Hội thảo tổng kết dự án Hỗ trợ kỹ thuật thí điểm ứng dụng công nghệ cấp nước kiểu đập ngầm và Hào thu nước
26/12/2014Ngày 23/12/2014, Viện Thủy công tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án Hỗ trợ kỹ thuật thí điểm ứng dụng công nghệ cấp nước kiểu đập ngầm và Hào thu tại KS. Thắng Lợi. Buổi tổng kết vinh dự với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thủy lợi, Bà Hạ Thanh Hằng - Vụ Phó Vụ Quản lý Nguồn nước &NSNT - Tổng Cục Thủy lợi.... Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ XDCB, Vụ KHCN&MT, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, A86 - Bộ Công An, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Trung tâm Nước sạch của các tỉnh trong vùng dự án Lai Châu, Tuyên Quang, Hòa Bình và các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An, đại diện từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đài truyền hình VTV2, Tạp chí Tài nguyên nước, các lãnh đạo Viện, lãnh đạo Trung tâm trực thuộc Viện Thủy công.
Mở đầu buổi Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh phát biểu khai mạc và nêu cao tầm quan trọng của các ứng dụng công nghệ trong các dự án cấp nước sinh hoạt cho vùng miền núi, tình hình thực tế tài trợ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ mà cụ thể trong dự án này là DFAT – Đại sứ Quán Úc tài trợ. Đồng chí cũng đánh giá cao về những kết quả thực tế, tiến độ thực hiện mà Viện Thủy công đã hoàn thành trong dự án này. PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công, chủ nhiệm dự án thuyết trình buổi tổng kết với hai báo cáo: Báo cáo Kết thúc dự án thí điểm ứng dụng công nghệ Đập ngầm nhằm sửa chữa, nâng cấp một số công trình cấp nước sinh hoạt tại 3 tỉnh Hòa Bình, Lai Châu và Tuyên Quang và “Một số nội dung trong tài liệu TCCS 02/2014 - VTC “Công trình cấp nước miền núi dạng Đập ngầm và hào thu - Hướng dẫn thiết kế, thi công và Quản lý vận hành”. Dự án bắt đầu khởi động từ tháng 11 năm 2013, đến ngày 03 tháng 1 năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra Quyết định số 15/QĐ-BNN-HTQT cho phép Viện Thủy công tiếp nhận viện trợ của chính phủ Úc để thực hiện. Sau 1 năm, tháng 11 năm 2014, dự án đã hoàn thành, trong đó thời gian thi công chỉ kéo dài 3 tháng. Đây được đánh giá là một dự án ứng dụng thí điểm rộng trên phạm vi ba tỉnh: xóm Hạ 1, Hạ 2, xã Lạc Sỹ, xóm Cương, xã Hữu Lợi (Hòa Bình), thôn Niếng, thôn Toa, xã Minh Thanh, thôn Đèo Lang, xã Kim Bình (Tuyên Quang), bản Nậm Phìn, xã Nậm Mạ, bản Chiềng Lồng xã Nậm Cha (Lai Châu) - tại những nơi vô cùng thiếu thốn và khó khăn về nguồn nước, điều kiện đi lại vận chuyển nguyên vật liệu để thi công rất khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự quản lý sát sao và quyết liệt của Ban QLDA thí điểm công nghệ đập ngầm, nỗ lực vượt khó của các cán bộ kỹ thuật của Viện Thủy công thì về cơ bản dự án đã hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng theo nội dung đã thỏa thuận với nhà tài trợ. Kết quả các hoạt động đầu ra của dự án: - Kết quả 1: Sửa chữa nâng cấp 6 công trình cấp nước tập trung tiêu biểu trong 3 tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Lai Châu, mỗi công trình phục vụ tối thiểu 100 hộ dân. Đảm bảo cấp nước bền vững, hợp vệ sinh, giá thành giảm so với công nghệ hiện có. - Kết quả 2: Xây dựng các tài liệu hướng dẫn công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu và quản lý vận hành công trình; Tổ chức hội thảo vùng để đánh giá kết quả áp dụng và chuyển giao công nghệ cho các cơ quan và địa phương liên quan. Kết quả về lưu lượng cấp tại các tỉnh đều vượt yêu cầu cấp nước tối thiểu (80l/người.ngày đêm), chất lượng nước đảm bảo nước sinh hoạt theo QCVN 02/2009- BYT. Công nghệ cấp nước kiểu Đập ngầm và Hào thu nước bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2010 trong một đề tài cấp nhà nước cho đến nay đã thực hiện được tại 15 công trình rải rác tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Hòa Bình, Đà Nẵng, Đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) là một con số còn khiêm tốn bởi công nghệ còn mới, chưa được định mức hóa và chứng minh trên cơ sở khoa học, nhưng kết quả từ thực tế cho thấy đây là một công nghệ có hiệu quả cao về kinh tế, kỹ thuật, ổn định và bền vững. Đối với các dự án kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng như đập dâng, hồ treo…hiện đang được áp đặt cho các tỉnh miền núi mà kết quả thu được không khả quan thì đây thực sự là một giải pháp mới đột phá. Nói một cách khác như PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng:“Công nghệ làm thay đổi tư duy”. Bài phát biểu thứ 3 tại hội thảo do PGS.TS Hoàng Phó Uyên, phó Viện trưởng Viện Thủy công về Dự án sản xuất thực nghiệm: “Chế tạo và ứng dụng túi nước di động cho dân cư các vùng thiếu nước sạch”. Đây là một dự án mới, sản phẩm của dự án sẽ giải quyết việc trữ nước cho dân cư vùng ven biển, hải đảo, vùng cao hiếm nước, dung tích của túi đến 50m3. Túi được vận chuyển đơn giản, thi công và lặp đặt thuận tiện, giá thành rẻ. Với các bài báo cáo của Viện Thủy công nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp. Đại diện xã tiếp nhận sử dụng khai thác dự án, các Trung tâm NS&VSMT các tỉnh cũng đánh giá cao về kết quả thực hiện của dự án, đồng thời cũng đưa ra các kiến nghị về vấn đề vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình. Các vấn đề khác liên quan đến nguồn cung, lắp đặt và hướng giải quyết vấn đề cũng được các bên đưa ra tại Hội thảo. Đánh giá về việc thực hiện Dự án, Viện trưởng PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ sự cảm kích chân thành tới DFAT đã tài trợ và sự chấp thuận cho thực hiện dự án của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn không phải bởi những lợi nhuận về kinh tế của Dự án đối với Viện Thủy công mà đó là vì kết quả của lòng đam mê nghiên cứu khoa học, mong muốn được cống hiến được chắp cánh để đến được với đồng bào, đến được với những nơi thực sự cần nước. Bên cạnh đó trong quá trình thực hiện, công nghệ được tạo điều kiện để trải nghiệm, có được những kinh nghiệm từ thực tế để quay lại phục vụ công tác nghiên cứu khoa học nhằm hoàn thiện công nghệ. Theo thuycong.ac.vn
Ý kiến góp ý: