TextBody
Huy chương 2

Hội thảo tổng kết đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách nhằm vận hành bền vững các hệ thống khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”

30/09/2024

Sáng ngày 27/9/2024, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tổng kết đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách nhằm vận hành bền vững các hệ thống khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”. Mã số ĐTĐL.CN-69/21 do TS. Nguyễn Tiếp Tân làm chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo có Đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại diện Cục Thủy lợi, Trung tâm Nước sạch Quốc gia; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc Gia.

Về phía cơ quan chủ trì có PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện - Trưởng Ban chỉ đạo Cụm nước ngầm - Chủ nhiệm nhiệm vụ ĐTĐL69-21.

Ngoài ra tới dự Hội thảo còn có các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực có liên quan đến nước ngầm; Đại diện các Ban chức năng của Viện; Các Chủ nhiệm và thành viên thực hiện 8 nhiệm vụ thuộc cụm nước ngầm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - cơ quan chủ trì cho biết, nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách nhằm vận hành bền vững các hệ thống khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” tập trung vào 02 vấn đề chính đó là nghiên cứu, đánh giá thực trạng và những tồn tại, hạn chế của các mô hình tổ chức quản lý vận hành, cơ chế chính sách trong quản lý vận hành các hệ thống, công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Đề xuất các cơ chế chính sách, mô hình tổ chức đảm bảo nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý mô hình cấp nước cũng như khai thác bền vững các công trình cấp nước cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Qua 03 năm thực hiện, từ tháng 10/2021 - 09/2024, Nhiệm vụ cơ bản đã hoàn thành các nội dung công việc và sản phẩm. Đây là Hội thảo cuối cùng của Nhiệm vụ trước khi nghiệm thu cơ sở và nghiệm thu chính thức. Do vậy, Cơ quan chủ trì và nhóm thực hiện mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương để Chủ nhiệm nhiệm vụ có thể chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi nghiệm thu các cấp.

Theo TS. Nguyễn Tiếp Tân, mục tiêu của Nhiệm vụ là Đánh giá được thực trạng mô hình tổ chức quản lý, vận hành các hệ thống/công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Đề xuất được các mô hình về tổ chức quản lý, vận hành các hệ thống/công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Đề xuất được cơ chế chính sách hỗ trợ và thúc đẩy công tác tổ chức, bảo vệ và quản lý bền vững các hệ thống/công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Nhiệm vụ được thực hiện ở 05 vùng đó là khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ, Khu vực Nam Trung Bộ, khu vực Tây Nguyên, khu vực Nam Bộ với mỗi vùng chọn 02 tỉnh, mỗi tỉnh 02 huyện và mỗi huyện 03 xã nằm trong 325 xã vùng khan hiếm nước thuộc Quyết định số 264/QĐ-TTg/2015 và Quyết định số 1553/QĐ-TTg/2019.

Qua quá trình triển khai, nhóm đã thực hiện được 06 nội dung. Các kết quả đạt được của nhóm có thể kể đến như sau: Đã tổng quan nghiên cứu về mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách vận hành bền vững các hệ thống khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Đánh giá được thực trạng và những tồn tại, hạn chế của các mô hình tổ chức quản lý, vận hành, cơ chế chính sách trong việc quản lý vận hành các hệ thống công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Xác định các tiêu chí và các nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình tổ chức quản lý, vận hành bền vững các hệ thống khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước và đề xuất mô hình tổ chức (mô hình sự nghiệp, cộng đồng quản lý, tự quản) phù hợp với từng vùng, khu vực.

Đề xuất được các cơ chế chính sách (ưu đãi, thu hút, đầu tư, hỗ trợ…) đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mô hình quản lý, vận hành bền vững  các hệ thống khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Xây dựng cơ sở dữ liệu các mô hình tổ chức quản lý vận hành bền vững các hệ thống, công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Xây dựng mô hình tổ chức quản lý, vận hành bền vững các hệ thống, công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 02 vùng khác nhau (01 tỉnh vùng Tây Nguyên - Đắk Nông, và 01 tỉnh vùng Bắc Bộ - Cao Bằng).

Biên soạn sổ tay hướng dẫn xây dựng và củng cố mô hình tổ chức quản lý vận hành bền vững hệ thống, công trình khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt.

Ngoài ra đã công bố 02 bài báo khoa học trong nước, công bố 01 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, 01 bài tại Hội thảo Quốc tế; tham gia đào tạo 02 Thạc sỹ và 01 NCS.

Tiếp theo đó, các đại biểu có mặt tại Hội thảo đã được nghe các Diễn giả là thành viên nhóm thực hiện Đề tài trình bày các vấn đề về mô hình tổ chức quản lý, khai thác các hệ thống khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước và tiêu chí, quy trình đánh giá hiệu quả của các mô hình; Cơ chế, chính sách đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mô hình quản lý, vận hành bền vững các hệ thống khai thác nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao vùng khan hiếm nước; Phần mềm cơ sở dữ liệu các mô hình tổ chức quản lý, vận hành bền vững các hệ thống/công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao vùng khan hiếm nước.

Sau khi nghe TS. Nguyễn Tiếp Tân - Chủ nhiệm nhiệm vụ và các thành viên của nhiệm vụ báo cáo về các kết quả đã đạt được của nhiệm vụ. Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến có giá trị giúp cho Chủ nhiệm và nhóm thực hiện có thể tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi nghiệm thu các cấp như cần xác định rõ phạm vi hệ thống công trình khai thác nước; xem xét đề xuất thêm về mô hình tự quản, mô hình tư nhân; tiêu chí đánh giá cho điểm theo từng mức độ, tiêu chí đánh giá về mức độ hỗ trợ của Nhà nước; cơ sở tính điểm, xác định trọng số; phân loại mức độ, quy mô công trình; đối với đánh giá tổ chức cần phân loại tổ chức và mức độ hoàn thành của các tổ chức; bổ sung thêm vào kiến nghị về kinh phí để mô hình vận hành hoạt động bền vững…

Ý kiến góp ý: