Hội thảo tổng kết và đánh giá các hoạt động của dự án: “Xây dựng chương trình giảng dạy và trao đổi Giảm nhẹ rủ ro thiên tai và Thích ứng BĐKH”
30/11/2022Trong 2 ngày, từ ngày 28-29/11/2022, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo tổng kết và đánh giá các hoạt động của dự án: “Xây dựng chương trình giảng dạy và trao đổi Giảm nhẹ rủ ro thiên tai và Thích ứng BĐKH”.
Đay là Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Độc lập Bangladesh (IUB), Viện Công nghệ và Quản lý Tài nguyên Vùng nhiệt đới và Cận nhiệt đới (ITT) - TH Köln (Trường Đại học Khoa học Ứng dụng), các chuyên gia của Viện và Trường Đại học Độc lập Bangladesh (IUB) và trường Gadjah Mada - Indonesia (UGM).
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Lars Ribbe – Trưởng Khoa Phát triển Không gian và Hệ thống Hạ tầng – Trường Đại học Khoa học ứng dụng TH Köln; Ông Stefan Hase Bergen – Trưởng Đại diện Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức DADD tại Việt Nam; Ông Khondkar Ayaz Rabbani - Trường Đại học Độc lập Bangladesh; Bà Utia Suarma - Trường Đại học Gadjah Mada - Indonesia; PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng Phòng Đào tạo - Trường Đại học Thủy lợi; Ông Dương Ngọc Bách - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường; Các giảng viên thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Thủy lợi; Các cán bộ thuộc Chương trình và các sinh viên KOLN 1, 2, 3.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp; PGS.TS. Phạm Hùng - Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ chất lượng cao cho ngành, từ năm 2009, Viện đã chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài để liên kết đào tạo Thạc sĩ dưới sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đào tạo thạc sĩ khoa học lĩnh vực quản lý công nghệ và tài nguyên và từ năm 2016 được cấu trúc lại thành hai chương trình là Quản lý tài nguyên thiên nhiên và Quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Chương trình đào tạo với 120 tín chỉ, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, đã được cấp phép và triển khai thành công tại Đức, đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu. Học viên của chương trình sau khi tốt nghiệp, được cấp bằng Thạc sĩ Khoa học do Trường Đại học Khoa học ứng dụng Cologne cấp.
Từ năm 2009 đến năm 2017, Viện đã tuyển sinh được 9 khóa, với tổng số 114 học viên, đã đào tạo thành công 83 thạc sĩ. Ngoài các học viên đến từ các cơ quan đơn vị trong nước, có 5 học viên đến từ Anh, Myanmar và Philippin, Italia. Tỷ lệ sinh viên đầu vào (95% đã đi làm 2 năm trở lên, 5% mới tốt nghiệp đại học).
Từ năm 2020, hai chương trình là “Quản lý tài nguyên thiên nhiên” và “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước” được đào tạo tại Việt Nam bởi Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Trường Đại học Khoa học ứng dụng TH Koln. Chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại Quyết định số 2132/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 7 năm 2020. Chương trình đã tuyển sinh được ba khóa với tổng số 24 học viên.
Chương trình được sự tài trợ của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) với các suất học bổng cấp cho học viên trong trong quá trình học tại Việt Nam và các học bổng đi du học tại Đức 01 học kỳ (kỳ 3) cho các sinh viên đủ điều kiện.
Thay mặt Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện cho biết đây là Chương trình đào tạo thạc sỹ rất thiết thực; giúp ích cho các Bộ, ngành trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã có kinh nghiệm hợp tác lâu dài với Đại học Khoa học ứng dụng TH Koln (Đức). Các cơ sở vật chất như phòng học, phòng máy tính, cơ sở thí nghiệm của Viện đáp ứng tốt cho nhu cầu đào tạo; Đội ngũ giảng viên của Viện có trình độ cao, đáp ứng được cho việc giảng dạy chương trình quốc tế.
Hội thảo với mục tiêu rà soát đánh giá và phát triển chương trình đào tạo gắn với giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề được đặt ra đúng thời điểm và có ý nghĩa.
Qua Chương trình đào tạo này, GS.TS. Trần Đình Hòa cho rằng sẽ mở ra nhiều vấn đề khác không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu và còn mở ra cơ hội phát triển cho các học viên, cơ hội hợp tác cho các cơ quan nghiên cứu ở Việt Nam và CHLB Đức trong những vấn đề nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ liên quan đến giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam như vấn đề xâm nhập mặn, sụt lún đất xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán, lũ lụt ở miền Trung; sạt lở đất, thiếu nguồn nước ở miền Bắc.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS.TS. Trần Đình Hòa cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất để phục vụ tổ chức các lớp học trong chương trình và bố trí đội ngũ giảng viên có trình độ cao tham gia chương trình.
GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã gửi lời cảm ơn Trường Đại học Khoa học ứng dụng TH Köln; Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức DADD tại Việt Nam, Trường Đại học Độc lập Bangladesh, Trường Đại học Gadjah Mada - Indonesia và Trường Đại học Thủy lợi và hy vọng Chương trình đào tạo trong giai đoạn tiếp theo sẽ đạt kết quả tốt hơn so với giai đoạn trước.
GS.TS. Lars Ribbe – Trưởng Khoa Phát triển Không gian và Hệ thống Hạ tầng – Trường Đại học Khoa học ứng dụng TH Köln phát biểu tại Hội thảo
Ông Stefan Hase Bergen – Trưởng Đại diện Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức DADD tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Phạm Hùng - Phó Trưởng Ban Kế hoạch Tổng hợp phát biểu tại Hội thảo
Ý kiến góp ý: