TextBody
Huy chương 2

Hội thảo về kết quả xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu giảm thiểu xói mòn, bồi lấp lòng hồ

13/10/2022

Chủ nhiệm Đề tài ThS. Trần Mạnh Trường tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu tham dự Hội thảo

Sáng 12/10/2022, tại Bắc Kạn đã diễn ra Hội thảo về kết quả xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu giảm thiểu xói mòn, bồi lấp lòng hồ. Đây là Hội thảo lần thứ 1 nằm trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp Quốc gia “Nghiên cứu các giải pháp ứng phó với một số thiên tai chính gây mất ổn định tự nhiên khu vực hồ Ba Bể phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. Mã số: ĐTĐL-CN.14/20.

Về dự Hội thảo có TS. Hoàng Ngọc Đường - nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - Chủ tịch liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn; Nguyễn Đình Điệp - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Kạn; Ông Hà Kim Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn; Ông Trung Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể; Đại diện lãnh đạo và cán bộ của Chi cục Thủy lợi, Hạt kiểm lâm hồ Ba Bể, Văn phòng Ban chỉ huy và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể; Ủy ban nhân dân huyện Ha Bể, Ủy ban nhân dân xã Đồng Phúc; Đại diện Ban chỉ huy PCTT và TKCN tại các xã trong lưu vực Hồ Ba Bể: Xuân Lạc Ngọc Phái Nam Cường Nam Mẫu Hoàng Trĩ, Đồng Phúc; Các hộ dân tham gia mô hình chè hoa vàng tại thôn Bản Chán, xã Đồng Phúc; Nhóm Hỗ trợ Kỹ thuật mô hình cấp xã về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại xã Đồng Phúc; Nhóm Cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại xã Đồng Phúc; Các đơn vị, cá nhân thực hiện và tham gia phối hợp thực hiện đề tài; cơ quan báo chí của tỉnh Bắc Kạn.

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có TS. Nguyễn Tiếp Tân, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và nhóm thực hiện đề tài thuộc Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về Động lực học Sông Biển.

Toàn cảnh Hội thảo

 Hội thảo do TS. Nguyễn Tiếp Tân, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Ông Nguyễn Đình Điệp - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và Ông Hà Kim Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, TS. Nguyễn Tiếp Tân  - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp ứng phó với một số thiên tai chính gây mất ổn định tự nhiên khu vực hồ Ba Bể phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, mã số ĐTĐL-CN.14/20 do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Bắc Kạn đặt hàng và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là đơn vị chủ trì thực hiện. Đề tài thực hiện trong 03 năm, từ tháng 5/2020 - 5/2023 với mục tiêu là Xác lập cơ sở khoa học cho việc nhận dạng một cách đầy đủ một số thiên tai chính khu vực hồ Ba Bể (bồi lấp lòng sông, lòng hồ; ngập lụt; lũ quét; sạt lở đất); Xây dựng được mô hình cảnh báo sớm ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Xây dựng được mô hình ứng phó với ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Đề xuất được các giải pháp tổng thể và cụ thể phục vụ ổn định tự nhiên khu vực hồ Ba Bể để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong thời gian triển khai thực hiện từ tháng 5/2020, mặc dù bị tác động của dịch bệnh COVID19 tuy nhiên đến nay Đề tài đã cơ bản đáp ứng được các mốc tiến độ của đề cương được phê duyệt. Hội thảo được tổ chức là dịp để Ban chủ nhiệm Đề tài và nhóm nghiên cứu trình bày một số kết quả sản phẩm nghiên cứu chính và cũng là cơ hội xin ý kiến góp ý của các cơ quan quản lý các cấp, nhà khoa học, người dân ở khu vực triển khai thực hiện của đề tài để hoàn thiện các sản phẩm của đề tài đặc biệt là: Mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu chối xói mòn; Mô hình thiên tai cộng đồng và mô hình cảnh báo sớm các loại hình thiên tai chính ở khu vực hồ Ba Bể và vùng phụ cận.

Hội thảo đã được nghe Chủ nhiệm Đề tài và nhóm nghiên cứu trình bày 04 báo cáo như tổng quan về đề tài; Kết quả mô hình trồng rừng kết hợp dược liệu chống xói mòn; Xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai khu vực hồ Ba Bể; Giới thiệu hệ thống cảnh báo thiên tai trực tuyến.

TS. Hoàng Ngọc Đường đã đánh giá cao các kết quả đã đạt được của Đề tài đến thời điểm của Hội thảo. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm về trồng dược liệu dưới tán rừng, địa phương cần phải xây dựng phương án nhân rộng mô hình để thúc đẩy phát triển kinh tế ở Đồng Phúc và các xã lân cận trong vùng lòng hồ; Nghiên cứu sâu hơn để hỗ trợ địa phương đưa ra cảnh báo về bồi lấp hồ Ba Bể để có các giải pháp bảo vệ hồ bền vững.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, TS. Ngô Xuân Cường đề nghị tiếp tục nhân rộng mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với Chương trình Nông thôn mới; Chương trình hỗ trợ dân tộc thiểu số để tạo ra động lực phát triển kinh tế vùng lòng hồ Ba Bể.

Qua quá trình đi thực địa ngày 11/10/2020, TS. Ngô Xuân Cường đánh giá cao về việc bổ sung cây trám, cây dẻ và cho rằng đây là cây thân gỗ sẽ ổn định. Tuy vậy do mới trồng nên chưa đánh giá được vấn đề xói mòn, cần phải có thời gian theo dõi sau khi đề tài kết thúc. TS. Ngô Xuân Cường cũng lưu ý nhóm Đề tài cần phải chủ động hơn nữa và chú ý các sản phẩm còn lại để chuẩn bị các thủ tục nghiệm thu.

Theo Ông Hoàng Văn Quỳnh - Phó Chủ tịch xã Đồng Phúc, xã đã phối hợp với các hộ dân, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông lựa chọn địa điểm tại thôn Nà Khâu và thôn Bản Chán (10 hộ dân), tổ chức đưa các hộ tham gia đi tập huấn tại vùng trồng có sẵn ở Bắc Kạn và đưa vào Nghị quyết của xã về định hướng phát triển tập trung vào dược chủ lực là cây dược liệu. Ông Hoàng Văn Quỳnh đánh giá cao việc Viện Khoa học Thuỷ lợi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phân bón để trồng cây chè Hoa Vang, Dẻ, Trám.

Ông Hà Kim Oanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn yêu cầu cần có đánh giá rõ hơn về mức độ xói mòn làm cơ sở nhân rộng mô hình; Bổ sung các đánh giá về tác động của đường giao thông, các dự án hạ tầng đã được xây dựng để làm rõ trong các mô hình.

Từ kinh nghiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã được tiếp nhận một số kết quả nghiên cứu trước đây, Ông đề nghị xem xét phương án tích hợp hệ thống cảnh báo vào GIS, tích hợp dữ liệu các trạm đo vào hệ thống quản lý của tỉnh đang có để giúp thuận lợi cho công tác điều hành phòng chống thiên tai; Có các khuyến cáo về hệ thống cảnh bảo thiên tai để nhân rộng mô hình, áp dụng thêm cho thành phố Bắc Kạn (quản lý lưu vực sông Cầu); Chuẩn bị các điều kiện bàn giao trang thiết bị, hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm sao cho đồng bộ và thuận tiện trong sử dụng.

Đối với các kiến nghị của hộ dân và xã, Ông yêu cầu Chi cục Thuỷ lợi, Chi cục Kiểm lâm có đề xuất tham mưu báo cáo lãnh đạo Sở để xin ý kiến Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, tiếp tục phối hợp nghiên cứu kết quả của đề tài để chuẩn bị tiếp nhận sản phẩm để vận hành. Trung tâm Khuyến nông cần có các tham mưu đề xuất để hướng dẫn xã, người dân, đơn vị Chủ trì nghiên cứu tuân thủ đúng các quy định của tỉnh về định hướng phát triển kinh tế xã hội khu vực hồ Ba Bể.

Nguyễn Đình Điệp - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đề nghị cập nhật hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng hồ Ba Bể để có các đánh giá chuyên sâu, phục vụ tốt hơn cho công tác phòng chống thiên tai của tỉnh.

Về phương án tiêu thụ sản phẩm, Ông cho rằng địa phương cần phải xây dựng vùng nguyên liệu và khi có vùng nguyên liệu, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất tham mưu báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để có các giải pháp kết nối để bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông đề nghị Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam có các kế hoạch để chuyển giao cho địa phương về mô hình phòng chống thiên tai thuận lợi, dễ sử dụng nhất; đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với tỉnh tiếp tục có các giải pháp để nhân rộng mô hình. Các hộ dân cần tập trung chăm sóc cây trồng cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương để có các sản phẩm cuối cùng, tạo nhân tố để nhân rộng mô hình.

Về phía Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Kạn sẽ phối hợp với đơn vị chủ trì, các cơ quan liên quan để nghiệm thu đúng quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ và của tỉnh; Đề xuất phương án tham mưu để nhân rộng mô hình.

Trước đó, vào ngày 11/10/2022, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành đi thực địa kiểm tra mô hình.

Ý kiến góp ý: