Hội thảo tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai
24/05/2017Ngày 19/5/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức Hội thảo tổng kết kết quả thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai. Dự án do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.
Tham dự hội thảo có trên 80 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà tài trợ AFD, Đại sứ quán Pháp, Cục Phòng chống thiên tai, Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Văn phòng Tổng cục (Tổng cục Thủy lợi); Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Công ty TNHH Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng Phước Hòa, Công ty TNHH Quản lý Khai thác dịch vụ Thủy lợi TP. Hồ Chí Minh, các công ty Thủy điện trong vùng dự án; các chuyên gia quốc tế (AFD, JICA, WB), các địa phương thuộc vùng dự án và các nhà khoa học lĩnh vực thủy lợi, môi trường. Đến dự và chủ trì hội thảo có TS. Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi. Ông Rémi Genevey, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp AFD đồng chủ trì hội thảo. Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi có Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi. Vê phía đơn vị quản lý dự án có PGS.TS Lê Thị Kim Cúc, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy lợi) Giám đốc Ban Quản lý dự án đã dự và giới thiệu dự án. Về phía nhà tư vấn thực hiện dự án là Liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam có PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và ThS. Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (đại diện cho Viện KHTL Việt Nam thực hiện chính dự án). Thử trưởng Hoàng Văn Thằng đã phát biểu khai mạc hội thảo, nhấn mạnh rằng hiện nay xu thế của thế giới trong quản lý rủi ro về thiên tai là quản lý tổng hợp, nâng cao năng lực quản lý, dự báo, đào tạo quản lý lưu vực, quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng…, đó là những cách tiếp cận mới mà dự án Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai đã bước đầu thực hiện trong Giai đoạn 1 của dự án. Ông đã ngỏ lời chân thành cảm ơn Chính phủ Pháp, nhà tài trợ AFD và cá nhân Ông Rémi Genevey đã quan tâm rất lớn đến dự án và hy vọng những kết quả bước đầu của dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức mới về quản lý rủi ro lũ lụt thiên tai cho lưu vực sông Đồng Nai, một trong những lưu vực sông lớn nhất Việt Nam. Đồng phát biểu khai mạc, Ông Rémi Genevey đã nêu rõ: trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, lũ lụt trên các lưu vực sông đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng, sinh kế của người dân. Quản lý rủi ro lũ lụt là điều mới mẻ ở Việt Nam. Cho đến nay, việc ngăn ngừa nguy cơ rủi ro đã được thể hiện trên một số Luật, quy định có liên quan và cụ thể hóa bằng những chính sách, thể chế để hỗ trợ quản lý thiên tai. Dự án quan trọng này nằm trong chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Pháp, được áp dụng cho lưu vực sông lớn nhất Việt Nam. Dự án được giao cho Tư vấn trong nước thực hiện gồm 2 cơ quan nghiên cứu lớn của Việt Nam về lĩnh vực này: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đại diện) và Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam và sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn quốc tế đứng đầu là GS. Nguyễn Kim Đan (Pháp). Cơ quan AFD luôn dành khoảng 70% ngân sách nhằm hỗ trợ các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, phục hồi các hệ rừng ngập mặn ven biển, hỗ trợ nâng cao cơ sở hạ tầng phòng chống và quản lý rủi ro thiên tai…và dự án này nằm trong các hoạt động đó của AFD. TS. Đinh Thanh Mừng, Ban Quản lý dự án (TCTL) đã trình bày báo cáo tổng kết dự án, với những nét chính như sau: Thời gian thực hiện Dự án: 3/2014 – 5/2017 Tổng vốn ODA dự kiến: 950.000 EUR, trong đó vốn giai đoạn 1: 500.000 EUR, đã giải ngân 65%. Phạm vi không gian của Dự án: nằm trên lưu vực sông Đồng Nai gồm địa bàn các tỉnh: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận. Mục tiêu chung của Dự án Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Đồng Nai: - Góp phần phát triển chiến lược trung và dài hạn và hướng dẫn Quản lý rủi ro lũ lụt bền vững (SFRM), dựa trên việc nâng cao kiến thức liên ngành và toàn diện về dự báo lũ lụt, đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro để giảm thiểu rủi ro lũ và cải thiện khả năng phục hồi lũ ở lưu vực sông Sài Gòn- Đồng Nai. - Thích ứng kiến thức tiên tiến và kỹ thuật mô hình hóa để đánh giá rủi ro lũ, nhắm vào các nguồn hiểm họa, sự đối mặt và tình trạng dễ bị tổn thương trên lưu vực sông Sài Gòn- Đồng Nai; - Đánh giá các biện pháp kiểm soát lũ hiện thời và xây dựng các chiến lược trung và dài hạn cho Quản lý Rủi ro Lũ Bền vững (SFRM) nhằm giảm các rủi ro về lũ và nâng cao khả năng phục hồi sau lũ trên lưu vực sông Sài Gòn- Đồng Nai; - Tăng cường phối hợp giữa những nhà ra quyết định, các bên liên quan và các nhà khoa học cũng như khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong Quản lý rủi ro về lũ (FRM); - Trao đổi và đánh giá kiến thức, kinh nghiệm về FRM giữa các chuyên gia trong nước và các chuyên gia quốc tế. Theo Quyết định số 4341/QĐ-BNN-HTQT ngày 09/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 1 (2015-2016) của Dự án có 05 hợp phần sau: - Hợp phần WP1: Hệ thống thông tin lũ lưu vực (FIS); - Hợp phần WP2: Đánh giá nguy cơ ngập lụt; - Hợp phần WP3: Đánh giá tính dễ tổn thương và rủi ro về kinh tế; - Hợp phần WP4: Đánh giá các biện pháp kiểm soát lũ hiện có để xây dựng khung quản lý rủi ro lũ tổng hợp; - Hợp phần WP5: Phổ biến kết quả - Đào tạo. Sản phẩm chủ yếu của giai đoạn 1 Dự án: - Hệ thống thông tin lũ (FIS) cho Lưu vực sông SG-ĐN; - Mô hình quản lý rủi ro lũ bền vững: 03 mô hình thí điểm (đại diện khu vực thành phố, đại diện khu vực đô thị và khu công nghiệp, đại diện cho khu vực nông thôn); - Khung quản lý rủi ro lũ tổng hợp được UBND các tỉnh, thành trong vùng dự án chấp thuận; - Chuyển giao kiến thức, khoa học, công nghệ tiên tiến cũng như kinh nghiệm về quản lý rủi ro ngập lụt bền vững giữa tư vấn quốc tế và tư vấn trong nước. Đến nay, dự án đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng (01 lớp về hệ thống thông tin lũ, tính toán thủy văn bằng mô hình mô phỏng, mô hình mưa-dòng chảy, mô hình thủy lực; 01 lớp về biến đổi khí hậu, mô hình chi tiết hóa BĐKH và thủy văn cho tính toán bằng mô hình mô phỏng; 02 lớp về đánh giá tính dễ tổn thương và rủi ro); 03 lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ về kết quả dự án; xây dựng Website của Dự án để giới thiệu dự án, chia sẻ thông tin, báo cáo dự án, tài liệu... Việc giám sát, đánh giá dự án được thực hiện thông qua gói thầu Thẩm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật do Viện Thủy lợi và Môi trường, Đại học Thủy lợi thực hiện. Báo cáo thẩm tra dự án do PGS.TS Phạm Văn Song, Viện Thủy lợi và Môi trường, Đại học Thủy lợi trình bày, ghi nhận Dự án đã có nhiều kết quả mới, đã hoàn thành cơ bản các sản phẩm đầu ra, tuy nhiên một số sản phẩm cần hoàn thiện, bổ sung cập nhật khi bàn giao khai thác. Các đại biểu dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận về kết quả dự án. Đánh giá kết quả giai đoạn 1 của Dự án, các đại biểu dự hội thảo nhận định dự án có ý nghĩa quan trọng về phòng chống thiên tai lũ lụt theo quan điểm tiếp cận mới. Đề nghị dự án tiếp tục hoàn thiện bổ sung cập nhật sản phẩm để các địa phương thuận tiện áp dụng trong quản lý. Sau giai đoạn 1, đề nghị BQLDA vẫn tiếp tục xúc tiến vận động tài trợ cho giai đoạn 2, tiếp tục các lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao, chia sẻ thông tin dự án. Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng chỉ đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai tiếp thu các sản phẩm Giai đoạn 1 của Dự án để quản lý, khai thác, sử dụng; cần dựa vào Khung quản lý rủi ro tổng hợp của Dự án đã thực hiện, tiếp tục hoàn thiện, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia cho các lưu vực sông, trước hết là lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; hướng dẫn các địa phương xây dựng khung quản lý rủi ro lũ lụt cấp tỉnh/thành phố. Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ nhanh chóng hoàn thiện khung thể chế, chính sách liên quan; các cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ cần xây dựng các bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực rủi ro thiên tai lũ lụt. Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan AFD tiếp tục xem xét tài trợ cho Giai đoạn 2 của Dự án, liên kết chuỗi các kết quả do AFD tài trợ với các dự án liên quan khác để phát huy hiệu quả cao nhất. Kết thúc Hội thảo, Ban Quản lý dự án đã tổ chức bàn giao các sản phẩm là đầu ra tiêu biểu của Dự án giai đoạn 1 (Sổ tay hướng dẫn điều tra thu thập số liệu và xây dựng bản đồ tổn thương, rủi ro ngập lũ lưu vực sông Sài Gòn- Đồng Nai; tập bản đồ rủi ro ngập lũ lưu vực sông Sài Gòn- Đồng Nai) cho các địa phương thuộc vùng dự án. Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo tổng kết: Theo www.siwrr.org.vn
Ý kiến góp ý: