Hội thảo về các giải pháp thủy lợi kết hợp với nông nghiệp để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng
28/04/2014Ngày 25/4/2014, tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã diễn ra Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thủy lợi kết hợp nông nghiệp để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng do TS. Vũ Thế Hải cùng nhóm các nhà khoa học Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường thực hiện. Tham dự có đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Tổng Cục Thủy sản; Viện Quy hoạch Thủy lợi; đại diện các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Hồng. GS.TS. Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tham dự và chủ trì.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, các địa phương để điều chỉnh và hoàn thiện những nội dung nghiên cứu của đề tài. Đây là một trong những hoạt động rất thiết thực, được đánh giá rất cao của các đề tài do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chủ trì. Theo GS.TS Trần Đình Hòa, qua đây cũng là sự khẳng định cho sự cộng tác lâu dài, bền vững giữa cơ quan nghiên cứu và các địa phương ứng dụng. Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 06 báo cáo về các vấn đề: Giới thiệu đề tài và nội dung hội thảo; Hiện trạng hạn hán và xâm nhập mặn các tỉnh ven biển ĐBSH; Đánh giá tác động của điều tiết hồ chứa thượng lưu đến hạn hán và xâm nhập mặn các tỉnh ven biển vùng ĐBSH; Tính toán cân bằng nước theo các kịch bản cho các tỉnh ven biển vùng ĐBSH; Giải pháp ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn các tỉnh ven biển ĐBSH; Thiết kế mô hình thí điểm ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Phát biểu tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh đều khẳng định: Đây là đề tài Viện thực hiện rất công phu giúp cho các tỉnh ven biển, đặc biệt là các huyện ven biển định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đồng quan điểm với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Viện Quy hoạch, Tổng cục Thủy sản… các đại biểu đều cho rằng: cần gắn nội dung nghiên cứu của đề tài với vấn đề tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới; tham khảo kết quả nghiên cứu của các đề tài đi trước cũng như có các giải pháp cụ thể cho từng vùng; các số liệu về kinh tế xã hội… cần phải chính xác.
Ý kiến góp ý: