Hội thảo thực trạng diễn biến lòng dẫn, tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước vùng hạ du sông Hồng
11/08/2016Ngày 10/8/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo thực trạng diễn biến lòng dẫn, tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước vùng hạ du sông Hồng.
Hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình đập dâng nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng”. Mục đích và nội dung của Hội thảo lần thứ nhất nhằm trình bày các kết quả nghiên cứu về thực trạng, những tác động về hạ thấp mực nước cũng như sản xuất, đời sống của vùng hạ du sông Hồng, sự cần thiết phải có các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước . Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản lý có đại diện các Cục, Vụ, Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi, Hội đập lớn, Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu; các chuyên gia, các nhà khoa học và một số cơ quan thông tấn báo chí. Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện - Chủ nhiệm đề tài cùng các cán bộ của các đơn vị trong Viện tham gia thực hiện đề tài. Hội thảo do Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Quang Hoài chủ trì. Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lần lượt trình bày các vấn đề liên quan như tính toán nhu cầu dùng nước và cân bằng nước cho vùng hạ du sông Hồng - sông Thái Bình giai đoạn hiện tại, năm 2030 và năm 2050; Nguyên nhân và thực trạng hạ thấp mực nước sông Hồng, một số giải pháp đã triển khai; Đánh giá tác động của hạ thấp mực nước đến chế độ thủy văn và hiệu quả hoạt động của các công trình thủy lợi trên sông Hồng; Thách thức và những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước vùng hạ du sông Hồng. Các đại biểu cũng đã cùng với các diễn giả trao đổi một số vấn đề xung quanh đến thực trạng diễn biến lòng dẫn, tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước vùng hạ du sông Hồng và cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến có giá trị, quý báu cho nhóm thực hiện đề tài. Thay mặt, Ban chủ nhiệm đề tài, GS.TS. Trần Đình Hòa - Chủ nhiệm Đề tài đã phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý. GS.TS. Trần Đình Hòa cho rằng vấn đề này rất lớn và đây là Hội thảo khởi đầu, sẽ còn có các Hội thảo chuyên đề khác được hình thành sau đó. Đảm bảo an ninh nguồn nước cần có rất nhiều giải pháp trong đó có giải pháp cứng và giải pháp mềm. Đề tài trên là một giải pháp công trình và chỉ giải quyết được 01 vấn đề đó là hạ du sông Hồng, GS.TS. Trần Đình Hòa cho biết thêm. Sau buổi Hội thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ cùng thống nhất lại trong kế hoạch nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn, tổng thể hơn về vấn đề nghiên cứu và hoàn thiện theo những ý kiến của các đại biểu góp ý. Phát biểu bế mạc, kết thúc Hội thảo, Chủ trì Hội thảo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Ông Trần Quang Hoài khẳng định đây là Hội thảo rất quan trọng, các ý kiến đóng góp rất sâu sắc và thiết thực. Hội thảo đã đi đến thống nhất chung đó là tác động mạnh mẽ của diễn biến sông Hồng và sông Thái Bình ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh kế, sản xuất và công tác phòng chống thiên tai. Đây cũng là vấn đề mà thời gian gần đây dư luận rất quan tâm và các cơ quan khoa học, cơ quan quản lý, các chuyên gia cần tìm ra giải pháp phù hợp. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng vấn đề này liên quan đến rất nhiều Bộ, ban ngành, nhóm thực hiện đề tài và cơ quan quản lý Nhà nước cần tham gia phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và một số đơn vị khác có liên quan. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ hỗ trợ, phối hợp với nhóm đề tài để đề tài có được kết quả nghiên cứu tốt nhất. Chủ trì Hội thảo đề nghị nhóm thực hiện đề tài hoàn chỉnh cũng như chuẩn bị tốt hơn nữa cho Hội thảo tiếp theo để có thể đón nhận được nhiều hơn các ý kiến đóng góp và tiếp tục theo dõi cũng như tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, các cán bộ khoa học lão thành, các cơ quan quản lý, các chuyên gia... Buổi Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Ý kiến góp ý: