn được Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất bao gồm các hạng mục cơ bản sau: đê giảm sóng (7 đê), mỏ hàn giữ cát, giảm sóng (6 mỏ hàn), nuôi bãi và hệ thống kè chỉnh trang gia cố bờ.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến cho giải pháp đề xuất của ĐVTV. Ông Nguyễn Viết Cường (Đại diện bộ Văn hóa thể thao và du lịch) đưa ra quan điểm: Khu vực dự án thành phố Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới, do vậy việc bảo vệ chống xói lở bờ biển là những ưu tiên hàng đầu. Các giải pháp ĐVTV đề xuất đã cho thấy sự cần thiết phải thực hiện để duy trì ổn định, tôn tạo bờ biển phục vụ phát triển du lịch của Hội An. Về phía Bộ, đề xuất, giải pháp đưa ra nên xem xét đến cảnh quan du lịch, cũng như đánh giá về các vấn đề môi trường khu vực dự án và lân cận.

GS.TS Vũ Minh Cát - Chuyên gia Đại học Thủy lợi cho biết hệ thống đê ngầm giảm sóng được đề xuất có vai trò quan trọng vừa làm nhiệm vụ giảm sóng chống xói lở vừa giữ cát được nuôi phía trong. Hệ thống mỏ hàn cần xem xét loại vật liệu hợp lý để tránh gây thương vong cho du khách khi tắm biển. Cần xem xét nguồn cát phù hợp cho việc nuôi bãi trong đó chú ý đến chất lượng, đặc tính của cát dùng nuôi bãi.

GS.TS Lương Phương Hậu - Đại học Xây dựng cho rằng việc đề xuất bố trí đê giảm sóng và chiều dài lớn hơn khoảng cách từ đê đến bờ có thể tạo Tombolo là hợp lý. Hơn nữa, bố trí đứt đoạn thì khoảng cách đó đảm bảo sự trao đổi bùn cát, chất lượng nước khu vực công trình là phù hợp. Đối với vấn đề nuôi bãi, cần tính toán đến tổn thất. Chất lượng, thành phần cát nuôi bãi rất quan trọng, do đó nên bổ sung các tính toán. Việc nuôi bãi theo đề xuất của dự án AFD trước đây nếu không có đê giảm sóng thì không đảm bảo vì gió mùa ảnh hưởng 3-4 tháng liên tục chưa kể cả bão thì nếu không có giải pháp bảo vệ, giảm sóng thì cát sẽ mất hết.

Ông Phan Văn Điểu - Ban quản lý dự án thành phố Hội An chia sẻ: Hội An trước 2010 thì ít bị xói lở, sau 2010 đến nay xói lở ngày càng trầm trọng. Trước đây, Nhà nước và Doanh nghiệp làm, đầu tư từ cửa Đại lên Victoria, càng làm càng lở, không có giải pháp đồng bộ, miễn sao giữ được bờ biển. Chính vì vậy, đến nay bờ biển hiện nay lồi lõm và tiếp tục xói, mất bãi.  Hội An là một thành phố du lịch, cần thiết phải bảo vệ bờ và đồng thời cũng phải giữ bãi phục vụ du lịch. Do vậy, việc đặt ra nhiệm vụ vừa làm kè vừa tạo bãi là một nhiệm vụ vô cùng khó đối với Hội An. Qua đề xuất giải pháp của Viện cho thấy, đê ngầm đề xuất đã cao hơn so với đoạn đã thực hiện nên có thể giảm sóng nhiều hơn đặc biệt trong điều kiện bão. Đối với kè bờ, trước đây Hội An đã thực hiện mái m=4 nhưng cũng không giữ được bãi, chúng tôi đang đề xuất mái thoải hơn. Tuy vây, trong dự án này đã có giải pháp giảm sóng từ xa thì có thể xem xét mái cho phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Mạnh - Đại học Xây dựng cho biết AFD đã đưa ra độ dốc bãi 1-1,5%, đây là những số liệu tính từ mô hình của GS Đan. ĐVTV đã tính toán ra độ dốc từ 2,2- 5%, tôi nghĩ họ đã nghiên cứu với dữ liệu thực tế để phù hợp với khu vực dự án. Hơn nữa, độ dốc bãi không ổn định hoàn toàn mà chỉ tương đối do vậy quan trọng nhất là việc giảm sóng và quan trắc theo dõi tiếp theo.

GS.TS Thiều Quang Tuấn nhận định, việc thiết kế thường xem xét trước tiên theo nhiệm vụ, chức năng công trình. Khu vực Hội An thì ảnh hưởng bão, gió lớn, dài do vậy cao trình thiết kế phải đưa cao trình lên cao để giảm sóng. Với nuôi bãi thì mùa có thể thực hiện việc tính toán xói ngang để xác định phạm vi bãi cần nuôi. Trong điều kiện gió mùa, bãi nuôi sẽ tổn thất cát lớn nên việc “nhốt cát” vào trong bằng hệ thống các công trình như ĐVTV là hợp lý.

Kết luận buổi tham vấn, Ông Vũ Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng: 1) Tiêu chí áp dụng cần xem xét kỹ liên quan đến chống sạt lở, các vấn đề về cảnh quan du lịch... 2) Những ai có vai trò thông qua dự án, có cần thực hiện lấy ý kiến cộng đồng không? 3) Các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, đại biểu hôm nay đều nhất trí đồng thuận phải có giải pháp công trình để chống sạt lở bờ biển Hội An với 3 nhóm: đê giảm sóng, nuôi bãi (bước sau cần xác định rõ nguồn cát), kè bờ và các công trình phụ trợ; 4) Cần có giải pháp cụ thể về việc chuyển tiếp tại khu vực cửa sông và đoạn cuối kè khu vực phía Bắc dự án.

Thành Luân/KLORCE

Ý kiến góp ý: